Một du khách đến thành phố du lịch Hội An ghé tiệm bánh mì Phượng nổi tiếng ở đây mua vài ổ bánh mì nhưng bị nhân viên của tiệm ứng xử không khéo đã trở thành đề tài nóng trên cộng đồng mạng mấy ngày qua.
Bà chủ tiệm đã lên trang fanpage của tiệm xin lỗi và có thể vài ngày tới “hot trend Bánh mì Phượng” (tạm hiểu đề tài nóng) sẽ đi qua và rồi mạng xã hội lại sẽ có “hot trend” khác thay thế. Nhưng điều đó cho thấy, việc bảo vệ thương hiệu trên thị trường thời bùng nổ công nghệ thông tin lắm rủi ro và uy tín của thương hiệu có thể bất ngờ sụt giảm trong con mắt khách hàng, người tiêu dùng bất kỳ lúc nào.
Mới đây, một cháu gái được cho là bị bạo hành đến chết, cộng đồng mạng sôi sục và họ cố lần tìm cho ra công ty nơi ông bố làm việc với bao lời lẽ nặng nề, dù công ty chẳng có tội tình gì.
Ai cũng công nhận mạng xã hội là công cụ thuận lợi để các doanh nghiệp tận dụng cho quảng bá, đưa thương hiệu của mình đi xa, đi nhanh hơn trước và mặt trái của nó là rủi ro luôn rình rập mà thực tế lắm thương hiệu bị sứt mẻ, bị chỉ trích trên mạng xã hội.
Một nhân viên tiệm bánh mì ứng xử không tốt, một nhân viên điều dưỡng hơi có thái độ không làm hài lòng bệnh nhân, một nhân viên cơ quan truyền thông lên mạng livestream tranh luận, một nhân viên làm bố để con bị bạo hành… đều có thể trực tiếp hay gián tiếp bị lôi lên mạng tạo thành “hot trend”.
Giám đốc một công ty chế biến mì ăn liền gần đây đã chia sẻ câu chuyện mì ăn liền xuất sang châu Âu bị trả về do có chứa một chất vượt quá hàm lượng quy định. Hàng trăm trang mạng đăng thông tin này; mạng xã hội thì có dịp để công kích doanh nghiệp trong khi ông ấy kể thị trường nhập khẩu ra quy định mới mà công ty chưa kịp nắm thông tin nhưng các thị trường khác của doanh nghiệp thì vẫn chấp nhận hàm lượng như cũ.
Còn đại diện một công ty sản xuất thiết bị chiếu sáng thì than thở thương hiệu của công ty có bề dày nhiều năm trên thị trường nhưng trong một lần khuyến mãi có quà tặng, một khách hàng ngang ngược đòi vượt quá tiêu chuẩn khuyến mãi mà công ty quy định. Vị khách hàng này biết “sức mạnh” của mạng xã hội nên nhắn tin, gửi thư điện tử đòi đưa thông tin lên mạng.
Phải trái, đúng sai trên mạng xã hội thật khó phân biệt rạch ròi và theo quan sát của người viết, cộng đồng mạng thường đói “hot trend”, chạy theo tâm lý bầy đàn mà các doanh nghiệp lo ngại nhất là tâm lý “ăn theo nói leo” bất chấp sai đúng.
Like (thích), share (chia sẻ), comment (bình luận), view (lượt xem clip) trên mạng có thể là công cụ tốt để doanh nghiệp tận dụng trong xây dựng thương hiệu, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi, có thể đưa thương hiệu, tên tuổi công ty xuống vực thẳm bất kỳ lúc nào với lắm rủi ro bủa vây.
Luật pháp thật khó có thể chạy theo xử lý từng “hot trend” và nếu có thì cũng không ai hay cơ quan nào đủ sức trước cơn “nghiện hot trend” của mạng xã hội, vấn đề còn lại là ý thức của từng khách hàng, người tiêu dùng trước tâm lý bầy đàn và ứng xử của doanh nghiệp.
Hồng Văn
Theo KTSG Online