(SGTT) - Cứ độ trung tuần tháng Ba đến đầu tháng Tư, loài hoa gạo - hay còn gọi mộc miên, pơ lang - lại vào mùa trổ hoa rực rỡ nhất. Hoa gạo mang vẻ đẹp bình dị gắn với những làng quê, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc bộ. Sắc đỏ quyến rũ của những cánh hoa khi bung nở, khiến lòng ta xao xuyến.
- Niềm vui tháng Ba: ngắm hoa sưa nở trắng trời miền cao
- Tây Bắc ngào ngạt hương sắc hoa ban
- Những điểm ngắm hoa kèn hồng bung nở ở TPHCM
Trên triền đê, bên bến sông, cạnh mái chùa, hay con đường làng thanh bình… những cây gạo khi đón được nắng, gió mùa xuân cứ tự nhiên khoe sắc thắm. Hoa gạo mang vẻ đẹp tự nhiên không chỉ đi vào lòng người mà còn tô điểm thêm cho cảnh sắc quê hương, đất nước.
Trong không khí những ngày tháng Ba này, chúng tôi đã đi ghi lại một số hình ảnh và chỉ dẫn một số địa điểm ngắm hoa gạo đẹp ở miền Bắc, xem như cẩm nang nho nhỏ để giới thiệu cùng bạn đọc.
Hà Nội: hoa gạo in bóng nước
Trong khuôn viên chùa Thầy, thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km có một cây gạo cổ thụ nằm ngay bên mặt hồ, cây trổ hoa đỏ đẹp mắt vào độ tháng Ba.
Hàng cây hoa gạo ở thôn Đoan Nữ, xã An Mỹ, Mỹ Đức, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km. Ở đây có cả trăm cây hoa gạo lớn nhỏ trên đoạn đường bê-tông chạy theo con mương nước của làng. Cứ đến tháng Ba, khách thập thương lại đổ về đây ngắm hoa, chụp hình cả ngày không biết chán. Trước vẻ đẹp ngỡ ngàng của cả hàng cây hoa gạo, không ai muốn rời bước.
Thái Bình: cây gạo di sản
Xã Quang Bình, huyện Kiến Xương. Ở đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng ba cây gạo đã có tuổi đời trên dưới 200 năm. Trong đó có một cây ở ngôi chùa Ngái và hai cây ở con đường làng trong xã.
Xã Thái Thịnh, huyện Thái Thụy. Ở đây có cây gạo cổ thụ với dáng hình con rồng nằm ngay trên đoạn quốc lộ 39. Do quá lâu năm và nổi tiếng nên cây gạo này được dân bản địa lập miếu thờ ngay bên cạnh. Đến tháng Ba, ai có dịp đi qua đây sẽ thấy những bông hoa gạo đỏ rơi đầy bên vệ đường.
Xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ. Ở đây có cây gạo lớn đã được gắn biển “Cây di sản Việt Nam”.
Với khoảng cách từ Hà Nội về Thái Bình khoảng 90-110 km, du khách có thể bỏ ra hai ngày cuối tuần để đi ngắm những cây gạo cổ thụ cũng như tham quan nhiều điểm du lịch khác của vùng quê lúa.
Bắc Giang: cây gạo cổ thụ trên đê sông Thương
Du khách có thể chụp ảnh cây gạo cổ thụ nằm trên đê sông Thương, ngay miếu Bà Cô thuộc thôn Tân Mỹ, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng. Vào những ngày tháng Ba cây nở hoa nhuộm đỏ cả một góc trời. Rất đông du khách trong và ngoài tỉnh tìm về đây để ngắm cảnh, chụp ảnh và thả hồn mình vào non nước làng quê.
Bắc Ninh: cây gạo thôn Đoài
Bắc Ninh có cây gạo cổ thụ nằm ở thôn Đoài, xã Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh. Cây nằm ngay trên đê ngã ba sông, nơi sông Cầu (hay còn gọi sông Như Nguyệt) gặp sông Cà Lồ có bến đò nổi tiếng. Cây gạo này đã đi vào bối cảnh trong một số bộ phim ở Việt Nam.
Với khoảng cách từ 40-60km du khách xuất phát từ Hà Nội có thể đi về trong ngày để ngắm và chụp ảnh hoa gạo.
Sơn La: hoa gạo nở đỏ bên sông Đà
Điểm đến ngắm hoa gạo ấn tượng nhất ở Sơn La phải kể đến khu vực xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai. Đoạn sông Đà từ điểm có cây cầu Pá Uôn nổi tiếng đến các bản Hua Tát, Phiêng Bang (Mường Giàng) là nơi có nhiều cây hoa gạo nhất.
Du khách đến đúng dịp tháng Ba sẽ được chứng kiến khung cảnh đẹp đến nao lòng. Những cây gạo nở đỏ trên bờ giữa làn nước trong xanh của dòng Đà giang, mây núi bao la khiến cho ta lạc bước chẳng muốn về.
Nơi đây cách Hà Nội đến 360km, nên thích hợp cho những chuyến đi có nhiều thời gian, đặc biệt các bạn trẻ thích du lịch bụi.
Bài và ảnh: Hải Dương - Phong Sơn