Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

BHYT: Nhiều thay đổi từ 1-8

Minh An-

Tại TPHCM, việc tăng viện phí vào thời gian tới sẽ thay đổi cách chi trả cũng như thay đổi chi phí chi trả cho người bệnh. Bên cạnh đó, những quy định chuyển tuyến giữa các bệnh viện sẽ khó khăn hơn, người bệnh sẽ chi trả nhiều hơn khi vượt tuyến.

Sẽ tăng nhiều đợt

Đó là một trong những thông tin ghi nhận tại buổi giao lưu trực tuyến về vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT) xua tan nỗi lo tăng viện phí giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội TPHCM, Sở Y tế TPHCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 24-7 vừa qua.

Bà Đinh Thị Liễu Trưởng phòng kế hoạch tài chính, Sở Y tế TPHCM, cho biết tại kỳ họp lần thứ 5 khóa IX, HĐND TPHCM đã thông qua tờ trình quy định giá khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.

Theo đó, đối với các cơ sở khám chữa bệnh là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ được thực hiện từ ngày 1-8-2017. Các cơ sở khám chữa bệnh còn lại thực hiện từ ngày 1-10-2017. Mức thu được thực hiện trên 100% khung giá mới của Bộ Y tế theo Thông tư 02.

Mức giá khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán BHYT gồm chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, vật tư, điện, nước, chất thải, duy tu, bảo dưỡng) và tiền lương. Như vậy, kể từ ngày 1-8-2017, giá khám chữa bệnh BHYT và giá khám chữa bệnh không BHYT đã được cộng tiền lương của nhân viên y tế và hai giá này là như nhau.

Việc điều chỉnh giá lần này hướng tới sự bình đẳng về giá không phân biệt giữa giá khám chữa bệnh của người bệnh không có BHYT và người bệnh có BHYT trong cùng một cơ sở khám chữa bệnh. Việc tăng giá viện phí này sẽ thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân và đẩy nhanh quá trình tự chỉ của các cơ sở y tế công lập.

Bà Liễu dẫn chứng, theo quy định, tiền khám bệnh của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM tăng từ 20.000 đồng lên 39.000 đồng. Trường hợp người bệnh chọn khám chữa bệnh theo yêu cầu thì phải đóng theo mức giá niêm yết của bệnh viện. Nếu người bệnh có BHYT thì chỉ đóng mức chênh lệch giữa giá khám chữa bệnh theo yêu cầu và giá BHYT, tức là được trừ đi 39.000 đồng.

Quy định tăng giá khám chữa bệnh không ảnh hưởng đến tiền thuốc. Người bệnh phải trả tiền thuốc theo giá mua vào của bệnh viện (theo kết quả đấu thầu thuốc của bệnh viện).

TS.BS. Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, cũng cho biết sắp tới đây, viện phí sẽ được tính bao gồm lương và phụ cấp của nhân viên y tế. Tính trung bình, mức tăng khoảng 30% so với trước đây. Và do đó, người bệnh cũng sẽ đồng chi trả hơn 30% so với trước đây.

Bà Liễu của Sở Y tế cho biết thêm, đợt tăng viện phí này chưa phải là lần cuối cùng. Theo lộ trình tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh của Chính phủ, năm 2017 sẽ tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương, đến năm 2018 sẽ tính đủ chi phí trực tiếp, tiền lương và cộng thêm chi phí quản lý (chi phí của các bộ phận gián tiếp, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, chi phí khác), đến năm 2020 sẽ cộng thêm chi phí khấu hao.

 benhvienKể từ ngày 1-8-2017, giá khám chữa bệnh BHYT và giá khám chữa bệnh không BHYT đã được cộng tiền lương của nhân viên y tế và hai giá này là như nhau. Ảnh: Hoàng Nhung

Chuyển tuyến sẽ chặt chẽ hơn

Bác sĩ Tuấn cho biết, hiện tại, Bệnh viện Ung Bướu đang quản lý 15.800 bệnh nhân. Mỗi ngày có gần 2.000 lượt bệnh nhân cần siêu âm. Tuy nhiên, bệnh viện chỉ có tám máy siêu âm nên bệnh nhân phải chờ khoảng ba ngày mới được siêu âm. Ngoài ra, để có kết quả siêu âm, bệnh nhân còn phải chờ 3-4 ngày mới có kết quả.

Bác sĩ Tuấn cho biết, bệnh viện đã tìm nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề này, chẳng hạn như thực hiện siêu âm ngoài giờ hành chánh, tăng thêm số máy siêu âm bằng hình thức xã hội hóa... Để rút ngắn thời gian chờ siêu âm, bệnh viện phải động viên các bác sĩ thực hiện siêu âm ngoài giờ hành chánh. Vì thế, bệnh viện phải bồi dưỡng thêm cho các bác sĩ nên phí khám siêu âm ngoài giờ cao hơn.

Việc chọn hình thức siêu âm ngoài giờ hay trong giờ hành chánh là do người bệnh hoàn toàn tự nguyện. Trong thời gian sắp tới, bệnh viện sẽ tăng thêm số máy siêu âm tại khu khám, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao (số 47 Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh). Hy vọng lúc đó sẽ giảm thời gian chờ đợi siêu âm của người bệnh.

Theo quy định, nếu người bệnh bị ung thư thì mỗi năm chỉ cần xin giấy chuyển tuyến một lần, sau đó mỗi lần khám tại Bệnh viện Ung bướu được xem là đúng tuyến. Tuy nhiên, trong trường hợp tuyến ban đầu không đồng ý chuyển bệnh nhân lên mà người bệnh vẫn muốn khám tại Bệnh viện Ung Bướu thì người đó sẽ được hưởng quyền lợi BHYT trái tuyến khi được điều trị nội trú (40% quyền lợi BHYT).

Còn nếu điều trị ngoại trú thì người bệnh sẽ không được hưởng quyền lợi BHYT trái tuyến. Khi đó, người bệnh phải đóng phí như không có BHYT. Mức đóng bao nhiêu tùy thuộc vào các xét nghiệm, kỹ thuật và thuốc được sử dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối