Trung Chánh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2015. Nhưng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo chỉ khoảng 8 tỉ đô la Mỹ. Vì sao VASEP lại tỏ ra thận trọng như vậy?
Bộ lạc quan
Theo báo cáo mới nhất của VASEP, kết thúc năm 2014, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt trên 7,9 tỉ đô la Mỹ, vượt xấp xỉ 1 tỉ đô la so với dự báo được đưa ra trước đây và tăng khoảng 1,3 tỉ đô la so với cùng kỳ năm 2013.
Trong khi đó, năm 2015 được đánh dấu là năm có tính chất bước ngoặt đối với xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và thủy sản nói riêng, khi hàng ngàn mặt hàng xuất nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á sẽ không phải chịu thuế theo cam kết của Việt Nam khi thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2015-2018. Đồng thời, cũng từ năm nay, hàng loạt mặt hàng xuất nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, NewZealand và EU, cũng sẽ được cắt giảm thuế để thực hiện các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc (ACFTA); ASEAN-Ấn Độ (AIFTA); ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA).
Việc cắt giảm thuế theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do như trên được xem là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, giúp họ chủ động được nguồn nguyên liệu cũng như đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Theo VASEP, năm 2014 Việt Nam phải nhập khẩu đến một tỉ đô la Mỹ nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu.
Trước bối cảnh như trên, Bộ NN&PTNT thống nhất đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt đến 8,5 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 0,6 tỉ đô la so với năm 2014.
Hiệp hội dè dặt
Dù tình hình xuất khẩu thủy sản, nhất là đối với ngành tôm đang trên đà phục hồi mạnh, VASEP lại tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo xuất khẩu cả năm chỉ đạt 8 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 0,1 tỉ đô la so với năm 2014. Điều gì khiến VASEP lại thận trọng như vậy?
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, lý giải do những khó khăn của ngành thủy sản chưa được giải quyết một cách căn cơ như dịch bệnh đối với tôm nuôi và dư lượng kháng sinh trong xuất khẩu, bị áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra và sự khan hiếm nguyên liệu đối với các mặt hàng hải sản phục vụ chế biến xuất khẩu.
Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, xuất khẩu thủy sản năm 2015 sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong các vụ kiện tụng đối với ngành cá tra và tôm. Ngoài ra, một số chiến dịch truyền thông bôi nhọ của các đối thủ xuất khẩu cũng như tại chính các nước nhập khẩu với ý đồ xấu, chẳng hạn cố tình tuyên truyền sai sự thật về con cá tra, con tôm trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Đặc biệt, đối với thủy sản xuất khẩu bị nhiễm kháng sinh, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước liên tục bị các nhà nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật, EU cảnh báo, song tình trạng này chưa có chiều hướng giảm. Điều này phần nào giải thích lý do tại sao VASEP lại thận trọng trong dự báo xuất khẩu năm 2015.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), trong năm 2014, số lô hàng nhiễm hóa chất, kháng sinh xuất sang EU bị cảnh báo là 51 lô, tăng bảy lần so với năm 2013. Tương tự, thủy sản xuất sang thị trường Nhật Bản cũng có 21 lô hàng bị cảnh báo nhiễm kháng sinh. Còn tại thị trường Mỹ, số lô hàng bị cảnh báo trong năm 2014 là 58 lô, tăng 1,6 lần so với năm 2013.
Theo Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hai đơn vị này sẽ phối hợp thực hiện các biện pháp kiểm tra, xử phạt những cơ sở sản xuất thuốc, hóa chất phục vụ nuôi trồng thủy sản không đủ điều kiện hoặc ngoài danh mục cho phép, đồng thời, sẽ hướng dẫn cơ sở nuôi thủy sản tuân thủ nghiêm việc sử dụng hóa chất kháng sinh đúng quy định.
Tuy nhiên, với thực tế số vụ vi phạm và bị thị trường nhập khẩu cảnh báo kháng sinh có xu hướng năm sau tăng cao hơn năm trước như thời gian gần đây, việc VASEP thận trọng khi đưa ra dự báo về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015 như trên cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, VASEP cho rằng việc kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng đột biến ở năm 2014 (tăng khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ so với năm 2013) là do ngành tôm tăng xấp xỉ một tỉ đô la so với dự báo ban đầu và do xuất khẩu tôm của Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc chưa phục hồi vì gặp dịch bệnh hoại tử gan tụy. Sang năm 2015, nhiều khả năng tình hình sẽ có sự dịch chuyển khi xuất khẩu tôm ở những quốc gia này được khôi phục.