Thứ hai, Tháng Một 13, 2025

Bắt tay, nhưng còn lỏng lẻo

TRUNG CHÁNH  -

Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thị trường rất lớn, song những cái bắt tay giữa doanh nghiệp bán lẻ và đơn vị cung ứng nhằm đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng chưa thật sự chặt. Hội nghị “Kết nối cung cầu hàng hóa giữa bốn thành phố trực thuộc trung ương với các tỉnh phía Nam” vừa được tổ chức tại thành phố Cần Thơ là dịp để những người trong ngành ngồi lại với nhau bàn về vấn đề này.

Nhu cầu lớn

Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết nhu cầu mua hàng hóa nông sản của thành phố này rất lớn. Cụ thể, đối với mặt hàng rau củ, thành phố Hà Nội cần khoảng 75.000 tấn/tháng, nhưng hiện tại mới chỉ đáp ứng được 66%. Còn hoa quả tươi cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 18% so với nhu cầu khoảng 52.000 tấn/tháng. Tương tự, nguồn cung mặt hàng thủy hải sản chưa đủ đáp ứng nhu cầu khá lớn tại thành phố này.

Ông Trần Xuân Điền, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết nguồn hàng nông sản do TPHCM tự cung ứng hiện nay còn rất hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu thụ hàng năm của thành phố này là rất lớn.

Một số doanh nghiệp bán lẻ và cung ứng đang trao đổi về thông tin sản phẩm tại hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa, vừa được tổ chức tại thành phố Cần Thơ.
Một số doanh nghiệp bán lẻ và cung ứng đang trao đổi về thông tin sản phẩm tại hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa, vừa được tổ chức tại thành phố Cần Thơ.

Cụ thể, mỗi năm thành phố cần khoảng 660.000 tấn gạo, 85.000 tấn đường, 60.000 tấn dầu ăn, 216.000 tấn thịt heo, 130.000 tấn thịt gia cầm, 132.000 tấn thủy hải sản, một tỉ quả trứng gà, vịt và khoảng một triệu tấn rau củ các loại. “Do đó, việc nhập những loại mặt hàng này để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của chúng tôi là rất lớn”, ông Điền cho biết.

Ông Trần Thành Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết chỉ riêng hệ thống của công ty này mỗi năm tiêu thụ khoảng 40.000 tấn rau củ các loại và khoảng 5.000 tấn thủy, hải sản.

“Hiện chúng tôi có 60 cửa hàng tiện lợi, và chuẩn bị xây dựng thêm để nâng tổng số lên 100 cái trong thời gian tới. Dự kiến nhu cầu hàng hóa sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện nay”, ông Nam cho biết.

Bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội, nói rằng qua hội nghị này đơn vị của bà muốn được tìm kiếm và hợp tác thêm với các đơn vị cung ứng ở khu vực phía Nam. “Chúng tôi muốn trở thành đại lý phân phối hàng hóa cho các hợp tác xã, doanh nghiệp để tạo sự đa dạng về nguồn hàng phục vụ tối đa cho thị trường phía Bắc”, bà nói.

Chưa gặp nhau

Hầu như địa phương nào cũng khẳng định nhu cầu về mặt hàng nông, thủy sản là rất lớn. Song vấn đề hiện nay là chưa nhiều doanh nghiệp có thể ngồi lại với nhau để hợp tác đưa hàng hóa ra thị trường.

Theo ban tổ chức, hội nghị kết nối cung-cầu lần này có tổng cộng khoảng 150 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và phân phối ở phía Nam tham dự với các ngành hàng như nông thủy sản, hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến, bánh kẹo và đặc sản địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế mới chỉ có ba biên bản ghi nhớ được ký kết giữa đơn vị cung ứng với nhà phân phối, một con số khá khiêm tốn so với số lượng đơn vị tham dự.

“Tại hội nghị cũng có một số đối tác ở các vùng miền khác tìm hiểu về sản phẩm gạo của chúng tôi. Nhưng họ cũng chỉ lưu giữ số điện thoại để tiện việc liên lạc sau này, chứ thật sự chưa có ký kết chính thức nào được diễn ra cả”, ông Phạm Văn Sen, Giám đốc bán hàng nội địa của Công ty TNHH ADC (Cần Thơ) cho biết.

Dù không nêu lý do vì sao giữa đơn vị cung ứng và nhà phân phối chưa “bắt mối” được với nhau, nhưng theo một số đại biểu tham dự hội nghị, các đơn vị cung ứng cần phải cải thiện hơn nữa về mẫu mã sản phẩm, chú trọng sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn, truy xuất được nguồn gốc thì mới hy vọng thu hút sự quan tâm của các nhà bán lẻ.

Ông Điền của Sở Công Thương TPHCM cho rằng ý thức của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao, do vậy yêu cầu chất lượng hàng hóa ngày một khắt khe hơn. Chẳng hạn, đối với mặt hàng rau củ, thịt gia súc, gia cầm..., người tiêu dùng gần đây chú trọng tìm mua những sản phẩm có nguồn gốc, được nuôi trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

“Do đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần phải cải tiến quy trình sản xuất, nuôi trồng theo hướng an toàn, chú trọng hơn về bao bì sản phẩm. Đặc biệt, phải hoàn tất được các thủ tục như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm…”, ông Điền nói.

Còn bà Lan của Sở Công Thương Hà Nội thì cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh công tác thông tin quảng bá, doanh nghiệp sản xuất cần chú trọng cải thiện mẫu mã bao bì sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu.

Bà Khuê Anh của Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho biết công ty bà là đơn vị chuyên phân phối, do đó ngoài yêu cầu về chất lượng, công ty đòi hỏi các đơn vị cung ứng đầu vào phải đảm bảo có được nguồn hàng ổn định, thường xuyên. Còn đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu, tùy từng thị trường, công ty yêu cầu sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt như GlobalGAP, VietGAP…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối