(SGTT) – Cách trung tâm thành phố khoảng 30km, tọa lạc trên cù lao phường Long Phước, TP Thủ Đức, trong quần thể không gian thiên nhiên rộng gần 20.000 mét vuông, có một Bảo tàng Áo Dài kết hợp hài hòa giữa phong cách nhà rường Quảng Nam với dấu ấn truyền thống đặc trưng vùng sông nước Nam Bộ. Gần 10 năm đi vào hoạt động, từ năm 2019, đơn vị là một trong ít bảo tàng tư nhân hoàn toàn tự chủ tài chính cũng như đón nhận sự quan tâm rộng rãi từ công chúng xa gần.
- Bảo tàng vẫn loay hoay với bài toán nhân lực và nguồn lực
- Áo Bà Ba: Sự kết nối để giữ gìn bản sắc văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế
Bảo tàng Áo Dài là một trong hai bảo tàng ngoài công lập trực thuộc nhóm bảo tàng chuyên đề của Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, được khởi công xây dựng từ ý tưởng của họa sĩ – nhà thiết kế Sĩ Hoàng và chính thức mở cửa từ năm 2014. Từ năm 2015, Bảo tàng Áo Dài trở thành công trình văn hóa do Công ty Dấu Ấn quản lý và vận hành.
Sự đầu tư, phát triển của Công ty Dấu Ấn tạo nên một bước ngoặt lớn đối với hoạt động của bảo tàng. Từ 2017, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, bà Huỳnh Ngọc Vân bắt đầu về tiếp quản Bảo tàng Áo Dài ở tuổi về hưu. Trước đó, năm 2013, bà đã giúp ông Sĩ Hoàng lập đề cương, tư vấn cho công tác thiết kế và xây dựng, tham gia đào tạo và giảng dạy đội ngũ nhân viên.
Là một đơn vị còn non trẻ, bảo tàng cũng liên tục hứng chịu những thách thức về tài chính, nhân lực khi chưa tìm được hướng đi phù hợp để phát triển trước năm 2020. Cộng với hai năm dịch bệnh liên tục đánh mạnh vào ngành du lịch, hoạt động tham quan khám phá bị “đóng băng”, ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu của một bảo tàng độc lập.
Tuy vậy, theo thống kê từ đơn vị, số lượng khách tham quan bảo tàng từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2023 tăng lên gấp 30 lần, kể trong hai năm giãn cách xã hội có thời gian phải đóng cửa, bảo tàng vẫn chứng kiến lượt khách ghé thăm tăng từ 14.367 lượt (2020) lên 17.143 lượt (2021). Năm 2022, trong khi ngành du lịch cả nước nỗ lực phấn đấu trở lại mức của năm 2019 thì số khách đến bảo tàng đã tăng từ 10.587 lượt (2019) lên 39.150 lượt (2022).
Sở dĩ bảo tàng có những kết quả và thành tích được chính quyền, cơ sở ban ngành công nhận là nhờ hành trình len lỏi vào đời sống của công chúng, người dân địa phương, trong đó không thể thiếu sự dẫn dắt từ nữ giám đốc Huỳnh Ngọc Vân.
Bà Huỳnh Ngọc Vân bắt đầu công tác lĩnh vực bảo tàng từ năm 1988 khi làm thuyết minh viên tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Năm nay ở tuổi 61, tròn 35 năm làm văn hóa, trong cuộc hẹn với phóng viên vào buổi chiều ở văn phòng làm việc, bà Vân xuất hiện thướt tha với tà áo dài, đon đả trò chuyện cùng nhân viên, người dân địa phương. Bà thạo tiếng Nga, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh với nhiều đoàn khách đến đây.
Trong quá khứ, ở vai trò người đứng đầu, bà từng đưa ra nhiều chiến lược giúp Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh hoàn toàn tự chủ tài chính, không cần nhận thêm ngân sách từ nhà nước. Ngay sau khi về điều hành vài năm, Bảo tàng Áo Dài cũng vui mừng nhận kết quả tương tự.
Theo nữ giám đốc, để giúp bảo tàng vận hành độc lập về tài chính, đội ngũ cần đầu tư nhiều nội dung độc đáo, đặc sắc chỉ mình mới có. Điều này giúp khách mạnh dạn chi tiền đến không chỉ một mà nhiều lần. Thêm nữa, công tác liên kết với đơn vị du lịch, điểm trường học cũng rất quan trọng để duy trì lượng khách ổn định quanh năm.
Ở cả hai nơi bà làm giám đốc, không gian lúc nào cũng có nhiều sự kiện nương theo dòng thời sự khác nhau, gần đây nhất là hoạt động giao lưu Giỗ Tổ Hùng Vương, Vu lan báo hiếu, trẻ em vẽ tranh áo dài, họa sĩ Nhật Bản dạy vẽ tranh, ngâm Kiều, bói Kiều nhân dịp trung thu… cùng nhiều triển lãm, sự kiện phối hợp khác để phục vụ công chúng của Bảo tàng Áo Dài.
Khoảng thời gian dài tiếp cận với nhiều bảo tàng nước ngoài, bà Vân có cơ hội biết đến chính sách công chúng. Đây chính là một trong những bước ngoặt lớn giúp bà giải quyết được bài toán thu chi tự chủ, sinh lời tăng qua hằng năm khi kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù là văn hóa. Ở chính sách này, đội ngũ bảo tàng sẽ nghiên cứu và phân tích tâm lý, thị hiếu của từng đối tượng để đưa ra “món ăn” phù hợp với từng khán giả và từng lứa tuổi.
Mỗi nhóm công chúng, đơn vị sẽ có một cách tiếp cận khác nhau, có sản phẩm riêng phù hợp để phục vụ ngoài những chủ đề trưng bày cố định, thường xuyên. Chẳng hạn với nhóm thanh niên, dịch vụ cho thuê áo dài chụp ảnh là điểm cộng thêm khi nắm bắt được tâm lý người trẻ thích ghi lại những bức ảnh xinh đẹp trong tà áo dài. Hay với nhóm trẻ em, các hoạt động vẽ tranh, học nghề truyền thống, trò chơi dân gian cũng được tổ chức tại đây thu hút không kém các em nhỏ, phụ huynh tham dự.
Bà cho rằng một khi đã áp dụng chính sách công chúng, bảo tàng tốn rất nhiều thời gian, nguồn lực để nghiên cứu bài bản, khảo sát, tìm hiểu một cách khách quan để biết công chúng thích gì, cần gì chứ không áp đặt cái mình muốn vào khách hàng. Có thể hiểu, đây là động thái chuyển từ công tác tuyên truyền, để mình ở vị trí dường như cao hơn sang vai trò thấu hiểu, lắng nghe, bình đẳng nhu cầu giữa hai bên.
Bà nhớ lại giai đoạn vất vả hoàn chỉnh chính sách công chúng, cần phải thể nghiệm kéo dài cả vài năm. Đội ngũ vừa đi từng bước nhỏ vừa lui về rút kinh nghiệm sửa sai kịp thời. Chuyện dùng người cho khéo cũng ở đây. Bởi lẽ nhân sự bảo tàng luôn “khan” người giỏi cả chuyên môn lẫn tình yêu với nghề. “Phải yêu nghề, vượt qua rào cản vật chất mới bám trụ được”, bà nói. Đặc biệt khi cùng nhau bắt đầu làm một điều gì mới mẻ chưa từng có trước đây, khác với nếp truyền thống, bà chiêm nghiệm khó khăn càng nhiều hơn bội phần, bỏ qua cả chuyện tuổi tác.
“Nói vui thì tôi kéo nhân viên vào làm việc với bảo tàng không phân biệt trình độ chuyên môn hay phải tìm người tài giỏi mới làm được. Với nhân sự của mình, tôi cố gắng phát huy hết năng lực của họ, dụng người đúng việc đúng thời điểm và hun đúc thêm tình yêu văn hóa khi cộng sự đối diện khó khăn, thách thức”, bà nói.
Nằm gọn trên địa bàn phường Long Phước, bao quanh bảo tàng khoảng 60 hộ dân chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, làm nông, buôn bán nhỏ. Nhiều người dân cả đời chưa từng đặt chân đến bảo tàng, ấy vậy sau khoảng vài năm rộng mở đón du khách thập phương, bảo tàng đã trở thành điểm đến thân tình của họ.
Bà con chòm xóm nhiều lần “dìu” đơn vị qua khó khăn, đặc biệt vào hai năm dịch bệnh. Nhân viên tại bảo tàng bộc bạch nhận thấy cơ sở mở cửa sau dịch còn gặp khó, láng giềng quanh đây không tiếc công sức giúp đỡ từ cắt cỏ, trồng hoa, nấu nướng phục vụ khách. Bà con cho mượn đất làm chỗ đậu xe khách tham quan, giúp cưa cây đề phòng giông bão. Hay mỗi khi có sự kiện lớn, mọi người tự nhắc nhau qua chung tay với nhân viên chuẩn bị món ăn, dọn dẹp vệ sinh tươm tất như một đội ngũ “cơ động” có mặt kịp thời. Chính sự gắn bó chặt chẽ với cư dân xóm cù lao, chính quyền địa phương cũng là một trong những kinh nghiệm quý báu giúp nơi này vượt qua mùa dịch, trụ vững trong tương lai.
Mối quan hệ giữa người dân và bảo tàng càng thắm thiết hơn từ sau hai năm 2020-2021 khi dịch vụ Chợ Quê vào mỗi cuối tuần xuất hiện. Tại khuôn viên bảo tàng, dưới bóng cây xanh rì bên bờ hồ nước xanh ngắt, chị Sáu, cô Hai… ai có món gì ngon, tự làm ở nhà đem vào bày bán. Đây vừa là hình thức giới thiệu ẩm thực truyền thống địa phương, vừa giúp người tham quan thoải mái ăn uống không tập trung đông người. Với giá món từ vài chục nghìn đồng, khách nội địa, quốc tế, nhóm bạn, gia đình, sinh viên, học sinh… đều có thể thử qua ẩm thực quê còn sót lại từ lâu ở Long Phước như bánh xèo hến, dừa nước…
Men theo lối mòn từ bảo tàng vào nhà chị Sáu cách khoảng 500 mét, bà Vân đưa phóng viên đến gặp chị Sáu. Khuôn viên nhà rộng vừa trồng sen, rau, thảo dược, nuôi thỏ, dê… đúng chuẩn “nhà quê”. Chị Sáu là tên gọi quen thuộc của chị Đỗ Thị Tảo, hào hứng kể từ ngày bày món bún bò lá lốt, nem nướng, gỏi cuốn… ra bán, khách đoàn, khách lẻ nào ăn cũng khen ngon, toàn xin địa chỉ đặt thêm vì khác vị trong thành phố lắm.
Trong không gian vườn tược, chị Sáu đón tiếp bà Vân như người thân thiết lâu năm. Chia sẻ với phóng viên, chị hào hứng kể “Tui ở đây mấy chục năm cũng chứng kiến nhiều thay đổi của bảo tàng. Không chỉ đợi Chợ Quê mới vào bán, bà con chòm xóm ở đây thấy bảo tàng có việc thì cứ chạy sang, khi thì phụ cái này lúc thì đỡ cái khác. Nhờ bảo tàng, mấy năm nay thôn xóm cũng nhộn nhịp hơn, có sinh khí hơn, cũng tự hào khi đón khách. Mọi người như cộng tác viên, nhân viên của bảo tàng vậy đó”.
Để góp thành mô hình chợ cuối tuần, bà Vân đi gom thực đơn từng hộ dân quanh đây, động viên bà con đem vào bán những gì chân quê nhất. Nữ giám đốc bộc bạch bảo tàng khó đủ nhân lực để bao quát hết các hoạt động hay phục vụ mọi đối tượng từ chính sách công chúng, nếu không có người dân giúp giải tỏa áp lực về nguồn nhân lực. Nhờ họ, bảo tàng có cảm giác được dựa vào dân và len lỏi vào đời sống của xóm cù lao, giúp bảo tồn các nghề thủ công truyền thống trước đà mai một, đồng thời quảng bá ẩm thực địa phương, tạo thêm công ăn việc làm.
“Làm bảo tàng tức là công tác bảo tồn văn hóa rất quan trọng, chúng tôi ý thức được việc gìn giữ giá trị văn hóa cộng đồng xung quanh. Đại diện từ Sở Du lịch cũng đến trải nghiệm và ủng hộ Bảo tàng Áo Dài thâm nhập vào đời sống gìn giữ đặc sản, nghề thủ công xưa nay của cù lao Long Phước. Họ rất giỏi về đờn ca tài tử, những nghề thủ công như gói bánh ít, thắt con vật bằng lá dừa. Mình biết họ thì đưa họ ra công chúng và du khách. Qua đó đơn vị có tổ chức sự kiện gì liên quan thì chính người nông dân cũng là người hướng dẫn”, bà Vân tâm tình.
Nhớ lại những ngày đầu mới về bảo tàng, bà Vân kể dù đã có kinh nghiệm nhiều năm điều hành ở vai trò giám đốc bảo tàng công lập, đến khi tiếp quản đơn vị mới ở vùng đất còn giữ chất thôn quê, bà không ít lần bất ngờ trước những khái niệm như tính toán thời gian nước lên, cách chăm sóc vật nuôi, cây cỏ… trong khuôn viên. Là người “rặt” thành phố làm bảo tàng thuộc Nam Bộ, bà không ngại “bái sư” những người dân địa phương có nhiều kinh nghiệm sống ở cù lao Long Phước dù lúc đó đã 55 tuổi.
Được biết, bà Huỳnh Ngọc Vân đang đảm nhiệm nhiều vị trí ở công tác hữu nghị, hòa bình như Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt – Nhật TPHCM, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình TPHCM, Ủy viên Thường vụ Hội Di sản Văn hóa TPHCM. Bà tự nhận mình không giống ai trong gia đình nhiều chị em vì gốc học Sử, chọn khoa học xã hội, làm bảo tàng, nghiên cứu văn hóa còn nhiều rào cản ở Việt Nam. Để bước tiếp và có nhiều đóng góp cho ngành, bà Vân vẫn luôn giữ thói quen chăm chỉ đọc sách, đi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng bảo tàng, giao lưu văn hóa ở các trường, tỉnh thành, đào tạo lớp trẻ giữ lửa nghề, giữ thói quen viết tay tài liệu, báo cáo hằng năm…
Ở tuổi về hưu, nữ giám đốc vẫn còn đau đáu công cuộc làm bảo tàng trong tương lai. Bà bộc bạch giá trị lịch sử, văn hóa qua thời gian không thể quy đổi thành tiền, nhưng sẽ giúp cho xã hội phát triển bền vững bên cạnh những lĩnh vực mũi nhọn khác. Trăn trở hơn cả vẫn là thế hệ kế thừa, chui rèn làm sao vừa có nhẫn, vừa có tâm, bà nói thêm.
Tạm kết hai buổi chiều trò chuyện, trong không gian làm việc ấm cúng, bà Vân giới thiệu một vài chuyên đề trưng bày mà bảo tàng tâm đắc, cũng như được công chúng yêu thích như bộ sưu tập “Áo dài họa tiết lá”, “Áo dài học đường”, “Áo dài Phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh”, “Áo dài mặt nạ tuồng”…
“Nhiều người hỏi tôi kinh nghiệm làm bảo tàng từ bù lỗ sang có lời là gì, tôi nghĩ gừng càng già càng cay chăng? Tôi chỉ vận dụng tư duy lãnh đạo bình dân từng làm ở bảo tàng công lập, hướng mục tiêu phục vụ công chúng tận tâm. Tôi nâng tầm họ lên, tìm cho được họ muốn gì, cần gì để cung cấp… là chiến lược áp dụng đi đầu”, bà Vân cười hiền.
Hoàng An