Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Bệnh đái tháo đường trở nặng do người bệnh chủ quan

(SGTTO) - Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến nhiều biến cố về tim mạch và khiến bệnh thêm trầm trọng. Điều đáng nói là sau khoảng thời gian đầu khi có được kết quả điều trị tốt, bệnh nhân tự ý ngưng khám, tự mua thuốc để uống.  

Một bệnh nhân đang được tư vấn về bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh đái tháo đường làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các biến cố về tim mạch cũng như làm tình trạng bệnh thêm nặng nề. Trong số các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra, biến chứng tim mạch phổ biến nhất và nguy hiểm nhất với tỷ lệ tử vong cao, đến gần 70%.

Những con số biết nói

Theo tổ chức Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới, năm 2017 thế giới có 425 triệu người ở độ tuổi 20-79 bị bệnh đái tháo đường. Con số này theo dự báo sẽ tăng lên gần 630 triệu người vào năm 2045.

Trong khi Bộ Y tế Việt Nam cho biết hiện có 3,53 triệu người chung sống với bệnh đái tháo đường. Mỗi năm có gần 29.000 người tử vong do các biến chứng có liên quan đến bệnh đái tháo đường như tim mạch, thần kinh, thận, mạch máu, mắt... Với mức tiêu tốn gần 800 triệu đô la Mỹ mỗi năm cho việc điều trị căn bệnh này. Đây là gánh nặng vô cùng to lớn cho gia đình và xã hội.

ThS BS. Nguyễn Minh Nhựt – thuộc Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM –cho biết, trong tuần qua, Bệnh viện Đại học Y Dược khám và tầm soát cho hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, có người đã có những biến chứng của bệnh, nhưng cũng có nhiều người mắc bệnh mà không biết. Hầu hết những biểu hiện của bệnh tim mạch do đái tháo đường thường rất âm thầm trong giai đoạn đầu. Vì vậy, đa số người bệnh chủ quan và làm cho các biến chứng này thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho việc điều trị.

Tự ngừng khám, uống thuốc theo toa cũ

Trường hợp của bà T. T. M., 60 tuổi, ngụ tại Thủ Đức, TPHCM là một ví dụ. Cách đây năm năm, bà M. được phát hiện bị bệnh đái tháo đường. Trong khoảng thời gian đầu, bà M. được theo dõi bệnh và điều trị liên tục tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Kết quả điều trị ban đầu rất khả quan, nhiều lần tái khám kết quả đường huyết đều nằm trong giới hạn tốt.

Sau đó, do chủ quan, bà M không đi tái khám mà tự mua thuốc theo toa cũ để uống. Đến một ngày, bà M. đột nhiên thấy mệt, khó thở, đau ngực trái dữ dội và bà được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM. Tại đây, bà M. được chẩn đoán là bị nhồi máu cơ tim cấp, được tiến hành chụp mạch vành, can thiệp mạch cấp cứu và sau đó được điều trị tích cực. Sau hơn một tuần nằm viện, sức khỏe bà dần hồi phục và trở về cuộc sống bình thường.

Nên thăm khám thường xuyên

Các biến chứng trên tim mạch có thể được phát hiện sớm thông qua việc thăm khám và thực hiện các xét nghiệm máu cũng như đo điện tim, siêu âm tim, hoặc các nghiệm pháp đánh giá chuyên sâu khác. Việc phát hiện sớm các biến chứng giúp cho người bệnh đái tháo đường được điều trị một cách toàn diện, ngăn ngừa các biến chứng cấp tính như nhồi máu cơ tim cấp…

Trong trường hợp không được chẩn đoán và điều trị phòng ngừa sớm, người bệnh thường nhập viện ở giai đoạn muộn, gây ra nhiều khó khăn trong việc điều trị, gia tăng tỷ lệ tử vong và chi phí điều trị, cũng như tỷ lệ phục hồi thấp.

Một khi được xác định bị bệnh đái tháo đường type 2, bệnh nhân cần được điều trị, theo dõi và duy trì việc thăm khám thường xuyên, suốt đời. Chính vì vậy, việc tuân thủ điều trị là rất quan trọng. Người bệnh cần tham gia những chương trình tầm soát và giáo dục sức khỏe sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về bệnh và được chẩn đoán, xử trí sớm những vấn đề sức khỏe của mình.

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối