Bây giờ người ta rảnh người ta đi cà phê tán gẫu, đi nghe nhạc thư giãn, đi xem phim bom tấn Hollywood mới ra rạp, đi phượt đến điểm du lịch đẹp; có mấy ai rủ nhau đi bảo tàng. Vì đâu?
Việt Nam hiện có hơn trăm bảo tàng, trong đó bảy bảo tàng cấp quốc gia. Khắp các tỉnh, thành trong cả nước, đâu đâu cũng có bảo tàng riêng. Riêng ở TPHCM có tới 10 bảo tàng, số lượng không hề thua kém rạp chiếu phim và nhà hát, chỉ khác ở chỗ bảo tàng thường vắng vẻ, im lìm và đìu hiu.
Không thiếu bảo tàng
Không khó để tìm đến một bảo tàng trong nội thành TPHCM, đặc biệt khu vực trung tâm quận 1 và quận 3. Các bảo tàng là những tòa nhà có vị trí đẹp, trong những khuôn viên rộng và nổi bật với kiến trúc Âu từ thời Pháp thuộc.
Trước tiên phải kể đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại 28 Võ Văn Tần, quận 3 được xem là bảo tàng đông khách nhất thành phố bởi hình ảnh, tư liệu và hiện vật sinh động, phản ánh rất thật nỗi đau, sự tàn bạo và hệ lụy của chiến tranh. Được thành lập năm 1975 với hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, là nơi khách tham quan có thể nghiên cứu, tìm hiểu về những chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra tại Việt Nam.
Bảo tàng đông khách thứ hai là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, trong khuôn viên Thảo cầm viên, được xây dựng năm 1929 bởi các kiến trức sư người Pháp. Vì vậy không chỉ là nơi du khách có thể chiêm ngưỡng kiến trúc đẹp mà còn là nơi khách tham quan trong và ngoài nước nghiên cứu 4.000 năm lịch sử Việt Nam, thưởng lãm các bộ sưu tập văn hóa Champa, Óc Eo, Sa Huỳnh, các cổ vật từ thời kỳ nguyên thủy cho tới các thời phong kiến Lý, Trần, Lê, Nguyễn; các bộ trang phục truyền thống và các di tích khảo cổ của Sài Gòn. Đặc biệt, có thể xem xác ướp nguyên vẹn của bà Trần Thì Hiệu, một nữ quý tộc thời Nguyễn mất năm bà 60 tuổi.
Một bảo tàng không kém quan trọng trong công tác lưu giữ và phát huy văn hóa Việt Nam là Bảo tàng Mỹ Thuật TPHCM tại 97 Phó Đức Chính, quận 1. Bảo tàng có kiến trúc giao thoa giữa văn hóa Đông-Tây (do kiến trúc sư Pháp thiết kế) với ba tầng và có thang máy đầu tiên của TPHCM. Đến đây, người yêu nghệ thuật có thể thưởng lãm các bộ sưu tập hội họa, điêu khắc từ thời Đông Dương thuộc Pháp cho đến các triển lãm của các họa sĩ đương đại.
Kiến trúc đẹp, cổ điển và thoáng mát là những ấn tượng đầu tiên về Bảo tàng Thành Phố Hồ Chí Minh tại 65 Lý Tự Trọng, quận 1. Đây là nơi những ai yêu thích lịch sử có thể tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng của người Việt, Khmer, Hoa, Chăm; các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc giai đoạn 1930-1975 của người dân Sài Gòn và các đồng tiền cổ của người Việt.
Một bảo tàng độc đáo khác – Bảo tàng Phụ Nữ Nam bộ tại 202 Võ Thị Sáu, quận 3. Hàng ngàn hiện vật trưng bày tại đây thể hiện những đóng góp của phụ nữ miền Nam trong cuộc chiến chống ngoại xâm, và những đóng góp trong bảo tồn phát huy di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có hiện vật văn hóa phi vật thể liên quan đến lễ hội, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, làng nghề truyền thống cùng nhiều hiện vật và cổ vật quý giá khác.
Ngoài ra, những ai yêu thích lịch sử còn có thể tham quan Bảo tàng Tôn Đức Thắng tại 5 Tôn Đức Thắng, quận 1, hay Bảo tàng Chiến Dịch Hồ Chí Minh tại 2 Lê Duẩn, quận 1. Hoặc nghiên cứu về thuốc có thể ghé Bảo tàng Y học cổ truyền tại 41 Hoàng Dư Khương, quận 10, nơi trưng bày gần 3.000 hiện vật liên quan đến y học cổ truyền Việt Nam từ thời kỳ đồ đá đến nay.
Chỉ thiếu người xem
Ngoài hai bảo tàng là Chứng tích chiến tranh và Lịch Sử Việt Nam có khách tham quan thường xuyên, các bảo tàng còn lại hầu như… đìu hiu.
Bà Thiện Hảo, nhân viên phân tích của Bảo tàng Mỹ Thuật TPHCM chia sẻ: “Bảo tàng Mỹ Thuật hấp dẫn ở chỗ "mỹ thuật", vì đó là nơi lưu giữ và trưng bày những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn có giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn. Tuy nhiên, dân mình chưa có thói quen đến bảo tàng”.
Chính vì vậy mà bảo tàng chỉ đông khách vào những buổi khai mạc triển lãm, còn lại ngày thường chỉ vài khách Tây vãng lai ghé thăm. Từ năm 2009 đến nay, Bảo tàng Mỹ Thuật TPHCM đã có nhiều thay đồi, đặc biệt tạo nhiều điều kiện tham quan cho các em thiếu nhi. Tuy nhiên đa số các trường đưa học sinh tới bảo tàng chủ yếu là các trường quốc tế.
“Bảo tàng cần kết nối với các tổ chức giáo dục, các trường học để tổ chức những chương trình thú vị cho các em nhỏ, các sinh viên và các gia đình. Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ mà còn là nơi giáo dục, mang lại tri thức cho người khác nên cần có những chương trình phong phú khác nhau cho các nhóm đối tượng khác nhau. Phải xem các em bé là những nhà sưu tập tiềm năng, những họa sĩ tài năng trong tương lai”, ông Roby Bellemans, một nhà nghiên cứu văn hóa, sử học từng đến hợp tác với tổ chức UNESCO Việt Nam, nói.
Ông Thái Khánh An Hòa, giáo viên tiếng Anh của trường British International School nhận xét: “Tôi rất thích dẫn các con đi bảo tàng để chúng được trải nghiệm, quan sát và học tập nhiều hơn, thay vì những quyển sách lịch sử dày cộm. Tuy nhiên, bảo tàng quá ít hướng dẫn viên, nhiều điều muốn hỏi cũng tìm không ra người để hỏi. Từ thời tôi còn là sinh viên cho đến khi con tôi vào lớp 1, bảo tàng không có gì thay đổi từ cách bài trí cho tới vật trưng bày. Chúng đi vài lần rồi chán không đi nữa”.
Các bảo tàng cũng phải kết nối với các công ty du lịch để đưa khách đến bảo tàng, vì với du khách nước ngoài, bảo tàng là nơi họ tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của một dân tộc, một đất nước. “Trong tâm thức người nước ngoài, chiến tranh vẫn là một đề tài để nhớ đến Việt Nam, có lẽ vì vậy mà Bảo tàng Chứng tích chiến tranh luôn thu hút khách. Còn lại các bảo tàng khác, khách, đặc biệt là khách nội địa, hầu như không có nhu cầu tìm đến, mà công ty du lịch luôn đưa nhu cầu khách hàng lên hàng đầu. Nguyên nhân phải nói đến hai phía, vừa phía bảo tàng, vừa phía khách hàng”, ông Mai Hoàng Tuấn, nhân viên Công ty Du lịch Vietravel chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Thăng Long, giáo viên dạy sử tại một trường tiểu học ở quận 3 bất bình: “Tôi nghĩ sẽ thật hay khi đưa học trò tôi đến bảo tàng. Tuy nhiên khi đến Bảo tàng Phụ Nữ Nam bộ, người ta hỏi tôi có phải đi đặt tiệc cưới không, vì tầng 1 của bảo tàng đã trưng dụng thành khu vực cho thuê tiệc cưới. Trong khi đó bảo tàng rất đẹp lại vắng như chùa bà đanh”.
Ông Đặng Hải Sơn, chủ phòng tranh Tự Do, người sưu tập rất nhiều tranh Đông Dương cho rằng còn nhiều hạn chế khác khiến bảo tàng lâu nay tồn tại trong suy nghĩ của mọi người như một nơi lưu giữ những điều cũ kỹ, lạc hậu và buồn tẻ. Thực ra, theo ông, bảo tàng là nơi lưu trữ, gìn giữ giá trị văn hóa, vì vậy phải có bảo tàng cho văn hóa đương đại, đồng thời luôn làm mới bằng cách bài trí hấp dẫn, sưu tập thêm hiện vật và thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa dân tộc để người dân có nhiều cơ hội tiếp cận với bảo tàng. Từ đó hình thành thói quen xem bảo tàng là một điểm đến cần thiết.
Mỹ Loan