Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, những người phụ nữ đơn thân có được đứa con để yêu thương trong gia đình. Song, nhu cầu thực tế đang đẩy vấn đề đi xa hơn, đôi khi biến thành những thương vụ mua bán từ trứng đến tinh trùng.
Ngân hàng thiếu “vốn”!
Trong vai người phụ nữ độc thân cần xin tinh trùng để sinh con, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã tới khoa Hiếm muộn của một bệnh viện tư nhân lớn tại TPHCM. Một nhân viên ở đây tư vấn, muốn có được một mẫu tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng của bệnh viện, người xin phải tìm được người cho tinh trùng. Người cho sẽ được bệnh viện kiểm tra sức khỏe, tiến hành xét nghiệm để chọn lọc nguồn tinh trùng. Nếu đảm bảo các yêu cầu, bệnh viện sẽ lấy ba mẫu tinh trùng của người này, và lúc đó bệnh viện mới cấp một mẫu tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng cho người xin.
Khi được hỏi điều kiện của người cho tinh trùng, cô nhân viên tư vấn này nói, người xin có thể vận động người thân trong gia đình, bạn bè thân quen. Điều kiện của người cho tinh trùng khá đơn giản, chỉ cần từ 20 tuổi trở lên, có chứng minh nhân dân, không cần phải chứng minh mối quan hệ giữa người cho và người nhận.
Tìm đến Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) cũng thấy cảnh tương tự. Theo số liệu thống kê của bệnh viện này, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay đã có 22.000 lượt cặp vợ chồng tới khám hiếm muộn. Số cặp vợ chồng được chỉ định xin tinh trùng khoảng 120 cặp, còn trường hợp được chỉ định xin trứng khoảng 100 cặp.
Một bác sĩ ở đây cho biết ngân hàng tinh trùng của bệnh viện rất thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của các cặp hiếm muộn do những người tự nguyện hiến tặng rất hiếm. Để bổ sung “nguồn vốn” này, khoa Hiếm muộn của bệnh viện đã linh động vận dụng phương thức trao đổi, nghĩa là đề nghị các cặp vợ chồng đến điều trị vô sinh tìm nguồn tinh trùng từ người thân, bạn bè, người quen nào đó cho bệnh viện như đã nói ở trên. Nói cách khác, muốn xin tinh trùng thì phải có... tinh trùng!
Cũng cách thức trao đổi này, các cặp vợ chồng được chỉ định xin trứng cũng phải tìm “nguồn trứng” từ người thân, bạn bè, người quen. Trong sáu tháng đầu năm nay, Bệnh viện Từ Dũ đã có 46 ca nhận trứng và thực hiện biện pháp hỗ trợ sinh sản. Ngoài ra, bệnh viện này cũng tiếp nhận hai trường hợp phụ nữ đơn thân đến xin tinh trùng để sinh con, nhưng vì không tìm được nguồn tinh trùng nên chưa thể thực hiện biện pháp hỗ trợ sinh sản.
[box type="bio"] Theo số liệu từ khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ, một tháng có khoảng 3.500 ca tới điều trị hiếm muộn. Trong đó, tỷ lệ thành công với kỹ thuật bình thường (bơm tinh trùng) là khoảng 18-20%, tỷ lệ thành công với kỹ thuật cao (thụ tinh trong ống nghiệm) khoảng 35-45%. Chi phí một ca thụ tinh trong ống nghiệm khoảng 50 triệu đồng. Chi phí trữ tinh trùng (để điều trị trong thời gian ngắn hay trữ vì lý do đang điều trị bệnh lý) là 50.000 đồng/tháng. Chi phí trữ trứng để điều trị tại khoa khoảng 1 triệu đồng/năm/1 top (3 trứng).[/box]
Lên mạng tìm... tinh trùng
Có đặt mình vào hoàn cảnh của người hiếm muộn mới thấy được những hoạt động xung quanh dịch vụ này. Trong lúc ngồi ăn cơm trưa trong con hẻm cạnh Bệnh viện Từ Dũ, một người phụ nữ ngồi cùng bàn, sau khi biết được ý định tìm tinh trùng sinh con, đã gợi ý nếu muốn bà sẽ nói chồng, thậm chí cả con của bà bán cho với lý do “hoàn cảnh gia đình nghèo quá”.
Bất chợt nhớ lại lời của cô tư vấn tại bệnh viện tư nhân trên, rằng trong trường hợp không có người quen có thể tìm mua trên mạng, phóng viên thử truy cập vào một trang web thấy nhiều người rao bán “nguồn vốn tự có” này, với một điệp khúc chung là nhân danh sự nghèo khó.
“Em sinh năm 1989, có nhu cầu bán tinh trùng cho những anh chị hiếm muộn. Em cao 1m69, cân nặng 57 kg, ngoại hình khá điển trai và tri thức. Do mới mất trộm đồ nên túng quá em mới bán và chỉ bán một lần. Anh chị nào thực sự có nhu cầu mua xin liên lạc tới số 016...”. Đây chỉ là một trong số rất nhiều lời rao tràn lan trên các diễn đàn mạng.
Từ lời rao và số điện thoại để lại trên mạng, phóng viên hẹn gặp T. ở một quán cà phê trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TPHCM. Anh này tỏ ra cẩn trọng khi đến trước, ngồi ở quán cà phê đối diện, sau khi thấy an toàn mới gọi điện nói địa chỉ thật. T. cho biết sinh năm 1992, quê Nghệ An, đang học tại một trường cao đẳng trong thành phố. Và câu chuyện nói chung xoay quanh cảnh nghèo khổ, nên phải bán tinh trùng để kiếm tiền.
Liên lạc với một người khác tên V., hiện là nhân viên chạy bàn ở một quán nhậu, cũng gặp cảnh tương tự. Cũng là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cần một số tiền lớn nên quyết định bán tinh trùng. Người này còn kể mới bán cho một cặp vợ chồng hiếm muộn với giá 10 triệu đồng trọn gói cho bốn lần lấy tinh trùng!
Quả là không thừa khi phải cẩn thận với thông tin rao bán tinh trùng trên mạng, ẩn trong đó là những rủi ro khó lường. Có những lời rao đơn thuần là sự đùa cợt cho vui, song cũng có khả năng những tay sành sỏi đời, rao thông tin tìm bạn tình là những bà sồn sồn, hay nói cách khác là bán dâm trá hình. Ngay cả khi tìm được người bán tinh trùng nghiêm túc thì việc này cũng không được pháp luật cho phép.
Tinh trùng đã vậy, mua bán trứng cũng chẳng kém, có chăng là kín đáo hơn, chủ yếu thông qua người quen hay qua cò, nhưng vẫn có một điểm chung, đó là hoàn cảnh gia đình nghèo nên bán trứng kiếm thêm tiền. Mấy tay cò dắt mối bán trứng gần bệnh viện tư nhân nói trên ra giá khoảng 9 triệu đồng cho người cho trứng, chi phí cho cò khoảng 7 triệu đồng, các chi phí xét nghiệm khác do người mua chịu. Dân cò mồi nói nếu đồng ý, họ sẽ tìm người cho trứng chừng nào đậu thai mới thôi.
[box type="bio"] Hiện nay, pháp luật chỉ quy định việc cho-nhận tinh trùng, noãn, phôi chứ không cho phép mua, bán. Theo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006, nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo theo quy định của pháp luật. Việc hiến phải vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; nghiêm cấm hiến nhằm mục đích thương mại, đồng thời đảm bảo nguyên tắc bí mật thông tin. Theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, hành vi cho nhận noãn, tinh trùng, phôi khi không được phép theo quy định của pháp luật bị phạt tiền khoảng 30-40 triệu đồng; hành vi tiết lộ thông tin về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho, nhận tinh trùng, phôi bị phạt tiền khoảng 5-10 triệu đồng.
Luật sư Hoàng Lam Thụy Châu, Đoàn Luật sư TPHCM[/box]
Luật không cho phép
Bác sĩ Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ, cho biết việc cho nhận tinh trùng và trứng vì mục đích thương mại là việc làm bị pháp luật cấm và xã hội lên án. Việc tùy tiện nhận tinh trùng và trứng mà không hiểu rõ nguồn gốc (bệnh sử của người cho và gia đình người cho), không đảm bảo về chất lượng là một việc làm nguy hiểm vì có thể tạo nên những đứa trẻ không khỏe mạnh, thậm chí mang những mầm bệnh (HIV, viêm gan siêu vi B, C...). Hơn nữa, nếu người bán tinh trùng bán nhiều lần cho nhiều người thì việc những đứa trẻ sinh ra cùng một cha có thể gặp nhau, lấy nhau là điều có thể xảy ra, mặc dù xác suất không cao. Như thế, nguy hiểm sẽ khôn lường.
Vị bác sĩ này cho biết tại Bệnh viện Từ Dũ, quy trình cho và nhận trứng, tinh trùng vì mục đích nhân đạo được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt. Hiện nay, nguồn tinh trùng trong ngân hàng tinh trùng tại Bệnh viện Từ Dũ rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế trong điều trị hiếm muộn của các cặp vợ chồng. Tới thời điểm này, ngân hàng trứng chưa có, mới chỉ có việc trữ trứng trong một thời gian để phục vụ quá trình điều trị của bệnh nhân.
Bác sĩ Bùi Trúc Giang, Phó khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ, cho biết trước đây trên các bức tường, cầu thang tại khoa Hiếm muộn có một số sinh viên và cò còn ghi số điện thoại, rao bán tinh trùng, bán trứng. Bệnh viện đã phối hợp với công an phường theo dõi và ngăn chặn. Còn trường hợp nào đến bệnh viện cho trứng, tinh trùng, trong quá trình trò chuyện, kiểm tra, phát hiện mục đích thương mại bệnh viện sẽ không thực hiện.
Vị bác sĩ này khuyên các cặp vợ chồng hiếm muộn tới trực tiếp khoa, phòng khám uy tín, nơi có bác sĩ kinh nghiệm để được khám, tư vấn hướng điều trị. Không nên tìm nguồn tinh trùng, trứng theo lời mách bảo của người này, người kia hay của cò.
Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, bộ môn Phụ sản của trường Đại học Y Dược TPHCM, cho biết việc rao bán tinh trùng trên mạng cũng như bán trứng thực thế đã có từ lâu, “có cầu là có cung”. Chỉ có điều, theo nghị định của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học, việc cho tinh trùng hay trứng phải được thực hiện một cách tự nguyện, không có yếu tố thương mại. Do vậy, việc mua bán là không hợp pháp.
Nhật Linh