Mạnh Hoài Nam-
Những ngày này, người dân ở các xã An Cư, An Ninh Đông, An Hải, An Hòa và An Mỹ đến đầm Ô Loan ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên để bắt con cháy. Sở dĩ gọi là con cháy vì loại này giống như vẹm đá nhưng nhỏ hơn sống bám từng giề như miếng cơm cháy.
Con cháy sống bám vào hòn đá ngâm lâu ngày dưới nước. Người dân bắt con cháy theo cách truyền thống, dùng chân rà dưới nước thấy cộm lấy ngón chân kẹp đưa lên. Lúc gặp hòn đá to thì lặn xuống dùng tay moi bùn, rồi dùng rựa trành (rựa cùn) dạt cơm cháy rớt xuống thau.
Hàng ngày, từ 8 giờ đến 15 giờ, những người dân mưu sinh bằng nghề bắt con cháy có thể bắt được khoảng 50 kg, đem về bán lại cho người nuôi tôm hùm với giá 4.000 đồng/kg.
Người dân dùng sợi dây cột vào quai của chiếc can nhựa đã khoét trống một bên, đầu kia cột vào tay áo, đi đến đâu kéo thau đến đó để đựng con cơm cháy.
Chiếc sõng (một loại xuồng nhỏ) cũng được buộc dây đề phòng nước cuốn trôi.
Những người mưu sinh bằng nghề bắt con cháy ngâm mình dưới nước chỉ còn ló cái đầu.
Bộ đồ nghề bắt con cháy gồm thau và rổ để rửa bùn.
Con cháy là một loại thủy sản lạ ở đầm Ô Loan giúp mang lại thu nhập cho người đánh bắt.
Hàng ngày, từ 8 giờ đến 15 giờ, những người mưu sinh bằng nghề bắt con cháy ngâm mình dưới đầm Ô Loan.
Những người bắt con cháy len lỏi vào từng bờ đá để tìm con cháy.
Nhiều người nhịn đói, không ăn bữa trưa, ngâm mình dưới đầm bắt con cháy.