Thùy Dung-
Cầm micro trên tay, N.T.H, một cô gái trẻ, khá xinh xắn, có nước da trắng và gò má cao, bắt đầu kể về cuộc đời của mình. Đôi lúc cô ngừng lại, quay mặt đi để cố gắng ngăn dòng nước mắt.
Rủi ro mất việc
Năm nay H. 29 tuổi. Cô sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo tại Sơn Tây, Hà Nội. Chỉ vì một câu nói của mẹ: “con gái học hành nhiều làm gì khi nhà mình còn nghèo, các em còn không đủ ăn" làm H. suy nghĩ và quyết định bỏ bộ hồ sơ thi đại học để đi làm công nhân may trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội.
Năm 22 tuổi, H. lấy chồng. H. cũng có một khoảng thời gian hạnh phúc như bao người phụ nữ khác nhưng chỉ khác ở chỗ, sau khi đứa con đầu chào đời cũng là lúc chồng cô qua đời vì căn bệnh ung thư.
H.cho hay, cuộc sống của hai mẹ con ngày càng khó khăn, làm quần quật cả ngày nhưng số tiền thu về cũng chỉ đủ hai mẹ con chi tiêu ở mức dè sẻn, không có tiền tích luỹ. Cuộc sống nay đây mai đó, kể từ khi lên Hà Nội, hai mẹ con H. đã chuyển nhà cả chục lần.
H.biết trước được rằng khi ngoài 30 tuổi, công ty may sẽ không còn nhận mình nữa. Họ sẽ lấy nhiều lý do để sa thải công nhân khi không còn sức khoẻ, dẻo dai nhưng các bạn trẻ, trong khi chi phí lương cho người ngoài 30 tuổi lại tăng lên.
“Gánh nặng nuôi con một mình buộc em phải chọn cho mình một con đường khác để kiếm sống", H. nói.
Cũng giống H., C.V.K (32 tuổi) cũng bị công ty sản xuất điện tử từ chối ký hợp đồng với lý do không có việc để làm. K. đã có hai người con đang độ tuổi ăn học, chồng cũng thất nghiệp giống mình nên hoàn cảnh gia đình hiện rất khó khăn, phải gửi con về quê để giảm chi phí sinh hoạt.
“Những phụ nữ ngoài 30 như chúng tôi rất ít cơ hội kiếm việc làm lại ở các khu công nghiệp. Nhưng cơ hội để chuyển sang một công việc mới ở độ tuổi này cũng không dễ dàng gì", K. nói.
Theo cuộc điều tra tháng 5-2017 của Viện Công nhân và Công đoàn, thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hiện tồn tại tình trạng khá phổ biến là công nhân lao động độ tuổi ngoài 30, đặc biệt là nữ công nhân, phải nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.
Một cuộc điều tra khác của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, sau khi bị sa thải, khoảng 43% công nhân lao động làm công việc tự do, 17% làm công việc buôn bán, 15% về nhà làm công việc nội trợ, 13% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12% làm công việc tự do.
Như vậy, đa phần công nhân lao động sẽ chuyển từ khu vực chính thức, có hợp đồng lao động và chế độ bảo hiểm xã hội sang các công việc lao động tự do và không cần tay nghề. Do vậy, cuộc sống của họ cũng sẽ bấp bênh hơn.
Còn kết quả khảo sát với riêng nữ công nhân và phụ nữ nhập cư đang sinh sống tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội do tổ chức Plan International và các đối tác thực hiện tháng 11-2016 cho thấy, khoảng 80% số người tham gia khảo sát cho biết công việc hiện nay mang tính thủ công không giúp họ có một nghề ổn định sau khi nghỉ việc, 53% số người được hỏi cho biết không thích công việc hiện tại và mong muốn chuyển sang công việc bền vững hơn.
Đặc biệt có tới 100% số người được hỏi cho biết thông tin về nhà trọ an toàn và công việc bền vững là vô cùng quan trọng để giúp họ an tâm hơn khi kiếm sống tại thành phố. Thế nhưng, có tới 87% không biết mình sẽ làm công việc gì khi đến thành phố và 89% thiếu các thông tin về nơi ở trọ an toàn trước khi rời nhà.
Công nhân nữ ở độ tuổi ngoài 30 thường bị sa thải và rất khó tìm được công việc mới. Ảnh: Thuỳ Dung
Cơ hội việc làm
Trong hội thảo gần đây mang chủ đề “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư Hà Nội”, bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý vùng dự án Hà Nội, Tổ chức Plan International Việt Nam, cho biết mặc dù trong thời gian qua đã có những cải thiện đáng kể về thủ tục hành chính liên quan đến việc quản lý nhân khẩu, tạo điều kiện để lao động nữ di cư sớm ổn định cuộc sống, nhưng để tạo việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho người lao động di cư còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ, đặc biệt trong công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.
Tại Hà Nội, lao động nữ di cư ở các địa phương lân cận ra Hà Nội kiếm sống khá đông, phần lớn là các lao động nữ có tuổi đời còn trẻ, chưa có trình độ tay nghề, chủ yếu làm các công việc thủ công, vất vả.
Theo ông Lưu Quang Đại, Giám đốc chương trình Plan International Việt Nam, thực tế cho thấy, nữ công nhân nhập cư là một trong những nhóm lao động chăm chỉ, chịu khó nhưng lại gặp phải nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản và các kỹ năng thiết yếu cho cuộc sống tại đô thị. Hơn nữa, họ tH. bị trả công thấp, phải đối diện với các nguy cơ làm việc trong những môi trường độc hại, kém an toàn.
Nắm bắt được tâm tư của nhiều nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội, tổ chức Plan International Việt Nam đã triển khai dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư Hà Nội”. Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng thích ứng và ổn định kinh tế cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư (độ tuổi 18-30) ở khu vực thành thị bằng cách cung cấp các kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc, tăng cơ hội việc làm bền vững.
Dự kiến sẽ có khoảng 2.000 nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư được cung cấp thông tin và tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập; 800 người được đào tạo tăng cường kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc; 590 người được kết nối với các doanh nghiệp để có cơ hội thực tập và việc làm ổn định sau đào tạo, và 100 người được đào tạo và hỗ trợ tự kinh doanh từ những mô hình do chính họ lên kế hoạch thực hiện. H. và K. đã tham gia dự án để học nghề và nay cả hai người đã có được việc làm tại một tiệm làm tóc tại Hà Nội.
Dự án kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của toàn thể người dân, các chủ nhà trọ tại huyện Đông Anh, các doanh nghiệp sử dụng lao động chung tay xây dựng môi trường sống, môi trường làm việc an toàn, bình đẳng, không kỳ thị với nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư, từ đó vận động cho việc xây dựng và triển khai các chính sách tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư trên địa bàn thành phố.
Dự án được triển khai từ tháng 12-2016 đến tháng 6-2019 với tổng số tiền viện trợ là 1,2 triệu đô la Úc. Sau khi kết thúc dự án, ban tổ chức sẽ xem xét mở rộng mô hình đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ nhập cư ở các vùng khác trên cả nước.