LÊ ANH -
Dư luận đang phản ứng trái chiều về đề xuất bắt buộc các xe phải bật đèn ban ngày, cho rằng đề xuất này không khả thi, chưa nghiên cứu thực tế, thậm chí có người cho rằng làm vậy chẳng khác nào “tưới cây dưới trời mưa”. Thế nhưng một số chuyên gia cho biết bây giờ bàn đến tính khả thi hay không khả thi thì cũng không có tác dụng vì đã là cam kết với thế giới thì phải thực hiện.
Bật đèn, tai nạn giao thông giảm?
Trước tình trạng mỗi năm còn 9.000 người chết vì tai nạn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia dự kiến áp dụng biện pháp bắt buộc các xe phải bật đèn chiếu sáng ban ngày nhằm tăng khả năng nhận dạng, tăng phản xạ cho lái xe để giảm tai nạn giao thông. Theo ủy ban này cần khoảng hai năm để chuẩn bị cho việc áp dụng quy định này.
Với một đô thị lớn như TPHCM, mật độ xe máy luôn dày đặc, nhất là vào giờ cao điểm. Ảnh: Anh Quân
Mới đây tại một hội thảo ở Hà Nội, một số hiệp hội giao thông nước ngoài đã gợi ý việc bật đèn chiếu sáng ban ngày như một giải pháp để giảm tai nạn giao thông ở Việt Nam. Gợi ý này sau đó được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tiếp nhận và nghiên cứu để áp dụng tại Việt Nam. Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết đây không phải là đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mà khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN Việt Nam cam kết thực thi 51 tiêu chuẩn với sản phẩm ô tô, xe máy, trong đó có quy định bật đèn chiếu sáng vào ban ngày.
Ông Hùng cũng nói rõ rằng, đèn ở đây là đèn nhận biết vị trí nằm ở bên cạnh đèn pha (hay còn gọi là đèn phụ – PV) chứ không phải đèn pha chiếu sáng đi buổi tối như nhiều người vẫn nghĩ. Vị phó chủ tịch chuyên trách về an toàn giao thông kỳ vọng việc bật đèn chiếu sáng vào ban ngày tại Việt Nam sẽ giúp giảm tai nạn giao thông.
Chưa rõ là Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ thực hiện ra sao vì hiện nay vẫn chưa có phương án cụ thể. Tuy nhiên, theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia thì giải pháp này chưa phù hợp với Việt Nam.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, tiến sĩ Nguyễn Hữu Hường, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng xét về điều kiện tự nhiên, Việt Nam không phải là nước có sương mù dày đặc và cũng chưa phải là nước ô nhiễm khói nghiêm trọng như Trung Quốc. Hiện nay, khi có sương mù hoặc ánh sáng ban ngày không đảm bảo thì lái xe vẫn tự bật đèn chiếu sáng để đảm bảo an toàn. Điều này người dân hoàn toàn nhận thức được. Xét ở khía cạnh môi trường, dù nhiệt thải ra từ mỗi xe không lớn nhưng với hàng triệu xe cộng lại thì lượng nhiệt đưa ra môi trường không phải là nhỏ. Vì vậy, việc bật đèn nhận biết vào ban ngày là không cần thiết. “Về mặt xã hội tôi lo ngại rằng khi áp dụng quy định này sẽ “đẻ” thêm luật cho cảnh sát giao thông để làm khó người dân”, ông nói.
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh, người đề xuất nhiều giải pháp cho giao thông TPHCM, phân tích rằng việc dùng đèn chiếu sáng ban ngày nhằm tăng khả năng nhận dạng, tăng phản xạ cho lái xe đi đối diện để giảm tai nạn giao thông đã được nhiều nước áp dụng. Giải pháp này được xem là phù hợp với điều kiện đường sá rộng xe chạy với tốc độ cao. “Tôi cho rằng ý định bắt buộc sử dụng đèn chiếu sáng ban ngày để giảm tai nạn giao thông của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng được coi là giải pháp không có gì sai”, ông nói.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng để áp dụng được tại Việt Nam thì phải có nghiên cứu một cách khoa học, có lộ trình thực hiện cho từng loại đường, từng mùa và từng loại xe... Khi áp dụng giải pháp này phải gắn với điều kiện thực tế tại Việt Nam, từ tâm lý, ý thức con người đến điều kiện giao thông, tính thực thi pháp luật và thực trạng phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Sanh cho rằng, nếu không có nghiên cứu khoa học mà chỉ đưa ra các con số dự báo theo số liệu nước ngoài đã làm thì coi chừng lại mang tác dụng ngược. Bởi lẽ, xét trong điều kiện hiện tại ở Việt Nam với lượng xe máy quá lớn, ánh sáng vào ban ngày tốt hơn nhiều so với các nước Bắc Âu. Nếu muốn loại đèn này có tác dụng thì cường độ chiếu sáng phải rất lớn, điều này dễ gây chói mắt, có khi còn làm tăng thêm tai nạn giao thông và ảnh hưởng đến mắt của người đi đường... Chưa kể, việc này sẽ làm tăng lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính và đi ngược với xu hướng của thế giới.
Vẫn theo ông Sanh, các nước trên thế giới trước khi áp dụng bật đèn chiếu sáng ban ngày họ phải nghiên cứu kéo dài nhiều năm trước khi áp dụng. Còn đối với Việt Nam để đạt mục tiêu giảm tai nạn giao thông bền vững thì phải cần những giải pháp đồng bộ và khả thi từ chính sách đến xây dựng hạ tầng và giáo dục ý thức tham gia giao thông cho người dân.
Đã cam kết thì phải làm!
Trước những ý kiến băn khoăn về tính không khả thi và chưa có nghiên cứu thực tế của các chuyên gia, ông Hùng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng lúc này miễn bàn đến tính khả thi, bởi đã là cam kết với thế giới thì phải thực hiện. Ông cho rằng, điều quan trọng lúc này là tính toán lộ trình thực hiện sao cho hợp lý.
Ông cho biết, qua tham khảo ý kiến các doanh nghiệp sản xuất xe máy, nếu áp dụng giải pháp này thì phải mất hai năm để doanh nghiệp đấu nối hệ thống đèn bật ban ngày cho 40 triệu xe máy đang lưu hành. Hiện nay, nhiều xe máy không có tính năng bật đèn nhận dạng ban ngày mà chỉ có tính năng xin đường khi xe vào các đoạn rẽ. Do vậy, sẽ cần khoảng hai năm để chuẩn bị cho việc áp dụng quy định này.
Nếu quy định bật đèn chiếu sáng ban ngày được áp dụng, người dân phải mang xe đến đại lý để đấu nối lại hệ thống điện. Chưa rõ là các hãng xe máy có thu phí việc này hay không, nhưng việc phải mang 40 triệu xe đi đấu nối đèn cũng là một phiền phức cho nhiều người.