LÊ ANH - VŨ YẾN -
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, TPHCM đang đồng loạt xử lý người lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán. Song song đó, thành phố cũng thực hiện thí điểm mô hình gom người bán hàng vào những tuyến đường có vỉa hè rộng để buôn bán tập trung theo giờ. Tuy nhiên, nhiều người bán hàng rong đang băn khoăn về mô hình này.
Gom vào một nơi
Khu vực công viên cảng Bạch Đằng (đường Tôn Đức Thắng, đối diện Ngân hàng Sài Gòn Công thương) hiện nay không kinh doanh, buôn bán. Ảnh: Vũ Yến
Tình hình giao thông của TPHCM ngày càng trở nên ngột ngạt khi dưới lòng đường xe cộ ùn tắc, trên vỉa hè bị lấn chiếm để bán hàng rong, làm nơi để xe khiến người đi bộ không có lối để đi. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT), toàn thành phố hiện có 4.869 tuyến đường có bề rộng từ năm mét trở lên với tổng chiều dài 4.044 km. Trong số 832 tuyến đường sở này quản lý thì có 186 tuyến đường không có vỉa hè, còn những tuyến đường do chính quyền các quận, huyện quản lý thì tỷ lệ đường không có vỉa hè chiếm tới 51%. Đó là con số chỉ tính những tuyến đường có chiều rộng từ năm mét trở lên, còn những tuyến đường có chiều rộng năm mét trở xuống cũng không có vỉa hè.
Theo đánh giá của Sở GTVT TPHCM, có đến hơn một nửa số tuyến đường có chiều rộng từ năm mét trở lên không có vỉa hè, dẫn đến tình trạng người dân dừng đậu xe dưới lòng đường để mua bán gây nên ùn tắc giao thông. Không những lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, người dân còn sử dụng vỉa hè lòng đường làm tiệc cưới, tang lễ làm cản trở giao thông. Chưa dừng lại ở việc lấn chiếm, nhiều người dân còn xây và đặt các bục bệ trái phép trên vỉa hè làm ảnh hưởng đến người đi bộ.
Tuần trước Sở GTVT TPHCM đã tổ chức một hội thảo nhằm tìm các giải pháp giảm ùn tắc giao thông đang có xu hướng gia tăng. Tại đó, nhiều chuyên gia cho rằng một trong những giải pháp cần làm ngay để giảm ùn tắc giao thông là phải giải quyết được tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán.
Hiện nay, các quận, huyện đã đồng loạt xử lý tình trạng người lấn chiếm vỉa hè lòng đường làm nơi buôn bán. Sau khi thực hiện đồng loạt, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã giảm hẳn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần bố trí các điểm bán tập trung những người nghèo bán hàng rong có nơi buôn bán hợp pháp.
Ngay sau đó, chính quyền quận 1 đã xây dựng đề án thí điểm đưa một số người bán hàng rong trên địa bàn quận về nơi tập trung ở vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm, đoạn giao cắt với đường Hai Bà Trưng và Phạm Ngọc Thạch và khu vực công viên cảng Bạch Đằng (đường Tôn Đức Thắng, đối diện Ngân hàng Sài Gòn Công thương).
Hai địa điểm được chọn có lòng lề đường rộng, đảm bảo khoảng ba mét vỉa hè để người đi bộ đi lại. Việc kinh doanh buôn bán trong thời gian cho phép là 6-8 giờ và 11-13 giờ. Theo chính quyền quận 1, đây là khung giờ phù hợp với nhu cầu của người mua và người bán. Dự kiến thời gian bắt đầu áp dụng mô hình này là giữa tháng 4 này.
Trước mắt, quận 1 sẽ ưu tiên cho các hộ bán hàng rong có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận, còn những hộ ở địa bàn khác muốn kinh doanh ở khu vực này tạm thời chưa được giải quyết. Theo thống kê của quận 1, hiện nay trên địa bàn quận có khoảng 600 hộ kinh doanh buôn bán hàng rong. Những hộ này hàng ngày lấn chiếm lòng lề đường, gây cảnh nhốn nháo, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến giao thông.
Người bán băn khoăn
Mặc dù nhiều người bán hàng rong ủng hộ việc buôn bán đúng nơi quy định, nhưng nhiều người tỏ ra băn khoăn về thời gian bán hàng mà chính quyền quy định. Chị Mừng, người đã có hơn 20 năm bán hàng cuối đường Nguyễn Văn Chiêm, cho biết mấy ngày gần đây cán bộ đô thị có xuống lấy thông tin của chị như tên tuổi, địa chỉ cư trú… chứ chưa có bất kỳ thông báo gì về kế hoạch thí điểm tổ chức khu vực kinh doanh ăn uống trên lề đường này.
Theo chị Mừng, việc tổ chức buôn bán tập trung là cần thiết để tiện cho việc quản lý và giữ gìn an ninh, trật tự. Tuy nhiên, cần xem xét quy định thời gian bán hàng hợp lý. “Tôi ở Gò Vấp, hàng ngày dậy sớm, đi xe buýt xuống đường này và bán đồ ăn sáng như hủ tiếu, bánh canh bắt đầu từ 6 giờ 30 tới 10 giờ 30 giờ, buổi chiều tôi nghỉ. Bây giờ thành phố chỉ cho kinh doanh từ 6 giờ tới 8 giờ và từ 11 giờ đến 13 giờ thì ngặt cho tôi quá”, chị Mừng lo lắng.
Cùng chung nỗi lo như chị Mừng, vợ chồng chị Mai, bán các loại nước giải khát, thuốc lá trên một chiếc xe máy cũ ở khu vực công viên cảng Bạch Đằng (đường Tôn Đức Thắng, đối diện Ngân hàng Sài Gòn Công thương), cho biết nếu Nhà nước quy định giờ giấc bán hàng như trên thì rất khó kiếm sống. Chị bảo, hàng ngày tầm 4 giờ sáng vợ chồng chị dọn hàng ra và bán tới 4 giờ 30 chiều, chủ yếu bán cho khách quen từ dưới cảng Bạch Đằng. “Nếu đường cùng, không thể bán khu vực này, chắc vợ chồng tôi phải tính đường dòng xe đi tìm đường khác. Mà chắc sẽ khó khăn vì lại phải bắt đầu tìm khách mới”, chị Mai nói.
Không giống như chị Mừng, vợ chồng chị Mai chỉ bán ban ngày, chị Lan, chuyên bán bánh tráng, trái cây, nước giải khát khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực công viên cảng Bạch Đằng cho biết, chị chỉ bán buổi tối, khi người dân đổ ra khu vực này hóng mát, ngắm cảnh. “Nếu thực hiện theo quy định giờ giấc như vậy thì coi như tui bị cắt cần câu cơm rồi”, chị Lan nói.
Mặc dù không buôn bán trên hai tuyến đường nằm trong đợt thí điểm này của UBND quận 1 nhưng theo ý kiến của khá nhiều người bán hàng rong trên đường Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, việc quản lý kinh doanh hàng rong để làm đẹp phố phường là đúng, nhưng các cơ quan quản lý cần cân nhắc, xem xét tới quy định thời gian bán hàng để vừa đảm bảo mỹ quan đô thị vừa đảm bảo cuộc sống cho những người kinh doanh nhỏ lẻ trên đường phố.