Thứ bảy, Tháng tư 5, 2025

Băn khoăn quy hoạch ngành mía đường

HUỲNH LƯỢNG -

Nâng cao chất lượng, gia tăng năng suất là mục tiêu được đặt ra trong dự thảo quy hoạch ngành mía đường định hướng đến năm 2030. Song nhiều người trong cuộc đang băn khoăn về tính khả thi của quy hoạch này, cho rằng mục tiêu này sẽ khó đạt được trong bối cảnh diện tích vùng nguyên liệu vẫn như hiện nay.

Muốn tăng mạnh

miaduong2Nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch mía.

Dự thảo “Quy hoạch phát triển ngành mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ thông qua thời gian tới đề ra mục tiêu đến năm 2020 diện tích vùng mía nguyên liệu cả nước đạt 300.000 ha, tăng 69.000 ha so với hiện tại. Về năng suất, dự thảo đặt mục tiêu bình quân 70 tấn/ha, tăng 8 tấn/ha, với tổng sản lượng đạt 21 triệu tấn, tăng trên 8 triệu tấn so với hiện tại. Về chất lượng mía được thể hiện thông qua chữ đường (CCS), dự thảo đề ra mục tiêu đến năm 2020 đạt bình quân 11 CCS, tăng 1,3 CCS.

Đối với công suất thiết kế của các nhà máy, dự kiến vào năm 2020 sẽ đạt 185.800 tấn mía nguyên liệu/ngày, tăng 25.300 tấn/ngày so với công suất hiện tại là 150.500 tấn mía nguyên liệu/ngày. Như vậy, với công suất ép tăng thêm 25.300 tấn mía mỗi ngày, diện tích trồng mía phải tăng thêm khoảng 69.000 ha mới có đủ nguyên liệu đáp ứng được cho các nhà máy.

Còn định hướng phát triển ngành mía đường đến năm 2030, ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dự thảo đặt mục tiêu đạt tổng công suất ép của các nhà máy đường trong cả nước là khoảng 237.400 tấn mía nguyên liệu/ngày, tức công suất ép lúc đó sẽ tăng thêm khoảng 51.600 tấn mía nguyên liệu/ngày so với công suất của năm 2020.

Điều khiến nhiều người băn khoăn là, mặc dù quy hoạch công suất ép tăng cao (51.600 tấn mía nguyên liệu/ngày), nhưng diện tích trồng mía năm 2030 lại giữ ổn định như năm 2020, tức vẫn ở mức 300.000 ha. Theo lý giải của đơn vị soạn thảo, để đáp ứng phần công suất ép tăng cao trong bối cảnh diện tích trồng không tăng, yêu cầu đặt ra là phải tăng năng suất mía. Cụ thể, năng suất mía vào năm 2030 phải đạt 80 tấn/ha, tăng 10 tấn/ha so với năm 2020.

Làm sao để tăng?

Nói về dự thảo quy hoạch, bà Vũ Thị Huyền Đức, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho rằng cách quy hoạch như vậy là chưa hợp lý, còn bất cập giữa quy hoạch diện tích và công suất nhà máy. Bà dẫn chứng, tỉnh Tuyên Quang quy hoạch đến năm 2020 có 15.500 ha mía với công suất ép của các nhà máy là 12.000 tấn mía nguyên liệu/ngày, và đến năm 2030 công suất ép sẽ tăng lên 13.000 tấn mía nguyên liệu/ngày. Thế nhưng diện tích vùng nguyên liệu lại không tăng.

“Báo cáo nói có yếu tố tăng năng suất, nhưng tôi nghĩ năng suất không tăng cao như vậy được”, bà cho biết. Tương tự như vậy, diện tích mía nguyên liệu ở nhiều địa phương khác trong cả nước đến năm 2030 vẫn giữ nguyên như năm 2020, nhưng công suất ép lại tăng cao. Điều này được một số nhà máy đường đánh giá, cho rằng dự thảo quy hoạch có phần xa rời thực tế, rất khó có thể triển khai nếu không chỉnh sửa, thậm chí phải viết lại.

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA, cho rằng thông tin nói năng suất mía của Thái Lan đạt 90-100 tấn/ha, trong khi năng suất mía bình quân của họ chỉ hơn 60 tấn/ha. “Chúng ta dựa vào các số liệu không chuẩn xác như vậy để làm quy hoạch, đề ra mục tiêu năng suất mía trong nước trong tương lai là không ổn”, ông Hải nói. Theo ông, trước những biến đổi khí hậu ở miền Tây, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ và cũng nên có cái nhìn tổng thể hơn về vùng nguyên liệu mía đường.

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, cũng cùng quan điểm, cho rằng quy hoạch phải biết được “bản đồ công nghệ” của các nước như thế nào về kỹ thuật canh tác, giống, năng suất, chất lượng… “Biết như vậy, mình (Việt Nam) mới biết mình đang đứng ở đâu để trong kế hoạch giai đoạn năm 2016-2020 và từ năm 2020 trở đi mình mới có giải pháp nào bằng người ta, chứ mình không nắm được thì làm sao đặt ra mục tiêu quy hoạch được?”, ông Bảnh đặt vấn đề. Theo ông Bảnh, ngành đường phải xác định mình đang yếu về cái gì, yếu về giống, về canh tác hay về cơ giới hóa thì mới thay đổi được.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một số đơn vị trong ngành cũng cho rằng, bản quy hoạch này còn nhiều điều phải bàn, đặc biệt là không đặt trong bối cảnh mang tầm nhìn chiến lược phát triển dài lâu của ngành. Một doanh nghiệp cho rằng một khi chưa đưa ra được những dự báo về tình hình cung/cầu cũng như năng lực sản xuất và tác động từ các h iệp định thương mại tự do mà cứ tùy tiện quy hoạch như vậy thì khó đạt hiệu quả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối