HÀ ĐÌNH NGUYÊN -
Trong bối cảnh nhiều nhà làm phim, các hãng phim đang chạy theo dòng phim nặng tính giải trí cao và các phim dễ mang lại lợi nhuận thì có đạo diễn vẫn kiên trì theo đuổi mục đích làm phim tài liệu về đề tài lịch sử, thậm chí anh đã phải bán nhà để đi theo niềm đam mê của mình.
Hãng phim Việt Long đang giới thiệu phim lịch sử Triều đại Quang Trung-Nguyễn Huệ.
Đó là đạo diễn Nguyễn Đức Long, Giám đốc hãng phim tư nhân Việt Long. Hỏi anh vì sao lại “cắc cớ” khi chọn đề tài lịch sử để làm phim mà không chọn làm phim nặng về tính giải trí? Long cười nói: “Không phải tôi muốn chơi trội hoặc muốn làm người hùng, nhưng thực tế tôi đã từng gặp nhiều bạn trẻ hỏi những câu rất thật như Quang Trung và Nguyễn Huệ có phải là hai anh em không hoặc tương tự là Trần Quốc Toản và Trần Quốc Thảo… Điều đó thôi thúc tôi chọn đề tài là các nhân vật lịch sử”.
Đạo diễn Nguyễn Đức Long trên đường đi làm phim.
Anh Long cho biết mình muốn làm những thước phim có tính nhân văn và qua những thước phim tài liệu lịch sử nhắc nhở cho thế hệ trẻ hôm nay về quá khứ hào hùng của dân tộc. Những đề tài mà anh ấp ủ và đã thực hiện như Ký sự đường Trường Sơn huyền thoại thời bình (2014), Triều đại Quang Trung-Nguyễn Huệ (2015) Dũng tướng Trần Hưng Đạo (đang thực hiện, tháng 5-2016)… “Tôi quyết tâm tiếp tục làm những phim tài liệu về các anh hùng – liệt sĩ nữ qua nhiều thời kỳ, dù sự quyết tâm của tôi gặp không ít khó khăn”, anh cho hay.
Ê kíp làm phim của đạo diễn Nguyễn Đức Long.
Cái sự “quyết tâm” của đạo diễn Nguyễn Đức Long đã thể hiện rõ nhất ở hành động bán cả ngôi nhà đang ở để theo đuổi niềm đam mê làm phim tài liệu đề tài lịch sử của mình. Anh Long “khởi nghiệp” bằng bộ phim tài liệu Ký sự đường Trường Sơn huyền thoại thời bình (20 tập) được giới chuyên môn đánh giá cao và có thể nói là thành công khi được hơn 10 đài truyền hình trong nước phát sóng. Đầy hưng phấn, anh quyết định làm tiếp phim tài liệu Triều đại Quang Trung-Nguyễn Huệ. Đoàn làm phim đã phải di chuyển đến 500 điểm quay ở 48 tỉnh, thành để thực hiện các bối cảnh, vì thế chi phí ăn ở, vận chuyển là rất lớn, chưa kể tiền thù lao, kịch bản, hậu kỳ… “Việc cứ phải vừa làm phim vừa xoay xở kiếm tiền trang trải chi phí khiến tôi luôn bị động và không thể toàn tâm toàn ý lo cho chuyện làm phim. Do đó tôi quyết định bán ngôi nhà (1 trệt, 1 lầu, diện tích 160 m2 ở đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh, TPHCM) thu được 2,5 tỉ đồng. Số tiền đó, không những giúp tôi hoàn tất bộ phim kể trên mà còn dư để tôi quyết định đầu tư cho bộ phim kế tiếp là Dũng tướng Trần Hưng Đạo”, anh kể lại.
[box type="download"] Đạo diễn Nguyễn Đức Long sinh năm 1970 tại Quảng Nam. Gia đình anh đã phải chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, nên anh cho biết mình luôn ấp ủ thực hiện những bộ phim về đề tài lịch sử như một cách nhớ ơn các thế hệ cha anh, đồng thời nhắc nhớ thế hệ trẻ hôm nay không quên chí khí hào hùng của các bậc tiền nhân.[/box]