Chí Thịnh -
Sau khi đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam yêu cầu các cửa hàng điện thoại ngừng sử dụng trái phép hình ảnh, thương hiệu của Apple, nhiều ý kiến cho rằng hành động này giúp việc kinh doanh sản phẩm trên thị trường đỡ lộn xộn hơn, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc chuỗi bán lẻ Mai Nguyên Mobile, nhận xét, việc ngăn chặn hành vi sử dụng hình ảnh, thương hiệu Apple tại các cửa hàng điện thoại không phải là đại lý ủy quyền của Apple sẽ giúp minh bạch việc kinh doanh sản phẩm chính hãng. Người tiêu dùng có thể nhận diện ngay các cửa hàng kinh doanh sản phẩm Apple chính hãng.
Theo ông Nguyên, việc gửi thư cảnh báo cho các cửa hàng điện thoại chỉ mới là những động thái ban đầu của Apple. Sau đó, Apple sẽ làm việc với những đối tác lớn, đại lý chính thức để tạo điều kiện kinh doanh tốt hơn cho mạng lưới đại lý ủy quyền. Đây cũng là việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm Apple chính hãng.
Một đại lý kinh doanh điện thoại cho rằng Apple sẽ còn tiếp tục thực hiện việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình ở Việt Nam và các cửa hàng kinh doanh điện thoại sẽ phải ngay lập tức ngừng sử dụng trái phép hình ảnh, thương hiệu của Apple.
Những hoạt động mới của Apple gần đây về chế độ bảo hành, sử dụng hình ảnh, thương hiệu Apple cho thấy hoạt động mua bán các sản phẩm Apple xách tay trong thời gian tới tại Việt Nam có thể sẽ bị siết chặt lại.
Trước đó, theo chính sách bảo hành mới của Apple, các đại lý bảo hành ủy quyền sẽ từ chối nhận bảo hành các sản phẩm iPhone xách tay không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Đây được xem như một hành động nhằm hạn chế việc các cửa hàng không phải là đại lý được Apple ủy quyền nhập hàng xách tay số lượng lớn về kinh doanh. Chỉ có người tiêu dùng đi nước ngoài mua iPhone về dùng thực sự và có hóa đơn chứng từ mới được bảo hành.
[box] Theo nội dung thông báo của Công ty Võ Trần, đại diện pháp lý của Apple về quyền sở hữu trí tuệ, gửi cho các cửa hàng kinh doanh điện thoại, tên gọi “Apple”, “iPhone” cũng như các tên gọi khác như “Apple Store”, “App Store”, “iPad”, “iPod”, “MacBook” hiện đang được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Việc các cửa hàng sử dụng biểu tượng quả táo cắn dở (hình ảnh đại diện cho Apple) cũng như các tên gọi “Apple”, “iPhone” nhưng không thuộc mạng lưới đại lý được Apple ủy quyền là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.[/box]
Hiện tại, các dòng sản phẩm của Apple (iPhone, iPad, Macbook…) được nhập về theo đường xách tay đang là nguồn thu nhập tốt của các cửa hàng điện thoại quy mô nhỏ tại Việt Nam. Các cửa hàng này bán iPhone, iPad… với mức giá tốt hơn nhiều so với hàng chính hãng (nhờ không phải đóng thuế nhập khẩu). Điều này dẫn tới việc các cửa hàng điện thoại rất thích sử dụng bảng hiệu gắn liền hình ảnh, thương hiệu của Apple.
Đại diện pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ của Apple tại Việt Nam yêu cầu các cửa hàng kinh doanh điện thoại trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được thông báo phải chấm dứt việc sử dụng bất hợp pháp các nhãn hiệu của Apple trên biển hiệu cửa hàng, trên các giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh. Đồng thời, các cửa hàng này cũng chấm dứt ngay việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Apple.
Các cửa hàng kinh doanh điện thoại nếu muốn tiếp tục sử dụng và bán sản phẩm Apple, họ phải đăng ký làm đại lý ủy quyền của Apple và chuyển sang kinh doanh hàng chính hãng.