Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Bắt tay với nhà nông để bình ổn thị trường

Trong khi một ký chanh giấy ngoài chợ được bán với giá vài chục ngàn đồng thì tại siêu thị, giá bán chỉ bằng phân nửa dù có tăng chút đỉnh. Đây là kết quả của những cái bắt tay mang tính dài hơi giữa nhà cung cấp và nhà nông, phục vụ cho công tác bình ổn thị trường.

Hỗ trợ và tư vấn nhiều hơn

Chanh giấy, là một trong nhiều mặt hàng rau củ quả có giá bán ở siêu thị tốt hơn ở chợ, không tăng giá bất thường theo các lý do thời tiết, cung cầu. Nói như bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op – chủ sở hữu chuỗi siêu thị Co.op), đó là do siêu thị có nguồn hàng ổn định trên cơ sở đã ký kết, hợp tác chặt chẽ với các nhà vườn. Hiện tại, con số nhà cung cấp là các nhà vườn, hợp tác xã hay doanh nghiệp sản xuất hàng nhãn riêng của Saigon Co.op là 104 đơn vị, nằm rải rác ở các tỉnh, thành miền Đông-Tây Nam bộ. Doanh số hàng năm đạt hơn 925 tỉ đồng.

Theo bà Hạnh, khi nhắm được những mặt hàng sẽ đưa vào hệ thống thì Saigon Co.op gặp vấn đề là các nhà sản xuất, thường là các cơ sở nhỏ, hợp tác xã… không đáp ứng được yêu cầu về bao bì, chất lượng hay thậm chí là vấn đề pháp lý (xuất hóa đơn khi mua hàng)… Lúc này, siêu thị giúp đỡ bằng cách đưa người xuống tư vấn, hỗ trợ nhà sản xuất. Nhiều tiêu chuẩn đưa ra vì muốn nhà sản xuất phải có sản phẩm tốt nhất nhưng theo bà Hạnh thì có không ít người đã bỏ cuộc vì không đáp ứng được yêu cầu của siêu thị.

Nhiều mặt hàng rau củ quả hiện có giá bán ở siêu thị tốt hơn ở chợ.  Ảnh: Uyên Viễn
Nhiều mặt hàng rau củ quả hiện có giá bán ở siêu thị tốt hơn ở chợ. Ảnh: Uyên Viễn

Một khó khăn khác mà doanh nghiệp gặp phải là nông dân, doanh nghiệp sản xuất không tuân thủ giao kết. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) nói: “Khó khăn lớn nhất khi làm việc với nông dân là bị “bỏ kèo”, tức hàng bị bán mất cho người khác khi được trả giá cao hơn dù trước đó đã cam kết hai bên”.

Để ổn định hơn, hiện tại Vissan đang hợp tác với hàng trăm trang trại chăn nuôi lớn nhỏ tại nhiều địa phương để thu mua 85-90% nguồn heo hơi phục vụ thị trường mỗi ngày. Nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật, giám sát quy trình, kiểm tra chặt chẽ đầu vào đang được Vissan hỗ trợ cho người chăn nuôi.

[box type="download"] Chương trình hợp tác thương mại mà TPHCM và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ đã thực hiện từ năm 2011 đến nay, với sự tham gia của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh cũng đã giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nhà cung cấp, trang bị và nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các nhà vườn, hợp tác xã… Sở Công thương TPHCM cho biết năm 2014 sẽ đẩy mạnh hơn các quá trình này, và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản, đặc sản từng địa phương.[/box]

Không ép giá nhà nông

Trong quá trình hợp tác, bản thân các doanh nghiệp đều tự tìm cho mình cách khắc phục. Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, điều quan trọng khi liên kết với nông dân là phải giữ chữ tín. Bà Hà kể, như đợt cúm gia cầm vừa qua, giá gà, trứng trên thị trường giảm mạnh. Tuy vậy, với những hợp đồng đã ký kết trước đó, công ty vẫn phải giữ nguyên giá đã cam kết dù giá bán ra sụt giảm.

Đồng quan điểm, bà Hạnh cho biết, kinh nghiệm Saigon Co.op rút ra sau nhiều năm thực hiện liên kết chính là luôn đồng hành, chia sẻ với nhà cung cấp. Lúc đó, chính các nhà cung cấp sẽ hiểu rằng cả hai bên đều có lợi. Nhờ vậy, mọi yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm luôn được đáp ứng và các nhà cung cấp sẽ giúp siêu thị kiểm soát chất lượng.

Trong khi đó, cách của Vissan là kiên trì thuyết phục, giải thích để người nông dân hiểu muốn đạt lợi ích lâu bền thì phải đảm bảo chất lượng ngay từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Bên cạnh đó, cần phải kiên quyết nhưng tôn trọng, sòng phẳng và trung thực với nông dân. “Trong liên kết, không được ép giá người nông dân”, ông Mười nói.

Tâm Yến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối