Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Bhutan – đất nước hạnh phúc

SĨ ANH -

Từ New Dehli ở Ấn Độ đoàn chúng tôi đón chuyến bay quốc tế của hãng hàng không duy nhất của đất nước Bhutan để đến sân bay Paro cũng là sân bay quốc tế duy nhất tại quốc gia này. Khi vào không phận Bhutan, thấp thoáng sau những tầng mây là vài đỉnh núi phủ tuyết trắng xóa thuộc dãy núi Hymalaya hùng vĩ. Rồi khi máy bay dần hạ thấp xuống, bên dưới là những ngọn núi phủ màu xanh ngắt, và những ngôi làng nhỏ xíu nằm giữa những rặng núi.

DL1Các chú tiểu.

Khi bước xuống máy bay, một tấm hình cỡ lớn của Đức Vua và Hoàng Hậu đón chào du khách. Ở Bhutan, hoàng gia có vị trí quan trọng trong lòng người dân. Lấy hành lý và bước ra khỏi khu vực sân bay, đoàn chúng tôi được đội hướng dẫn viên mặc trang phục truyền thống của Bhutan tiếp đón, choàng những tấm lụa trắng lên vai khách. Du khách quốc tế muốn có visa nhập cảnh vào Bhutan phải qua một công ty du lịch, có thuê xe vận chuyển và hướng dẫn viên thuyết minh. Tất cả hướng dẫn viên đều được đào tạo bài bản về kiến thức lịch sử, văn hóa để truyền đạt cho khách du lịch những thông tin nhất quán.

DL3Cổng vào Dzong Bumthang.

Cả đoàn khởi hành về thủ đô Thimphu cách sân bay hơn 47 km. Dọc đường đi tôi thực sự có ấn tượng tốt đẹp ngay từ ban đầu với đất nước này vì sự tươm tất sạch sẽ của những con đường, nhà cửa được xây cất trật tự, có quy hoạch hẳn hoi. Những ngôi nhà đều có mái được lợp ngói, những khung cửa sổ, cửa chính và ban công được trang trí với hoa văn và họa tiết màu sắc sặc sỡ, sống động.

DL5Dzong từ trên cao.

Bhutan là một quốc gia bé nhỏ, nằm dưới chân dãy Hymalaya, giữa hai nước lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, chịu sự ảnh hưởng lớn của văn hóa Phật giáo Tây Tạng. Cả nước có trên 10.000 đền tháp và 2.000 tu viện. Trong mỗi tu viện, chùa chiền, du khách sẽ nhìn thấy tượng và hình của vị tổ sư Padmasambhava (Liên hoa sanh đại sư) được thờ phượng tại vị trí trang trọng nhất. Đây là vị tổ Phật giáo Mật tông có công truyền và phổ biến Phật giáo từ Ấn Độ sang vùng Hymalaya.
Thủ đô Thimphu là thành phố lớn nhất và cũng là trung tâm kinh tế chính trị của Bhutan. Ở đây du khách đã bắt đầu bắt gặp sự có mặt của công nghệ, sự giao thoa biến đổi giữa mới và cũ. Những cô gái vẫn mặc những chiếc áo Kera hay những chàng trai trong chiếc áo Gho khi đứng chờ xe buýt hay đi buổi chợ sớm, trong tay mỗi người đều có điện thoại di động. Những người trẻ mà tôi có dịp tiếp xúc đều có tài khoản Facebook và thích xem những bộ phim Bollywood của Ấn Độ trên YouTube.

DL6Nghệ thuật vẽ tranh Thangka.

Một trong những điểm đến không thể thiếu khi đến Thimphu là tu viện Trashi Chhoe Dzong – tòa nhà quốc hội và trụ sở tu viện Phật giáo trung ương. Dzong là một sự kết hợp giữa cơ quan quản lý hành chính quân sự và tu viện Phật giáo, được xây theo kiến trúc như một thành trì pháo đài kiên cố, thường được tách biệt bằng sông hoặc suối và trên đỉnh núi cao. Trong mỗi 20 quận hành chính của Bhutan đều sẽ có một Dzong. Trong mỗi Dzong được chia làm hai khu vực tách biệt rõ ràng gồm khu vực hành chính và khu vực tu viện. Khách tham quan không được phép vào khu vực hành chính mà chỉ được vào tu viện. Đến thăm Dzong, du khách phải trầm trồ vì sự tinh tế trong từng chi tiết trang trí kiến trúc tinh xảo trên những khung cửa chính, cửa sổ và mái ngói. Kiến trúc của Dzong mang đậm dấu ấn của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo vùng Hymalaya.

DL7Phong cảnh hùng vĩ từ trên cao.

Sau hai ngày tham quan thủ đô Thimphu, đoàn chúng tôi lên đường đi về phía Đông của Bhutan, qua những thành phố Punakha, Tronga, Bumthang; qua những dãy núi cheo leo, những con đường đèo quanh co hiểm trở trong hành trình bốn ngày đi bằng xe buýt nhỏ. Đó cũng là thời gian tôi chiêm ngưỡng được vẻ đẹp như tranh vẽ của xứ sở Bhutan. Những lúc sáng sớm và chiều muộn, mây cứ kéo đến bay là đà bao quanh những đỉnh núi, những sườn đèo. Trưa thì mặt trời lộ rõ khỏi những đám mây, chiếu những tia nắng sưởi ấm cho núi rừng. Những bản làng nho nhỏ nằm lọt trong những thung lũng hoặc bên những thửa ruộng bậc thang hiền hòa. Ở đây, người dân còn khá nghèo, nhưng trên gương mặt và ánh mắt họ hiện lên sự hồn hậu, giản dị của những người dân miền núi.

Ở thành phố Punakha, quanh những ngôi nhà, người dân vẽ trên cánh cửa hoặc trên bức tường trước nhà hình tượng dương vật rất to. Hướng dẫn viên giải thích đó được xem như một biểu tượng may mắn và là một sự bảo vệ cho căn nhà khỏi sự xâm nhập của ma quỷ. Tín ngưỡng phồn thực đã tồn tại từ những bộ lạc nguyên thủy ở khu vực Hymalaya từ trước khi Phật giáo được truyền vào.

Từ Punakha đoàn chúng tôi mất một ngày đường để đến Bumthang. Tại đây, chúng tôi thăm ngôi đền Kurje Lhakhang – nơi lưu giữ ấn, và tu viện Tamshing Lhakhang – một trong tám tu viện cổ xưa nhất Bhutan được xây vào thế kỷ 16. Theo lịch sử, tu viện này là cái nôi của điệu nhảy truyền thống Tshechu và sau này trở thành một lễ hội dân gian tôn giáo truyền thống của Bhutan, diễn ra hàng năm trong các chùa chiền và tu viện. Người dân Bhutan tham dự lễ hội Tshechu không chỉ với lòng tin sẽ nhận được sự may mắn, đuổi tà ma mà còn được nhắc lại những bài học về đạo đức, cách sống theo tư tưởng Phật giáo xem trọng luật nhân quả và luân hồi.

Đoàn chúng tôi quay về lại thủ đô Thimphu và sau đó về điểm xuất phát lúc đầu là Paro. Ở đây có một danh thắng độc đáo của Bhutan là tu viện Taksang Palphug. Tu viện được xây trên vách núi cheo leo cao 3.120 m so với mực nước biển, bên thung lũng Paro vào năm 1692.

Từ chân núi lên đến tu viện mất khoảng ba giờ đồng hồ đi bộ. Càng lên cao không khí càng loãng và sức người cũng thấm mệt nên người trong đoàn dần cũng ít cười đùa với nhau hơn. Tôi nghiệm ra rằng, khi leo núi tuyệt nhiên không thể nóng lòng. Càng hấp tấp, hối hả thì chỉ làm bản thân mau xuống sức. Tâm càng xao động thì sức càng xuống nhanh. Chắc có lẽ vì vậy mà những vị khách hành hương lên những ngôi chùa trên núi thường thấy lòng thanh thản nhẹ nhàng.

Tu viện Taksang Palphug là một phức hợp của bốn đền thờ chính và vài cốc nhỏ xung quanh. Từ mỗi gian điện thờ đều có một ban công nhìn ra khung cảnh hùng vĩ đến ngỡ ngàng của những dãy núi xung quanh trên độ cao hơn 3.000 m. Truyền thuyết kể rằng đây là nơi Liên hoa sanh đại sư đã cưỡi trên lưng một con cọp cái bay đến và thiền định để tạo thần lực trấn át quỷ dữ nơi rừng thiêng núi độc. Vì vậy tu viện này còn có một tên khác là tu viện Hang Cọp.

Tu viện Taksang Palphug cũng là địa điểm tham quan cuối cùng của tôi tại Bhutan. Đất nước này lâu nay vẫn được nhiều người ca ngợi là đất nước hạnh phúc, và riêng trong cảm nhận của tôi, Bhutan cho thấy sự hạnh phúc của người dân một đất nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối