CHÁNH TÀI -
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) có thể sắp giải mã bí ẩn vụ trộm 13 kiệt tác nghệ thuật trị giá 500 triệu đô la Mỹ, được xem là vụ trộm tài sản tư nhân lớn nhất lịch sử, xảy ra cách đây 26 năm, đài Fox News cho biết.
Bức họa The Storm on the Sea of Galilee (Bão tố trên Biển Galilee), một trong 13 kiệt tác nghệ thuật bị lấy trộm. Ảnh: Boston Globe
13 kiệt tác này bị lấy trộm từ Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở thành phố Boston, bang Massachusetts vào năm 1990. Bảo tàng này đã treo giải thưởng 5 triệu đô la cho người cung cấp thông tin giúp tìm ra 13 kiệt tác.
Trong 26 năm qua, FBI đã theo dấu hàng ngàn manh mối trên khắp thế giới nhưng vẫn chưa thể tìm thấy các bức tranh. Ngày 2-5 vừa qua, FBI đã khám xét ngôi nhà của ông Robert Gentile, 80 tuổi ở thị trấn Manchester, hạt Hartford, bang Connecticut (Mỹ) được xem là có liên quan vụ trộm tranh nghệ thuật lớn nhất nước Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên FBI khám xét nhà của Gentile. Trước đây, FBI đã hai lần khám xét nhà này, trong đó có một lần sử dụng radar quét xuyên mặt đất.
Giả cảnh sát để trộm tranh
Vào rạng sáng 18-3-1990, hai tên trộm mặc đồ cảnh sát tiến đến cổng của Bảo tàng Isabella Stewart Gardner. Để được vào bên trong, chúng giả vờ thông báo với nhân viên bảo vệ rằng chúng nhận được tin báo về một vụ gây rối xảy ra tại đây. Khi đã vào được, một tên nói với nhân viên bảo vệ rằng anh ta giống một người đang có lệnh truy nã, rồi yêu cầu anh ta úp mặt vào tường và còng tay. Ít phút sau, nhân viên bảo vệ thứ hai chạy tới và cũng bị còng tay. Chúng đưa các nhân viên bảo vệ xuống tầng hầm của bảo tàng rồi còng tay họ vào các đường ống và lấy băng keo dán mặt, quấn tay chân họ lại. Sau đó, chúng đi lên các phòng trưng bày tranh lấy tất cả 13 tác phẩm nghệ thuật và tẩu thoát.
Trong các kiệt tác bị mất trộm bao gồm bức họa The Storm on the Sea of Galilee (Bão tố trên Biển Galilee) của danh họa người Hà Lan Rembrandt (1606-1669) và bức họa The Concert (Buổi hòa nhạc) của danh họa người Hà Lan Johan Vermeer (1632-1675). Bức họa The Concert được định giá hơn 200 triệu đô la.
Trong cuộc trò chuyện với đài truyền hình Fox News, đặc vụ FBI Geoff Kelly nhận định: “Cách mà bọn trộm lấy các bức tranh: cắt tranh ra khỏi khung, cho thấy đây chỉ là những tên trộm tranh nghiệp dư. Bất cứ ai hiểu biết nghệ thuật đều biết rằng lấy trộm các kiệt tác của các danh họa Hà Lan bằng cách cắt chúng ra khỏi khung sẽ làm hư hại bức tranh”.
Các khung tranh trống vẫn trưng bày tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner sau khi tranh đã bị bọn trộm cắt đi. Ảnh: AP
Hiện nay, khung trống của các bức tranh bị mất trộm vẫn được treo tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner để nhắc nhở mọi người về vụ trộm.
Robert Gentile là ai?
Mặc dù đã nỗ lực điều tra suốt 26 năm qua nhưng FBI vẫn đang đau đầu vì chưa thể vén màn bí ẩn của vụ trộm tranh. FBI cho biết bọn trộm có thể không bị truy tố vì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết. Tuy nhiên, bất kỳ ai cố tình che giấu, di chuyển hoặc bán các bức tranh có thể đối mặt với pháp lý.
Năm 2013, FBI tuyên bố họ đã xác định được danh tính của hai tên trộm nhưng không muốn nêu ra vì đang điều tra. Tháng 8-2015, FBI nói có thể hai tên trộm đã chết nhưng vẫn không công khai danh tính của chúng. Họ tin rằng một số bức tranh đã được buôn bán qua tay qua nhiều tổ chức tội phạm và đã được di chuyển từ Boston đến bang Connecticut và bang Pennsylvania.
Robert Gentile vốn là thành viên kỳ cựu của một băng mafia ở bang Connecticut. Năm 2013, Gentile bị kết án hơn hai năm tù về tội buôn bán ma túy và sở hữu súng đạn trái phép. Gentile cũng đang bị điều tra thêm về tội buôn bán súng trái phép. Robert Gentile không thừa nhận tội và cho rằng FBI đã cố tình gài người mua súng để bắt giữ với ý đồ buộc ông ta tiết lộ thông tin về vụ trộm tranh.
Các quan chức FBI cho biết khi đang bị giam giữ ở nhà tù của bang Rhode Island, Gentile đã tiết lộ với một đặc tình của FBI và một số bạn tù rằng ông ta biết địa điểm cất giấu của vài bức tranh bị lấy trộm ở Bảo tàng Isabella Stewart Gardner. Trong một cuộc nói chuyện với đặc tình của FBI, Gentile được cho là đã thương lượng bán hai trong số những bức tranh này với giá 500.000 đô la Mỹ mỗi bức. Ông ta cũng không vượt qua được bài kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối về vụ trộm bởi kết quả kiểm tra của máy phát hiện nói dối cho thấy mức độ thành thật của Gentile chỉ ở mức 0,1%. Tuy nhiên, Gentile bác bỏ mọi liên quan đến vụ trộm và luật sư của ông ta cũng phản đối bất kỳ cáo buộc nào cho rằng thân chủ của mình có dính líu đến vụ trộm.
Cuộc khám xét rầm rộ
FBI không đưa ra bình luận nào về cuộc khám xét hôm 2-5 nhưng các phóng viên của báo Hartford Courant cho biết có ít nhất 12 nhân viên và quan chức FBI, 15 xe ô tô, hai chó nghiệp vụ cùng ba xe tải chở theo các thiết bị nặng được triển khai đến nhà của Gentile.
Người phát ngôn FBI Kristen Setera cho biết: “FBI đang tiến hành các hoạt động đã được tòa cho phép liên quan đến một vụ điều tra liên bang”. Ông Rome McGuigan, luật sư của Gentile khẳng định thân chủ của mình không biết gì về vụ trộm tranh. Rome McGuigan cho biết khi biết tin FBI lại lục soát nhà của mình, Gentile đã cười và nói: “Họ sẽ không tìm ra thứ gì cả”.
Trong cuộc khám xét nhà của Gentile vào năm 2012, FBI đã tìm thấy bản danh sách viết tay của các bức tranh bị mất trộm kèm với giá trị ước lượng của chúng. Họ cũng tìm thấy một bài báo nói về vụ trộm chấn động này cùng các bộ cảnh phục.