Hải Dương -
Quê tôi là vùng đất “chiêm khê mùa thối”. Người dân quê bảo với nhau cứ quanh quẩn sau lũy tre làng thì chẳng bao giờ khá được. Để đeo giấc mộng đổi đời, nhiều gia đình vay mượn, dồn tiền cho con, em đi xuất khẩu lao động. Thế rồi một câu bị kịch đã xảy ra sau chuyến xuất ngoại của một gia đình trong thôn ở quê tôi.
Lần này về quê ăn tết, tôi được nghe câu chuyện về gia cảnh một bà lão trong thôn đang sống cùng đứa cháu gái. Bà lão năm nay đã 75 tuổi, cái độ mà các cụ vẫn bảo “gần đất xa trời rồi”. Bà có được ba người con, vì quê nghèo, khó làm ăn nên hai người con gái lớn nhiều năm trước đã tha hương vào Nam kiếm sống, lấy chồng luôn ở trong đó. Bà lão ở với vợ chồng anh con trai út.
Gia đình vốn nghèo, cả hai vợ chồng anh út cũng không có bằng cấp, học vấn gì. Nếu cứ ở quê mãi sẽ chẳng bao giờ khá được, thế là mọi người bàn tính cho cô con dâu đi xuất khẩu lao động sang Malaysia. Bà bảo chỉ dám cho nó đi Malaysia thôi, chứ Nhật hay Hàn Quốc thì kinh phí cao lắm, tìm tiền đâu ra!
Để cho con dâu được đi, bà lão đã phải đi thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng, thiếu một ít thì cố chạy vạy nhờ cậy họ hàng. Vợ chồng trẻ mà xa nhau cũng tội lắm, lúc người mẹ đi ra nước ngoài, cô con gái mới gần 4 tuổi. Nhưng nghĩ đến gia cảnh nghèo, rồi tương lai của đứa cháu nên bà lão cũng chỉ còn biết động viên con dâu lên đường.
Thế rồi, các cụ bảo “xa mặt cách lòng”, những cú điện thoại về hỏi thăm chồng, con của cô con dâu ngày càng thưa dần. Sau hơn một năm ở xứ người, chị ta đột ngột về nước, rồi đưa ra tờ giấy ly hôn. Chẳng ai khuyên ngăn được, cuộc ly hôn cuối cùng cũng diễn ra trong nước mắt của người mẹ già và đứa con thơ. Chính bà cũng chẳng biết đầu đuôi, căn nguyên vì sao nên chỉ biết khóc khi mọi người đến hỏi. Rồi ở thôn bắt đầu đồn đoán rằng chị ta có quen một người đàn ông mới bên Malaysia.
Những ngày ở quê lo thủ tục ly hôn, chị ta không dám đi đâu, vì cứ ló mặt ra khỏi cổng là bị người làng nhìn với ánh mắt khinh rẻ. Bất chấp điều tiếng, sau khi hoàn thành thủ tục, chị ta vội khăn gói ra đi. Lần này là biệt tích luôn, bỏ cả đứa con thơ cho chồng. Vợ bỏ đi, anh chồng cũng đâm ra chán nản, lao vào rượu chè. Số tiền vay ngân hàng mới chỉ trả được có phân nửa sau mấy lần chị vợ gửi về trong năm đầu đi xuất khẩu. Cực chẳng đã, anh con trai út cũng bảo mẹ để vào Tây Nguyên làm thuê tại vườn cà phê. Thế là cô cháu gái của bà lão khi ấy mới bước vào lớp 1 đã chẳng còn bố mẹ bên cạnh dù họ vẫn đang sống sờ sờ. Thấy hoàn cảnh vậy, hàng xóm, láng giềng kéo đến chơi, động viên hai bà cháu. Từ ngày bố mẹ bỏ đi, cô bé thường ngồi khóc một mình, bà lão nhìn thấy vậy lại chảy nước mắt. Những đêm đông rét mướt, hai bà cháu chỉ còn ôm nhau trong tiếng nấc không nên lời ở căn nhà lụp sụp sau lũy tre làng.
Mấy năm nay, người mẹ mất tăm không sủi bọt, còn cậu con trai thì thỉnh thoảng gửi về cho mẹ và con gái được đôi đồng quà, tấm bánh. Hai người con lớn của bà đã tha hương cầu thực nhiều năm nhưng chỉ đủ sống và phụ thuộc nhà chồng nên chẳng thể đón mẹ tới sống cùng.
Thỉnh thoảng hai chị lại gọi điện chửi bới cậu em trai ngu dại của mình. Bà và cháu gái chẳng biết đi đâu, đành sống lại quê nghèo rau cháo qua ngày. Năm vừa rồi, cậu con trai gọi điện về cho mẹ báo đã lấy một người đàn bà khác. Người đàn bà ấy cũng đã có một đời chồng, hơn tuổi anh ta. Họ đến sống với nhau chứ cũng chẳng lễ hỏi, cưới xin gì. Nghe tin mà lòng bà lão đau. Bà càng thương đứa cháu thơ dại của mình. Bà biết nó sẽ khó sống với bố cùng người đàn bà xa lạ kia. Chẳng còn biết làm sao, bà lão lại nuốt nỗi đau vào lòng, vò võ nuôi đứa cháu thơ dại.
Ở cái tuổi mà người khác được nghỉ ngơi, vui đùa hạnh phúc bên con cháu thì bà lão vẫn phải sớm hôm ra ruộng trồng cây rau, cặm cụi nuôi con gà để phòng lúc ốm đau có cái bán đi mua thuốc. Những lúc hàng xóm sang chơi, nhìn thấy bữa ăn chỉ có mỗi nồi cơm trắng với bát canh rau của hai bà cháu mà ai cũng nghẹn lòng.