Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

BHXH tự nguyện vẫn ít người tham gia

THÙY DUNG -

Bảo hiểm xã hội tự nguyện được thiết kế để bảo hiểm ốm đau và đảm bảo cuộc sống khi về hưu cho người lao động, chủ yếu cho khu vực lao động phi chính thức. Song, sau nhiều năm thực hiện, số lao động tham gia loại hình bảo hiểm này rất thấp. Ngay cả Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi 2014 được áp dụng với rất nhiều quy định thông thoáng nhưng cũng không làm tình hình này chuyển biến được bao nhiêu.

“Lo trước mắt, nghĩ chi xa!”

Chị Nguyễn Thị Hà, 30 tuổi, quê ở Thanh Hóa lên Hà Nội buôn bán ve chai. Chị Hà kể, với số tiền kiếm được hơn 4 triệu đồng/tháng thì hơn một nửa chị dành dụm gửi về nhà cho bố mẹ già nuôi con nhỏ ở quê, phần còn lại chị chi tiêu chắt bóp để trang trải cuộc sống đắt đỏ nơi đô thành.

Chị Hà cho biết mỗi khi ốm đau chị phải vay mượn người quen trong khu xóm trọ rồi giật gấu vá vai trả dần. Khi được hỏi về già sẽ làm việc gì để kiếm sống, chị Hà cười và nói rằng cuộc sống trước mắt còn ăn bữa nay lo bữa mai thì sao nghĩ xa được.

Người lao động tự do được thuê hái tiêu tại Đắk Nông. Ảnh: Thảo Nguyên
Người lao động tự do được thuê hái tiêu tại Đắk Nông. Ảnh: Thảo Nguyên

Trên thực tế, những người như chị Hà không biết đến BHXH tự nguyện hoặc không quan tâm tới hình thức bảo hiểm này khá nhiều. Theo khảo sát của Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng LIGHT về nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện với nhóm di cư bán hàng rong cho thấy có hơn 91% số người chưa biết đến BHXH tự nguyện. Trong số những người đã biết thì có 74,8% cho rằng bảo hiểm này là không cần thiết.

Trong khi đó, BHXH tự nguyện được thiết kế là để thu hút nhóm lao động khu vực phi chính thức, nhóm lao động yếu thế tham gia, như trường hợp của chị Hà. Nhưng cho tới nay, thống kê của Vụ BHXH thuộc Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cho thấy tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện trên tổng số lực lượng lao động rất thấp, tính đến hết quí 2-2015 mới chỉ đạt 0,39%, tương đương khoảng hơn 230.000 người.

Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH, những người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động khu vực chính thức chưa đủ số năm đóng BHXH và đóng thêm để được nhận lương hưu. Còn đa phần lao động khu vực phi chính thức, những người nghèo, chưa tiếp cận hình thức bảo hiểm này.

Bà Nga cho rằng những người lao động phi chính thức hiện nay còn sức khỏe, còn có khả năng lao động để nuôi bản thân và gia đình, nhưng nếu họ không có những biện pháp bảo vệ cho tương lai của mình thì chính họ sẽ tạo gánh nặng rất lớn cho xã hội khi về hưu. Ngay tại thời điểm này, theo thống kê của Vụ BHXH, cả nước có khoảng 11,2 triệu người cao tuổi nhưng có tới 62,6% người không có lương hưu hoặc được hưởng trợ cấp từ Nhà nước.

Vì sao người lao động chưa quan tâm?

Luật BHXH sửa đổi 2014 đã có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho người lao động ở khu vực phi chính thức nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH, cụ thể từ hơn 20% lực lượng lao động hiện nay lên 50% vào năm 2020.

Luật mới điều chỉnh mức đóng tối thiểu BHXH tự nguyện để phù hợp cho đại bộ phận lao động nông thôn với mức đóng tối thiểu bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, tương đương 88.000 đồng/tháng, thay vì mức 230.000 đồng/tháng của luật cũ. Đồng thời, tùy từng đối tượng sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần khi tham gia (theo khoản 1 Điều 87 Luật BHXH năm 2014).

Bên cạnh đó, luật còn quy định linh hoạt về phương thức đóng, theo đó người lao động có thể lựa chọn phương thức đóng hàng tháng, ba tháng, sáu tháng, 12 tháng một lần hoặc một lần cho nhiều năm (khoản 2 Điều 87 Luật BHXH năm 2014).

Đồng thời, người lao động khi tham gia BHXH tự nguyện không bị khống chế tuổi trần tham gia (khoản 2 Điều 73 Luật BHXH năm 2014).

Như vậy, người nghèo đã có thể mua được BHXH tự nguyện với mức phí chỉ còn gần một phần ba mức cũ và có thể đóng linh hoạt hàng tháng. Thế nhưng, những người trong ngành vẫn cho biết rất khó để bán BHXH tự nguyện cho người dân.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, PGS.TS. Lê Thị Hoài Thu, đại diện Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển, cho hay dù Luật BHXH sửa đổi có những quy định thông thoáng hơn với người lao động nhưng tới nay văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn chưa được ban hành để quy định rõ ràng về đối tượng được hỗ trợ, mức hỗ trợ và phương thức hỗ trợ. Hơn nữa, thời gian đóng BHXH kéo dài (20 năm mới được hưởng lương hưu) trong khi những người có nhu cầu tham gia đều đã “cứng” tuổi nên những quy định mới chưa đủ hấp dẫn người lao động tham gia.

Nhưng trên thực tế, việc thiết kế BHXH vẫn có sự phân biệt đối xử giữa hình thức bắt buộc và hình thức tự nguyện. Bà Hoài Thu cho hay, người lao động khu vực phi chính thức “thiệt đơn thiệt kép” khi họ đang phải đóng nhiều hơn so với người lao động khu vực chính thức nhưng họ lại chỉ được hưởng hai chế độ (hưu trí, tử tuất) thay vì năm chế độ (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất) như lao động khu vực chính thức.

Giải thích thêm về vấn đề này, bà Hoài Thu cho hay, người lao động tham gia BHXH bắt buộc chỉ phải đóng 8% (chủ sử dụng lao động đóng 14% – PV), trong khi lao động khu vực phi chính thức phải đóng cả 22% trên số tiền tham gia BHXH nhưng quyền lợi của họ lại thấp hơn.

Sài Gòn Tiếp Thị cũng đã đem thắc mắc về sự thiệt thòi trong thụ hưởng BHXH giữa hình thức tự nguyện và bắt buộc để hỏi bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH. Bà Nga cho hay, mặc dù BHXH rất muốn người lao động khu vực phi chính thức được nhận cả năm chế độ nhưng cân đối quỹ thì thấy không thể.

Chính vì vậy, những người như chị Hà bán ve chai nói trên dù có tham gia BHXH tự nguyện thì khi sinh con không được hưởng chế độ thai sản, khi ốm đau không được hưởng bảo hiểm y tế, hoặc khi không may gặp tai nạn cũng không được hưởng chế độ tai nạn nghề nghiệp… Hai lợi ích duy nhất mà những người như chị Hà được hưởng là hưu trí và tử tuất.

Một số chuyên gia cho rằng người lao động không cần biết chính sách được thiết kế như thế nào, sử dụng ra sao, nhưng nếu họ biết được việc tham gia BHXH có lợi cho họ thì họ sẽ kêu gọi nhiều người cùng tham gia mà không cần có sự tuyên truyền của cơ quan nhà nước. Vì vậy, theo các chuyên gia là nên đi vào nhu cầu của người lao động thay vì chỉ hạ mức phí và chia nhỏ thời gian đóng phí.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối