Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Bê tông chống ngập, lụt cho đô thị

HOÀNG XUÂN PHƯƠNG  -

Thoát nước liên kết dọc theo lề đường, vỉa hè, lối đi bộ, bãi đậu xe hay công viên bằng vật liệu xây dựng thấm nước là một giải pháp hữu hiệu đối với những vùng hàng năm phải hứng chịu những trận mưa bão và các thành phố cổ, nơi mà hệ thống thoát nước còn nhập chung với hệ thống tiêu thoát nước thải sinh hoạt.

Nước từ những trận mưa lớn không kịp thoát đi, ngập úng nhiều giờ sẽ làm hư hỏng đường sá, nhà cửa, xe cộ, hạn chế giao thông, cản trở việc đi lại mua bán hay đến trường, công sở và cả tiềm ẩn những mối nguy hiểm. Ngập nước kéo dài tại các đô thị gây nên thiệt hại rất lớn, và mỗi năm phải tiêu tốn ngân sách cho việc khắc phục. Năm 2007, toàn Anh Quốc bị thiệt hại do nước ngập lên đến 4,8 tỉ đô la Mỹ, nhưng chỉ 12% trong số đó là do nước sông, nước biển dâng lên, còn lại là do mưa.

Bê tông hút nước xốp, có thể thấm nước, tiêu thoát nước và ngậm nước trong một thời gian.
Bê tông hút nước xốp, có thể thấm nước, tiêu thoát nước và ngậm nước trong một thời gian.

Bê tông thấm nước hay hút nước là loại vật liệu xây dựng thích hợp nhất để cấu trúc nên những hệ thống thoát nước liên kết. Loại bê tông này đã được sản xuất từ hàng chục năm trước bằng các vật liệu thô, góc cạnh trộn chung với nước và xi măng, thay vì sử dụng những hạt sỏi tròn và cát mịn. Tùy theo thành phần và cách sản xuất, độ rỗng bên trong của loại bê tông này trong khoảng 15-25%, và độ dẫn nước tùy theo thiết kế cùng cấu trúc bên trong.

Nhưng mới đây, Công ty Tarmac cho biết họ đã sản xuất thành công và đưa vào sử dụng loại bê tông Topmix Permeable siêu hút nước với khả năng lên đến 4.000 lít nước/phút trên mỗi mét vuông và khả năng tiêu thoát nước liên tục lên đến 600 lít/phút/m². Công nghệ chế tạo loại vữa làm bê tông này chưa được công bố, nhưng độ rỗng bên trong lên đến 20-35%, hạt thô là bột nghiền đá granite, dòng chảy không bị tắc nghẽn vì cát xâm nhập và đặc biệt bê tông này có khả năng chịu tải cao cho các dòng xe cộ hạng nhẹ.

Quá trình đô thị hóa với các loại cấu trúc bê tông và vật liệu ngăn thấm như nhựa đường đã ngăn đến hơn 90% lượng nước thấm xuống đất, và tất cả phải dồn vào hệ thống thoát nước thành phố mà nhiều khi quá tải, tắc nghẽn vì rác rưởi, thậm chí trào ngược lên mặt đường, hòa dòng nước hôi thối, bẩn thỉu ấy vào dòng nước bề mặt vốn còn khả năng sử dụng làm nguồn nước nông nghiệp cho các vùng ven đô thị.

Các thành phố có khả năng chống ngập tốt nhất hiện nay chẳng những có hệ thống thoát nước hiện đại tách nước thải sinh hoạt và nước mưa ra làm hai, mà còn có một hệ thống tiêu nước liên kết nằm ngay trên vỉa hè, lề đường, lối đi bộ, công viên và bãi đậu xe.

Tùy thuộc nhiều vào dữ liệu thiết kế, từ lượng nước và thời gian cần thoát nhanh cho đến mức độ chịu tải của kết cấu công trình, tùy vào địa thế và mục đích trữ nước tạm thời, thấm nước xuống nền hay tập trung nước vào hệ thống thoát mà các kỹ sư bố trí một hệ thống thoát nước liên kết thích hợp, bao gồm cả phần kết cấu để bảo đảm luồng xe cộ và mọi hoạt động bên trên vẫn diễn ra bình thường. Điều đáng nói là các thành phố có hệ thống thoát nước liên kết xuống vỉa hè thường giữ được mực nước ngầm bên dưới lòng đất ổn định, giúp cho thành phố ít bị lún nhanh khi các công trình xây dựng bên trên mỗi ngày một chồng chất nặng thêm. Ở một số đô thị, nước mưa tiêu thoát từ hệ thống này được tái sử dụng để tưới tiêu, hay dùng cho sinh hoạt.

Trao đổi trên trang ThinkProgress, giáo sư kiến trúc Dana Buntrock tại trường Đại học California ở Berkeley, Mỹ cho rằng hệ thống thoát nước qua vỉa hè rất quan trọng, một mặt để giảm thiệt hại và tiêu tốn ngân sách tu bổ công trình hàng năm; mặt khác luôn luôn bổ sung nước ngầm để giữ ổn định kiến trúc bên trên cho thành phố. Và cuối cùng, nó cũng có thể thay thế chừng mực nào đó việc đầu tư một hệ thống tiêu thoát mới cho các thành phố cổ vốn rất tốn kém và rất khó thi công.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối