Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Bất chấp khủng hoảng, mua bán qua mạng tăng cao

Ngọc Trung

Một điều chắc chắn, thương mại điện tử không biết đến khủng hoảng. Người bán hàng qua kênh truyền thống phải làm gì để thích ứng với trào lưu mới này?

Thương mại điện tử phát triển đã đẩy ngành bán lẻ truyền thống vào cuộc cạnh tranh khốc liệt. Bình thường một hãng bán lẻ lớn phải gánh rất nhiều chi phí: mặt bằng, thuế và tiền lương. Trong khi đó, các tập đoàn bán lẻ qua mạng lại hầu như không phải chịu những chi phí này.

Cạnh tranh gay gắt

Giá thấp chính là lý do nhiều khách hàng chọn mua sản phẩm qua Internet. Giá bán cùng một mặt hàng tại Amazon, chẳng hạn, đang thấp hơn Wal-Mart khoảng 9% và Target đến 14%.

url

Tại một số bang của Mỹ như New York, nơi Amazon không bị thu thuế, giá bán của tập đoàn trực tuyến này còn giảm hơn Wal-Mart đến 11% và Best Buy 8%.

Khách hàng cũng thường xem cửa hàng thực là nơi để... xem sản phẩm. Xem xong họ lại vào những trang như Amazon.com để mua. Vì vậy, người Mỹ nói đùa rằng Best Buy đang trở thành nơi quảng cáo không công cho Amazon.com.

Đương nhiên những hãng bán lẻ qua cửa hàng truyền thống đã phản ứng. Họ cũng ứng dụng kỹ thuật số. Wal-Mart, chẳng hạn, đã sử dụng giải pháp BOPS, tức đặt hàng qua mạng tại Walmart.com và nhận hàng tại một cửa hàng thực, ở nơi thuận tiện để khách hàng ghé qua. Như thế họ còn có thể bị hấp dẫn và mua thêm một vài sản phẩm khác.

Cả Wal-Mart lẫn Target còn tung ra chương trình ứng dụng cho thiết bị di động nhằm đưa người mua sắm vào cả cửa hàng thực lẫn ảo.

Bán hàng qua mạng mang lại lợi ích cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp – với điều kiện biết sử dụng và tận dụng công nghệ mới. Một trong những lợi ích lớn nhất là cắt giảm được chi phí. Doanh nghiệp không phải tốn nhiều chi phí xây dựng cửa hàng thực ở khắp nơi nữa. Đối với người tiêu dùng thì giờ đây ngồi nhà vẫn có thể mua hàng.

[box type="bio"] Sáu mẹo giúp bán hàng nhiều hơn qua mạng

ecommerce_banner

1. Giảm giá bán hoặc vận chuyển miễn phí khi số tiền thanh toán đạt tới một mức nhất định. Để được hưởng giảm giá hoặc chính sách vận chuyển miễn phí, người mua sẽ cố mua thêm cho đến khi đạt mức thanh toán tối thiểu theo quy định của cửa hàng. Nhưng nên giới hạn kiểu khuyến mãi này trong một thời gian nhất định để “thúc ép” người mua.

2. Đề nghị tư vấn người mua qua điện thoại miễn phí. Điều này có thể làm cho họ yên tâm và biết đâu nhờ đó mà bán thêm được một vài món hàng nữa.

3. Đặt một số sản phẩm liên quan đến hàng hóa khách hàng vừa mua, hay đang tìm kiếm – ngay trong tầm mắt họ.

4. Cập nhật giỏ hàng thường xuyên về giá cả, số lượng sản phẩm... để khách hàng nhớ được rằng họ đã chọn mua sản phẩm nào, không bất ngờ khi thanh toán nếu “lỡ tay” mua hơi nhiều.

5. Đề xuất mua theo “gói”, tức mua với số lượng nhiều hơn cho cùng một sản phẩm hoặc mua cùng lúc nhiều sản phẩm. Cách này giúp bán được nhiều hàng hơn. Tất nhiên giá phải rẻ so với mua từng món lẻ.

6. Tạo cảm giác gấp gáp: giảm giá trong một thời gian ngắn. Người đang lưỡng lự có thể sẽ mua ngay khi có khuyến mãi kiểu này.[/box]

Không chỉ qua máy tính

Mua hàng qua mạng không chỉ giới hạn với máy tính bàn, máy tính xách tay hoặc máy tính bảng. Năm 2011, chuỗi siêu thị Home Plus, chi nhánh của Tesco, đã mở siêu thị ảo tại những trạm tàu điện ngầm ở Seoul, Hàn Quốc. Ý tưởng khá đơn giản: họ dùng áp phích giới thiệu hình ảnh sản phẩm. Dưới mỗi sản phẩm sẽ có mã QR, người mua quét mã này bằng ứng dụng HomePlus đưa vào một giỏ hàng ảo, khi thấy đã đủ rồi thì đặt và trả tiền. Và hàng sẽ được giao đến nhà sau.

Hồi tháng 8-2014, Tesco cũng đã thực hiện dịch vụ này tại London, Anh.

Tại Pháp, hơn 600 triệu giao dịch trực tuyến đã được thực hiện trong năm 2013, tăng 17,5% so với năm 2012. Năm 2012, có 69% người Pháp mua hàng qua mạng. Năm 2013, doanh thu thương mại điện tử đã lên đến hơn 50 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,5% so với năm 2012.

Thị trường thương mại điện tử Pháp hoàn toàn không biết đến khủng hoảng kinh tế. Nhưng không chỉ thanh niên mới lướt web để mua sắm: 70% người dùng Internet hơn 65 tuổi cũng đã mua sắm qua Internet. Vì vậy cửa hàng thực “dọn nhà” lên mạng ngày càng nhiều.

Tại Anh, Internet là một kênh phân phối quan trọng. Và doanh số bán hàng qua mạng đã tăng 12% vào tháng 11-2014 so với cùng kỳ năm trước nhờ đợt khuyến mãi Black Friday. Tháng 11-2014, hàng bán trực tuyến đã chiếm 21% tổng doanh thu hàng phi thực phẩm – một con số kỷ lục. Anh là một trong những “nhà vô địch” về thương mại điện tử.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, thương mại điện tử cũng đã phát triển. Năm 2013, doanh số bán lẻ trực tuyến đã đạt 2 tỉ đô la Mỹ và được dự bán sẽ tăng gấp đôi vào năm nay – 2015. Theo nghiên cứu của bizweb.vn, tổng số đơn đặt hàng qua trang web này trong năm 2014 là 1,6 triệu, tăng 270% so với năm 2013.

Trên thế giới, trong năm 2013, có khoảng 4,1 tỉ lượt người mua đã chi 1.552 tỉ đô la để mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến, tăng 23,6 % so với năm 2012. Mức tăng này có thể vào khoảng 22,9% trong năm 2014, đạt mức 1.907 tỉ đô la (hiện chưa có số liệu chính thức).

Việc thành lập cửa hàng ảo là xu hướng ngày càng thêm phổ biến. Dù thời của cửa hàng truyền thống vẫn chưa kết thúc, thương mại điện tử đã tạo ra một trào lưu tiêu dùng mới. Có thể sẽ có thêm nhiều điều đáng kinh ngạc hơn nữa trong tương lai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối