Thứ Ba, Tháng Bảy 2, 2024

Bao giờ vành đai 2 TPHCM được khép kín?

Xe - Phương tiệnChuyển động 360Bao giờ vành đai 2 TPHCM được khép kín?
(SGTT) – Cho đến nay, đường vành đai 2 TPHCM vẫn chưa được kết nối vì còn bốn đoạn đường dài 14km chưa hoàn thành. Ba trên bốn đoạn này đang được chính quyền thành phố bàn thảo giải pháp thực hiện để tuyến đường được liền mạch sau nhiều năm ngưng trệ.
Vành đai 2 TPHCM được quy hoạch từ năm 2007, dài 64km, quy mô 6-8 làn xe. Tuyến đường này bắt đầu từ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (thành phố Thủ Đức), điểm cuối ra quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh. Tuy nhiên, sau 16 năm, toàn tuyến mới làm xong 50km. Bốn đoạn đang dang dở, gồm đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (nút giao Bình Thái) có chiều dài 3,5km; đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp (nút giao Bình Thái) đến đường Phạm Văn Đồng có chiều dài 2,5km; đoạn 3 dài hơn 2,7km từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa; đoạn 4 dài khoảng 5,3km từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh.
Trong ảnh là đoạn 3 của dự án, 2,7km này được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), với tổng vốn hơn 2.700 tỉ đồng. Phân đoạn này khởi công từ cuối năm 2017 nhưng khi đạt khoảng 44% khối lượng công việc thì ngừng thi công từ tháng 3-2020 đến nay. Nguyên nhân khiến dự án dừng thi công là do khó khăn trong thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và các quy định về đầu tư theo hình thức BT thay đổi.
Dù đã khởi công rồi tạm dừng thi công nhưng việc giải phóng mặt bằng cho dự án vẫn chưa hoàn thành. Công tác bồi thường ở mức tỉ lệ 89% (442/467 hồ sơ); diện tích thu hồi đạt khoảng 79% (16,87/20,69 ha). Sau hơn 4 năm dừng thi công, công trường trở nên hoang hoá, nhiều đoạn ngập nước, cây cỏ um tùm. 
vành đai 2 TPHCM. Ảnh: Minh Hoàng
Khu vực công trường trở thành điểm thu hoạch cỏ của các hộ gia đình chăn nuôi gia súc gần đó.
Máy móc bị bỏ lại trên công trường sau khi dự án tạm ngừng thi công.
Người dân trong khu vực thường qua dự án để đi tắt từ đường Tam Bình ra nút giao Gò Dưa.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT), việc cấp bách nhất của đoạn 3 là tổ chức điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trong đó xác định phương án tài chính, bổ sung chi phí bồi thường để hoàn thành việc đàm phán và điều chỉnh hợp đồng BT với nhà đầu tư. Hiện việc thành toán quỹ đất cho nhà đầu tư đang được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
Để tiếp tục triển khai dự án, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM giao các sở ngành có liên quan hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Hiện dự án đã được điều chỉnh thời  gian thực hiện đến năm 2026.
Trong ảnh là đoạn 2 của vành đai 2 TPHCM. Đoạn này dài 2,5km từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, được đầu tư 2 đường song hành mỗi bên 3 làn xe (giai đoạn 1). Tổng mức đầu tư 4.543 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng là 1.956 tỉ đồng. 2,5km đường này đã được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023.
Các đoạn vành đai 2 nằm ở phía Đông thành phố. Theo kế hoạch, đoạn 1 và 2 được khởi công vào quí 1-2025.
Trong ảnh là ngã tư Bình Thái, nơi đoạn 1 vành đai 2 đi qua. Đoạn này dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp có vốn đầu tư 9.328 tỉ đồng và được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023.
Đoạn 4 chưa khép kín của vành đai 2 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3km và đã được UBND thành phố giao Sở GTVT lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nhưng dự án chưa được bố trí được vốn năm 2024 để đầu tư. Trong ảnh là bến Phú Định nơi vành đai 2 đi qua, đường chưa làm khiến giao thông thiếu kết nối. Người dân trong khu vực phải đi đường vòng hơn 10km dù bờ bên này cách bờ bên kia chưa đến 100m.
Minh Hoàng

1 BÌNH LUẬN

  1. Đoạn từ Đại Lộ Nguyễn Văn Linh đến Quốc lộ 1 cần thiết kế đi dưới và trùng với đường dây điện cao thế 500 KV. Các việc phải làm :
    1/ Nang toàn bộ đường dây điện cao thế 500 KV lên 5-7 mét là được .
    2/ Xây dựng 5,3 Km cầu cạn xuyên qua Đại Lộ Nguyễn Văn Linh, Khu vực Chợ Đầu Mối Bình Điền Đường Phú Định , Đại Lộ Võ Văn Kiệt , Đại Lộ Kinh Dương Vương , Quốc Lộ 1.
    3/ Xây dựng các nút giao thông khác mức tại các giao lộ vừa nêu .Giao lộ nào cũng có xung đột giao thông lớn .
    Ưu điểm : Dưới các đường dây điện cao thế đã giải tỏa đền bù . Đất sạch .
    Kinh phí cầu cạn tầm 220 tỷ / Km . Nút giao thông khác mức 500 tỷ/ nút . Chi phí nâng hơn 200 trụ điện cao thế khoảng 2 tỷ/trụ là 400 tỷ .So với chi phí đền bù giải tỏa đoạn đường này gần 10.000 tỷ tiết kiệm hơn nhiều , thời gian thi công nhanh không cần giải tỏa ,cầu vượt sông Phú Định chỉ tầm 100 mét , sông Cần Giuộc hơn 130 mét chi phí không lớn lắm .
    Dặc biệt , cần tiến hành nghiên cứu đường nối tiếp theo đường dây Cao Thế 500 KV Phú Lâm – Nhà Bè để cho các xe tải trọng lớn như Container từ các Cảng ,Kho Dầu Khí, Hiệp Phước , Long Hậu đi về các KCN Lê Minh Xuân , Tân Tạo ,Trảng Bàng , KCN Đức Hòa , KCN Tân Bình , KCN Vĩnh Lc A,B.và ngược lại xuất khẩu các hàng hóa từ các KCN ra các cảng . ( Tương lai có thể xây dựng thêm 1 tầng đường ray khổ 1,45 mét vận chuyển Container từ các KCN đến các cảng Khu Vức Sông Sai Gòn , Sông Soài Rạp thâm chí sông Đồng Nai …ĐÂY GỌI LÀ ĐƯỜNG NỐI VÀNH ĐAI 2 VÀ VÀNH ĐAI 3 . Chuyển tiếp VÀNH ĐAI nhịp Nhàng . Kể cả tiếp nối VÀNH ĐAI 2 với VÀNH ĐAI TRONG tại Khu Vực Đại Lộ Nguyễn Văn Linh .

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục