Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Bất động sản đón dòng vốn ngoại

MẠNH TÙNG -

Khi thị trường bất động sản hồi phục với những tín hiệu tích cực, các quỹ đầu tư nước ngoài đang tìm cách tham gia vào các dự án thông qua hình thức góp vốn hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp trong nước. Chỉ có điều, các quỹ đầu tư lựa chọn doanh nghiệp kỹ hơn cho quyết định đầu tư của mình.

Quỹ đầu tư rót tiền

Những ngày đầu tháng 11 vừa qua đã chứng kiến Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang đã ký kết với quỹ đầu tư Genesis Global Capital để phát triển chuỗi căn hộ xanh theo tiêu chuẩn Mỹ (LEED) với dự án Diamond Lotus. Theo đó, Genesis Global Capital cam kết mua lại 30% sản phẩm tại chuỗi căn hộ này nhằm phát triển thành các căn hộ dịch vụ để cho thuê, bán cho thương gia, chuyên gia, nhà đầu tư là người nước ngoài, Việt kiều và người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống và nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

6Một số quỹ đầu tư nước ngoài đang tìm cách tham gia vào các dự án bất động sản thông qua hình thức góp vốn hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Như Quỳnh

Ngoài ra, quỹ này còn đặt hàng Phúc Khang mỗi năm xây dựng số lượng căn hộ tương đương với 50 triệu đô la Mỹ. Với thời gian đầu tư là sáu năm, số tiền mà Genesis Global Capital dự kiến đầu tư cho Phúc Khang là 300 triệu đô la Mỹ. Ông Ng Chuan Kai, Giám đốc điều hành Genesis Global Capital, cho biết trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, quỹ này phát triển bất động sản tại các nước Đức, Brazil và Mỹ.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corp, cho biết quỹ đầu tư này đã làm việc với công ty từ lâu nhưng phải chờ đến khi chuỗi căn hộ xanh theo tiêu chuẩn Mỹ được ra mắt thì họ mới chính thức đầu tư vào. Theo bà Mẫu, có thể xem đây là hình thức “xuất khẩu” bất động sản ra nước ngoài. “Chất lượng của toàn bộ dự án đều như nhau, không có chuyện phân biệt giữa 30% số lượng căn hộ bán cho nhà đầu tư nước ngoài và 70% số lượng căn hộ còn lại. Tất cả đều được xây dựng theo tiêu chuẩn, chất lượng toàn cầu”, bà Mẫu nói.

Trước Phúc Khang, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản An Gia cũng được quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản ký hợp tác đầu tư, rót 200 triệu đô la Mỹ. Theo đó, Creed Group cam kết mua 20% cổ phần của An Gia, đồng thời hợp tác mua lại các dự án bất động sản theo tỷ lệ 50-50 để cùng đầu tư và phát triển. Quỹ này cung cấp khoản vay ưu đãi để An Gia tiếp tục đầu tư mua lại dự án mới để phát triển, bán ra thị trường.

Động thái mới nhất của sự hợp tác này là sự ra mắt dự án khu căn hộ ven sông ở quận 7, An Gia Skyline vào tháng 10 vừa qua. Cũng trong tháng 10-2015, Công ty Bất động sản Sơn Kim cũng hợp tác với Tập đoàn Hong Kong Land để phát triển dự án căn hộ cao cấp The Nassim tại phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM. Đầu năm 2015, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cũng đã hợp tác với quỹ đầu tư IFC thuộc World Bank, đồng thời cũng hợp tác với hai nhà đầu tư khác đến từ Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad để phát triển dự án căn hộ Flora Anh Đào tại quận 9, TPHCM.

Nhưng có chọn lọc

Giải thích lý do đổ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam, ông Ng Chuan Kai, Giám đốc điều hành Genesis Global Capital, cho biết Việt Nam là nước đang phát triển, dân số đông nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Đồng thời pháp luật về nhà ở cũng mở cửa cho người nước ngoài được sở hữu theo thông lệ quốc tế nên sức hút của thị trường đang rất lớn. “Mặt khác, việc mở cửa hội nhập sâu rộng đã tạo cho Việt Nam trở thành quốc gia năng động tăng trưởng mạnh, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế đến làm ăn, du lịch, định cư… Đặc biệt, làn sóng đón Hiệp định TPP sẽ làm cho nhu cầu về nhà ở của các chuyên gia, doanh nhân, Việt kiều tăng lên đột biến”, ông Ng Chuan Kai nói.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Vĩnh Trân, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Jen Capital, cho rằng việc các quỹ đầu tư đổ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam chứng tỏ thị trường đã có những bước hồi phục rõ nét, đặc biệt từ năm 2013 trở lại đây.

Ông Trân cho rằng, khác với trước đây, các quỹ đầu tư nước ngoài có xu hướng đổ vốn vào một dự án nào đó, sau đó rút vốn kiếm lợi nhuận thì nay nhiều quỹ đã nghĩ đến sự dài hạn. Cụ thể, họ sẽ đầu tư vào một chuỗi dự án của một doanh nghiệp nào đó, như trường hợp tại các công ty Phúc Khang, An Gia… Theo ông, các quỹ đầu tư nước ngoài hiện đang nhìn vào uy tín của chủ đầu tư để “chọn mặt gửi vàng”, thay vì chỉ nhìn vào dự án như trước đây.

Theo ông Trân, các quỹ đầu tư sẽ nhìn vào vị trí, tiềm năng của dự án để quyết định đầu tư. Tại mỗi dự án, hai yếu tố được các quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm nhất là giá bán và giá đất bởi đây là những con số biến động. “Khi giá bán cao quá thì thị trường sẽ bị thu hẹp lại, khả năng thu hồi vốn sẽ kém đi nên các quỹ đầu tư sẽ rất cân nhắc”, ông Trân cho biết. Theo ông, đây là những tín hiệu rất tốt cho thị trường bất động sản vì các doanh nghiệp sẽ có một kênh huy động vốn mới, hiệu quả hơn. “Hiện nay, kênh huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp bất động sản là ngân hàng, vốn chịu nhiều rủi ro với lãi suất biến động”, ông Trân nói.

Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam, đánh giá hiện các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng khi đầu tư vào Việt Nam. Họ chỉ bước từng bước và có tầm nhìn cũng như kế hoạch dài hơi. Song với những chính sách mới hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam, về lâu dài sóng đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ có xu hướng mạnh dần. Các công ty nước ngoài đến Việt Nam đồng nghĩa với việc gia tăng nhu cầu đối với căn hộ dịch vụ, căn hộ cho thuê và thậm chí căn hộ để bán sẽ tăng cao hơn.

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối