(SGTT) - Tại các bản của vùng cao Tây Bắc, người dân tộc Tày hay chế biến nhiều món bánh mang bản sắc riêng, lạ miệng. Bánh khảo là một trong những món ăn như vậy.
![](https://www.sgtiepthi.vn/wp-content/uploads/2019/07/Banh-khao-tay-bac-1.jpg)
Bánh khảo được làm từ nếp thơm, loại gạo nếp được trồng trên nương rẫy. Loại nếp này khi chưa chế biến có hương thơm tự nhiên, hạt nếp trắng tròn. Khi làm bánh, vị thơm của nếp vẫn còn lưu lại trong bánh khá hấp dẫn.
Để làm bánh, nếp được gặt về, bó thành từng chùm, treo lên gác bếp hoặc hiên nhà cho khô. Đến khi làm bánh, người ta lấy nếp xuống xây xát. Tiếp theo đó, hạt nếp trắng ngần được chế biến thành bỏng (một cách rang làm cho hạt nếp nổ bung ra khi chín, như cách làm bỏng ngô). Cuối cùng, những hạt nếp này được cho vào cối, nghiền thành bột mịn.
Bột nếp sau đó được nhào, trộn cùng đường hoặc mật mía và một chút nước còn ấm. Khi bột đã hòa quyện, người thợ cho bột vào khuôn, ép thành từng bánh lớn. Một lúc sau, miếng bánh lớn này được tháo ra khỏi khuôn rồi được cắt thành từng miếng bánh nhỏ, gói lại bằng giấy. Đó là phong bánh khảo hoàn chỉnh. Có nơi, để tăng thêm hương vị, người ta rắc lên thân bánh một lớp hạt vừng (mè) rang.
Bánh khảo ở vùng Tây Bắc khi thưởng thức có dư vị đậm đà, khó quên. Món này, khi cho vào miệng, người ăn sẽ cảm thấy bánh có độ mịn, ngọt, thơm lựng của gạo nếp nương, vị ngọt của mật mía hòa quyện vào nếp rang, tạo nên một cảm giác thú vị.
![](https://www.sgtiepthi.vn/wp-content/uploads/2019/07/Banh-khao-tay-bac-2.jpg)
Cái “chất” dẻo thơm của nếp nương đi cùng với cảm giác giòn của hạt vừng bao quanh bánh sẽ tạo nên hương vị rất riêng. Bánh khảo càng ngon hơn khi du khách ngồi trên nhà sàn miền Tây Bắc, nhâm nhi cùng chén trà xanh và nghe những điệu nhạc của người Tày. Cảm giác ấy, sẽ còn đọng lại trong ai đó có dịp đặt chân đến đây.
Khi khám phá vẻ đẹp Tây Bắc, bạn nên dừng chân ở những bản nhà sàn của người Tày để mua và thưởng thức bánh khảo. Tại đây, du khách sẽ được nghe người dân bản địa giới thiệu về món bánh khảo, được xem chủ nhà chế biến bánh và được mời dùng thử.
Giá bán bánh khảo tại các bản Tày được tính theo cầu bánh. Cầu bánh là một chuỗi bánh được ghép lại, có chiều dài gần bằng một gang tay người lớn. Giá bán cho mỗi cầu có từ 10.000 đến 120.000 đồng.
Bánh khảo cũng được bán tại chợ phiên ở Tây Bắc. Bạn cần quan sát màu sắc của bánh xem có trắng không, ngửi xem bánh có vị thơm của gạo nếp nương không và nếu có thể, hãy nếm thử để cảm nhận vị ngon của bánh, nó “hiện diện” ngay đầu lưỡi khi ta nếm vào.
Nguyễn Thế Lượng