Thứ sáu, Tháng Một 3, 2025

Băn khoăn tính khả thi của phố sách

Nguyễn Huệ Nghi

Ý tưởng về một phố sách cho TPHCM đã được nhiều “lão làng” trong giới xuất bản nêu ra cách đây vài tháng và được bàn luận sôi nổi nhân Ngày Sách Việt Nam, 21-4-2015. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ là những băn khoăn của một số người trong ngành về tính khả thi của ý tưởng này.

Chợ sách, tại sao không?

Sáng 18-4, khoảng 20 ki-ốt bán sách được dựng lên trên đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TPHCM – con đường ngắn với hai hàng me thơ mộng nằm bên hông nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Sự kiện đã thu hút nhiều người dân quan tâm đến tham quan và mua sách.

Hoạt động chính của Ngày Sách Việt Nam lần thứ hai tại TPHCM diễn ra trong một không gian mở như một cách làm mới chương trình hội hè của giới kinh doanh sách, nhưng sâu xa là thăm dò thực tế để xây dựng đề án cho một “phố sách” hoạt động thường xuyên tại TPHCM. Và tại đây, vào chiều ngày 18-4, đã có những trao đổi khá thẳng thắn về mục đích và cách làm của giới làm công tác xuất bản trên địa bàn thành phố.

Khách hàng trẻ tại phố sách Nguyễn Văn Bình ngày 18-4 vừa qua.      Ảnh: Huệ Nghi
Khách hàng trẻ tại phố sách Nguyễn Văn Bình ngày 18-4 vừa qua. Ảnh: Huệ Nghi

“Trong khi những con phố có chợ chim, chợ chó, chợ đồng hồ xưa… mà TPHCM không có được một chợ sách thì thật vô lý. Nói điều này e quá muộn, nhưng tôi nghĩ đây là một hoạt động tất yếu phải có”, ông Lê Nguyên Đại, Giám đốc Công ty Sách Thời Đại, phát biểu.

Bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, nay là thành viên sáng lập giải Sách Hay, cũng là người đầu tiên đẻ ra ý tưởng về một phố sách hay phố sách cho Sài Gòn, nói rằng nếu có một phố sách thì đó phải là một không gian kinh doanh hiệu quả và đem lại giá trị văn hóa cho người làm nghề và độc giả, những người yêu sách. “Với tôi, đường Nguyễn Văn Bình hoàn toàn phù hợp vì con đường nằm ở khu vực trung tâm, xung quanh có nhiều công trình di sản văn hóa, phù hợp cho các sinh hoạt về sách vở”, bà Nguyệt nói.

Theo bà, chính quyền thành phố nói chung và quận 1 nói riêng đóng vai trò khá quan trọng. Họ phải nhìn thấy hiệu quả văn hóa mà con phố sách có thể mang lại để tạo điều kiện về thuế, về cơ chế để doanh nghiệp xuất bản, phát hành có thể tham gia. Có hiệu quả kinh doanh thì doanh nghiệp mới hưởng ứng, chứ không phải là chuyện phong trào. “Với doanh nghiệp, có hiệu quả kinh doanh thì họ mới làm”, bà Nguyệt nhận định.

Không áp đặt phong trào

Ông Đại kể, cũng như nhiều người Sài Gòn mê sách khác cùng thời với ông, cho đến hôm nay ông không thể quên được hình ảnh những quầy bán sách quen thuộc trên đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và đường Lê Lợi ở quận 1 trước năm 1975. “Ngày đó, những hiệu sách này chính là một thị trường xuất bản thu nhỏ của đời sống xuất bản thành phố. Người ta tìm kiếm sách mới ở những phố sách này. Những cuốn sách hay, sách giá trị mà giới làm xuất bản muốn giới thiệu với độc giả thì nhất định phải xuất hiện ở những tiệm sách này. Tôi không sao quên được những cô Thu, cô Nga bán sách trước pharmacy Diệu Tâm hay những tiệm sách nhỏ yên bình trên phố Công Lý… Đó là những ký ức văn hóa đi theo tôi suốt cuộc đời”.

Ông Đại cũng đồng ý rằng việc chọn làm phố sách trên đường Nguyễn Văn Bình là một chọn lựa đầy may mắn, vì đây là con đường ngắn và yên tĩnh ở khu trung tâm, vừa sức với thực tế xuất bản hiện tại. “Một đường sách đáp ứng nguyện vọng người mua sách theo dõi tình hình sách mới và tạo thêm không gian cho người bán sách tiếp cận thị trường là điều nên làm”, ông Đại phát biểu.

Song ông cũng cho rằng phải để thị trường tự nhiên phát triển, không nên quy hoạch quá chặt và áp đặt về cách làm theo kiểu phong trào, “vì người kinh doanh tham gia vào hoạt động này họ tự biết phải làm gì”. Theo ông, cần thiết phải tạo cho phố sách một không gian mở, một địa chỉ sinh hoạt văn hóa cho người dân thành phố, là nơi giới xuất bản, phát hành giới thiệu sản phẩm mới, nhờ đó thúc đẩy một đời sống sinh hoạt xuất bản được hồi sinh.

Tại buổi tọa đàm, từ góc độ kinh doanh, ông Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty Sách Đông A, một doanh nghiệp từ Hà Nội, cũng đồng quan điểm, cho rằng nếu có một phố sách, nhất định sẽ có những thành công lớn về thương mại và sẽ được nhiều người kinh doanh sách như ông hưởng ứng.

“Hiệu quả, nếu việc kinh doanh sách trên con phố đó diễn ra minh bạch và bình đẳng”, ông Hoàng Nhơn đến từ Công ty Sách Khai Tâm nói.

“Vấn đề là làm sao để những người bán sách trên con phố đó phải sống được, chí thú với cái nghề của họ. Phố sách phải là hoạt động văn hóa, kinh doanh phát triển tự nhiên chứ không thể dựng lên để làm kiểng, không phải là chuyện phong trào”, ông Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Trẻ, nhận định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối