Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Bay trên vùng trời Đông Nam Á có an toàn?

Lê Duy

Lại thêm một thảm họa thứ ba trong năm 2014 cho ngành hàng không khu vực Đông Nam Á. Có phải vì vận rủi hay vì một nguyên do nào khác?

Trong năm 2014, ngành hàng không Malaysia hứng chịu nhiều tổn thất lớn. Mặc cho tỷ lệ tai nạn tính trên đầu người ở mỗi chuyến bay là 1/11 triệu, nhưng có đến ba chuyến bay của Malaysia trong năm rồi bị rơi. Vụ mới nhất là chuyến AirAsia Flight QZ8501, bay từ Surabaya, Indonesia đến Singapore đã rơi xuống vùng biển Java hôm 30-12.

Ở một khía cạnh nào đó, ba thảm họa máy bay của Malaysia có thể xem là điềm gở mà thôi. Dù vậy, mọi người có thể đặt ra câu hỏi liệu bay qua vùng trời Đông Nam Á có còn an toàn? Thị trường hàng không trong khu vực này đầy những hãng hàng không giá rẻ, dẫn đến có sự bùng nổ về chuyến bay trong vùng, trạm điều khiển không lưu nhiều việc hơn và một số hãng hàng không có tốc độ mở rộng quy mô kinh doanh đáng kinh ngạc. Các hãng hàng không, trạm điều khiển không lưu và vùng an toàn bay của Indonesia nói chung trước nay bị đánh giá là yếu kém về việc tuân thủ các quy định an toàn bay.

Thông tin chuyến bay QZ8501 trên bảng thông báo.
Thông tin chuyến bay QZ8501 trên bảng thông báo.

AirAsia có mô hình kinh doanh giống với hãng Ryanair và Southwest Airlines, là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên và phát triển nhất tại Đông Nam Á, là thị trường mà trước đây chỉ có những hãng hàng không quốc doanh thống trị. Cách nay khoảng một thập kỷ, thỏa ước vùng trời tự do được các nước trong khu vực ký kết đã mở ra một thị trường hàng không mở. Lúc ấy, AirAsia đưa vào cách tính phí cho các dịch vụ cộng thêm như thức ăn, trọng lượng hành lý ký gửi, chọn chỗ ngồi và một số dịch vụ khác. AirAsia được biết tiếng vì có dịch vụ khách hàng tốt.

AirAsia mở rộng mạng lưới của họ rất nhanh tại Indonesia, là quốc gia đông dân nhất tại Đông Nam Á, và đảo quốc này có mức vé máy bay rất rẻ nên thu hút nhiều người dân trung lưu sử dụng. Trong khi đó, Lion Air, là hãng hàng không giá rẻ của Indonesia, hồi năm 2013 đã đặt hàng số lượng lớn, đến 234 chiếc Airbus; hồi tháng 11 vừa qua, họ tiếp tục đặt thêm 40 chiếc nữa. Những hãng hàng không giá rẻ khác như Citilink, Tigerair, Valuair… đều xây dựng mạng lưới chuyến bay trên khắp quần đảo này.

Đường bay tăng nhiều trong khu vực nhưng AirAsia vẫn là hãng có được tỷ lệ an toàn bay ổn định nhất. Tăng số chuyến bay giá rẻ đồng nghĩa với việc phi công và đội ngũ điều hành bay ít kinh nghiệm hơn so với trước. Vùng bay tại Đông Nam Á vẫn có những đặc điểm cũ, có núi đồi, có thời tiết thay đổi liên tục, có những đường bay khó. Phi công trên chuyến AirAsia biến mất ấy đạt khoảng 6.000 kinh nghiệm giờ bay với chiếc Airbus, nhưng không có thông tin nào cho thấy phi công này có kinh nghiệm bay trên độ cao trên 10.000 m để tránh thời tiết xấu. Khi máy bay càng lên cao thì càng khó định vị những dữ kiện khó xác định như áp suất không khí và tinh thể đóng băng. Vài hãng hàng không giá rẻ có vẻ khó tìm được đội bay giỏi nên ép buộc phi công và đội bay của họ phải làm việc nhiều giờ hơn để có thể vận hành được nhiều chuyến bay hơn. Hãng hàng không Lion Air từng có ít nhất là ba phi công bị bắt vì sử dụng thuốc kích thích (methamphetamine) hồi năm 2011 để giúp tỉnh táo.

Tăng số chuyến bay cũng đặt áp lực lên bộ phận điều hành và bảo dưỡng ở Indonesia. Quốc gia này cũng từng chịu nhiều tai tiếng ở cách quản lý bay và bảo trì máy bay. Có ít thông tin cho thấy chính quyền Indonesia quan tâm nhiều đến an toàn bay. Trong thập kỷ rồi, chỉ riêng Lion Air đã gặp phải đến bảy vụ tai nạn, một con số không nhỏ cho một hãng hàng không. Để tiện so sánh, tất cả hãng hàng không tại Mỹ trong thập kỷ qua bị tổng cộng ba vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng. Trong số trường hợp của Lion Air, có một vụ rơi máy bay gần thành phố Solo (Indonesia), làm 25 người thiệt mạng năm 2013, khi chiếc máy bay này đáp trật đường băng tại Bali khi trời mưa và lao xuống biển. Đầu năm nay, một chiếc máy bay khác của Lion Air hạ cánh không tốt, làm máy bay nảy lên bốn lần, làm nhiều hành khách bị thương nghiêm trọng. Trong khi đó, Madanla Airlines bị rơi ở Medan (Indonesia) hồi năm 2005, khiến 105 người tử vong. Một chuyến bay khác, Adam Air, ở Sulawesi rơi xuống biển hồi năm 2007, 102 người chết (là vụ tai nạn thảm khốc nhất với máy bay Boeing 747-700); và một chuyến bay Garuda hồi năm 2007 chạy quá đường băng ở Yogyakarta, làm 22 người thiệt mạng.

Nhìn chung, hãng hàng không Indonesia phải hứng chịu nhiều vụ tai nạn máy bay trong 10 năm vừa qua. EU từng cấm mọi hãng Indonesia bay đến EU vì lý do an toàn. Thậm chí, hãng hàng không quốc gia Indonesia là Garuda Indonesia từng bị EU cấm bay đến EU hồi những năm 2000. Còn Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (International Air Transport Association) không chấp thuận Lion Air là thành viên vì quan ngại về an toàn bay của hãng này.

Nguồn: www.businessweek.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối