Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Bảo vệ con khỏi cạm bẫy trên mạng

(SGTT) - Mạng Internet là một nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về xâm hại trẻ em nhưng nhiều cha mẹ còn loay hoay, chưa biết làm sao để giúp con mình tránh được nguy cơ đó.

Nghiên cứu mới đây của hãng bảo mật AVG (Mỹ) đối với gần 9.500 bậc cha mẹ và người giám hộ cho thấy chưa đầy một nửa số này từng ngồi lại giải thích cho con em hiểu về Internet và những nguy hiểm tồn tại trên không gian ảo. Thực trạng bày ra trước mắt thực sự là đáng buồn khi đây chỉ là bước đầu trong số rất nhiều việc cần làm để bảo vệ các em nhỏ khỏi mặt trái của việc sử dụng kết nối Internet.

Luôn để thiết bị kết nối mạng ở nơi sinh hoạt chung là một cách để bảo vệ con em khỏi mặt trái của Internet. Ảnh: Freepic

Trung tâm giáo dục và an ninh mạng (CCSE) có trụ sở tại Florida, Mỹ đã xuất bản nghiên cứu về hành vi sử dụng Internet của trẻ em trong năm 2016. Nghiên cứu này tiến hành chủ yếu đối với những em trong độ tuổi từ 9-13 tuổi, cho thấy đến 70% các em nhỏ thường xuyên được dùng điện thoại di động, máy tính bảng hoặc máy tính để kết nối Internet. Các em lên Internet làm gì? Kết quả của nghiên cứu làm bàng hoàng rất nhiều người. 40% các em nhỏ được khảo sát thường xuyên nói chuyện với những người lạ mặt trên mạng. Trong số các em có nói chuyện với người lạ này, có đến 53% đã để lộ số điện thoại, 6% để lộ cả địa chỉ nhà riêng và trường học, và thậm chí là 13% số đó còn cố đi gặp mấy người lạ mặt mình hay “tâm sự”. Chưa hết, 29% số trẻ em được khảo sát không làm theo lời cha mẹ hướng dẫn khi dùng mạng. Trong số những em không nghe lời này, hơn một nửa lên mạng để vào trang web có nội dung khiêu dâm, đồi trụy, hơn một phần ba tìm cách gian lận trong thi cử. Một số em còn tìm cách chơi cá độ, chơi bài ăn tiền trên mạng. Do vậy, cha mẹ và người giám hộ các em cần phải hành động ngay theo một số hướng dẫn ban đầu sau:

Nói chuyện với con

Cần phải nói rõ với con là những người lạ trên mạng có thể làm hại con, cướp đi những thứ quý giá nhất của con, như đồ chơi và bạn bè chẳng hạn. Các con không được phép đem thông tin của bản thân và gia đình cho bất kỳ ai trên mạng, vì việc làm đó sẽ giúp cho kẻ xấu tìm đến còn nhanh hơn nữa.

Luôn để mắt đến các thiết bị kết nối mạng

Lời khuyên cho các bậc cha mẹ là hãy luôn để điện thoại, máy tính và máy tính bảng ở khu vực sinh hoạt chung của cả gia đình. Không cho phép các con dùng máy ở nơi riêng tư hoặc nơi ngủ. Một cách làm hay là chỉ bật kết nối mạng cho gia đình trong giờ sinh hoạt chung.

Hợp tác với các bậc cha mẹ khác

Bên cạnh máy móc ở nhà, các em nhỏ thường lên mạng ở nhà bạn hoặc ở các tụ điểm quán cà phê Internet với bạn bè. Do đó, cha mẹ cần nói chuyện với các phụ huynh khác để nắm bắt được hành vi sử dụng mạng của các con em mình và kịp thời điều chỉnh.

Dạy con cách đặt mật khẩu

Từ khi còn bé, nhiều em đã phải tạo mật khẩu khi tham gia các khóa học ngôn ngữ hay ngoại khóa trên máy tính ở trường. Hãy dạy con cách đặt một mật khẩu an toàn. Một mẹo nhỏ là hãy dùng tên và ngày sinh của cha mẹ để làm mật khẩu cho bé. Làm vậy sẽ dễ thuyết phục các bé hơn mà lại tránh kẻ xấu dò tìm được mật khẩu của con qua tên ghi trên cặp sách, đồng phục.

Theo dõi những biểu hiện bất thường

Những biểu hiện như tỏ ra kín đáo và lén lút khi dùng máy móc có kết nối mạng, xa lánh hoặc từ chối tham gia vào các sinh hoạt chung của gia đình là những “báo động đỏ” cần lưu tâm khi quan sát con em. Những thay đổi khác như cư xử mất tự nhiên, lơ đễnh hoặc phấn khích, bồn chồn cũng đều cần cha mẹ để ý

Kiểm tra tin nhắn, thư từ, bưu phẩm

Những kẻ quấy rối, xâm hại trẻ em thường có thói quen gửi đến nạn nhân của chúng các dạng thông điệp bằng tin nhắn, hình ảnh, thậm chí là thư, quà cáp bằng đường bưu điện để dẫn dụ các em. Vì vậy, cha mẹ cần cảnh giác và chú ý hỏi thăm con về những món đồ lạ, như đồ chơi mới mà bạn không mua.

Kiểm tra lịch sử truy cập và thùng rác ảo

Luôn luôn kín đáo kiểm tra lịch sử truy cập của các trình duyệt trên thiết bị có kết nối mạng. Bên cạnh đó, cha mẹ cần để mắt đến thư mục “thùng rác” trên các thiết bị đó, trẻ em thường xóa tập tin mà không biết rằng thùng rác ảo là nơi lưu tạm các tập tin bị xóa. Nhiều khi đầu mối để phát hiện sớm nguy cơ sẽ nằm ở đây.

Đặt ra luật và luôn giữ luật

Là cha mẹ, chuyện làm sao hạn chế thời gian “lướt” mạng, đặt ra giới hạn về những việc được làm và không được làm là nghĩa vụ của chúng ta. Dù khó nhưng vì con, các bậc cha mẹ phải luôn thử nghiệm và tìm ra cách mới, dù phải mua phần mềm tốt để lọc nội dung hay đầu tư vào thiết bị phát mạng cho phép kiểm soát nội dung truy cập.

Quan trọng nhất là một khi phát hiện dấu hiệu con mình bị theo dõi, phải báo cảnh sát ngay và không được động chạm vào các thiết bị con dùng nữa. Những thông tin trong đó sẽ là bằng chứng cho cơ quan điều tra, những người giỏi hơn bạn trong việc truy lùng tội phạm.

Vũ Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối