Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng

(SGTT) - Khi có ánh sáng mặt trời là có tia UV (tia cực tím). Tia cực tím gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của chúng ta. Theo bác sĩ Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám da liễu, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, tia UV có cường độ mạnh nhất từ 10 giờ đến 14-15 giờ trong ngày.

Tác động ngắn hạn và dài hạn

Tia UV gây ra nhiều tác hại cho làn da.

Chỉ số tia cực tím trong ngày càng cao, sức ảnh hưởng lên cơ thể người càng lớn. Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TPHCM, tia UVB thay đổi cường độ theo từng thời điểm trong ngày, cao nhất từ 10-14 giờ. UVB tác động trực tiếp lên lớp thượng bì (lớp ngoài cùng của da), gây các tổn thương tức thì như rám nắng, bỏng nắng.

Tia UVA có một số tính chất khác so với UVB. Cường độ UVA giữ ổn định trong ngày. UVA không bị lọc bởi các loại kính thông thường, do đó có thể xuyên qua kính cửa sổ và xe hơi. Tia UVA còn có khả năng xuyên sâu vào da đến lớp bì, tác động lâu dài, tích lũy theo thời gian ngắn hạn và dài hạn.

UVB gây ra hầu hết các tác hại ngắn hạn như bỏng nắng, biến đổi màu sắc da, rám da, đau rát và trường hợp nặng da có thể bị phồng rộp.

Cả hai tia UVA và UVB, nhất là UVA đều gây tác động dài hạn, tích lũy theo thời gian như: sản xuất gốc tự do, lão hóa do ánh sáng và sinh ung thư. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư da chiếm 1/3 các loại ung thư trên toàn thế giới.

Việc tiếp xúc với tia cực tím và bỏng nắng trong thời thơ ấu được xem là có liên quan đến ung thư da sau này như u hắc tố, ung thư tế bào gai và ung thư tế bào đáy.

Nguyên nhân là do trẻ nhỏ thường có xu hướng hoạt động, vui chơi ngoài trời nhiều hơn người lớn. Các nghiên cứu của Viện Ung thư Da Hoa Kỳ cho biết, thời lượng tiếp xúc với tia cực tím trong cuộc đời mỗi người chiếm 25% khi chúng ta còn nhỏ.

Hạn chế ra ngoài

Việc tiếp xúc lâu dài với ánh nắng làm biến đổi kết cấu và giảm độ đàn hồi da, dẫn đến các biểu hiện lão hóa sớm như nếp nhăn, chùng da, túi mỡ, sạm da, đồi mồi, đốm nâu…

Khi nắng gắt với chỉ số tia cực tím cao, mọi người nên mặc quần áo dày để ngăn ánh nắng mặt trời tác động trực tiếp lên da. Ảnh Thành Hoa

Không phải chỉ khi nhìn thẳng lên mặt trời mới gây hại cho mắt, mà tia cực tím phản chiếu từ mặt đường, tường xi măng, nước, cửa kính… cũng rất nguy hiểm.

Khi nắng gắt với chỉ số tia cực tím cao, mọi người nên hạn chế ra đường. Nếu bắt buộc phải đi ngoài đường, nên dùng kính mắt chất lượng chống tia UV và mặc quần áo dày để ngăn ánh nắng mặt trời tác động trực tiếp lên da.

Trẻ em dễ bị tổn thương võng mạc do tia cực tím. Thủy tinh thể của trẻ nhỏ hơn của người lớn nên tia cực tím dễ xâm nhập sâu vào mắt hơn. Nếu bị tia cực tím chiếu vào mắt liên tục, trẻ em có thể bị rối loạn thị giác, giảm thị lực, mắc các bệnh về mắt do các tế bào bao bọc nhãn cầu bị phá hủy.

Bình An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối