Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Bí kíp cắm trại an toàn trong mùa mưa

(SGTT) - Thời gian gần đây, hình thức du lịch cắm trại ngày càng được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên, để có chuyến đi trọn vẹn, đặc biệt trong mùa mưa, bão bất chợt... du khách cần có kinh nghiệm để xử lý những tình huống phát sinh.

Dưới đây là chia sẻ của du khách Võ Công Danh, kể về hành trình cắm trại đáng nhớ tại hồ Suối Rao, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và một số kinh nghiệm khi du khách cắm trại trong mùa mưa, bão.

Hồ Suối Rao, địa điểm cắm trại hấp dẫn gần Sài Gòn

Gần một năm sau Covid-19, gia đình anh Võ Công Danh, quận 6, TPHCM bắt đầu trở lại sở thích đi dã ngoại ở những nơi mới lạ, yên tĩnh gần thành phố, chủ yếu gần sông hồ phẳng lặng và có thể câu cá làm bữa ăn.

Anh Danh gọi đây là cắm trại "bụi" vì những nơi anh cắm trại thật sự yên tĩnh, có khi xung quanh không có ai khác trừ gia đình ba người của anh.

Với hình thức cắm trại "bụi", người trải nghiệm chỉ cần chuẩn bị những vật dụng tối thiểu cho chuyến đi như đèn pin, thuốc xịt chống côn trùng, quần áo dài... còn lại phải tự lực cánh sinh, ứng biến tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của bãi cắm trại, thường là những nơi hoang vu, ít hoặc không có người ở, vì thế đòi hỏi người tham gia phải có kinh nghiệm cắm trại, tự vệ và tâm lý vững vàng.

Với những du khách lần đầu đi cắm trại, hình thức này thật sự là một thách thức lớn khi tìm cách hòa nhập với thiên nhiên.

Địa điểm gia đình anh Danh chọn là hồ Suối Rao, cách trung tâm huyện 17km về phía Đông Nam, giáp ranh huyện Xuyên Mộc, từ đây ra biển Hồ Tràm khoảng 22km. Đây cũng là tên của một xã thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bãi cắm là một khu vực hồ thoáng mát vì gió thổi nhè nhẹ cả ngày, đan xen là tiếng chim kêu. Du khách có thể mang theo SUP để chèo thư giãn vào buổi sáng hoặc buổi chiều khi không còn ánh nắng gắt.

Lần này, gia đình anh Danh chọn Suối Rao để dừng chân hạ trại. Ảnh: Công Danh

Một buổi chiều mát mẻ. Sau khi dựng lều xong, vợ anh đi câu cá để chuẩn bị bữa tối cho cả nhà.

Bí kíp cắm trại an toàn trong mùa mưa

Buổi tối 16 Âm lịch, sau rằm Trung thu đáng lý sẽ có trăng tròn, nhưng thay vào đó là bầu trời đầy mây đen và những cơn mưa liên tiếp. Trong cái rủi có cái may, anh Danh dùng luôn tấm tăng che lều hứng nước mưa và có ngay một nguồn nước sạch để tắm rửa và sinh hoạt.

Một buổi chiều mát mẻ, sau khi dựng lều xong, vợ anh đi câu cá để chuẩn bị bữa tối cho cả nhà. Sau cơn mưa, củi ướt hết, hai vợ chồng vẫn cố gắng nhóm được một bếp than để nướng đồ ăn tối. Quá trình nhóm lửa mất khoảng 15 phút. Ảnh: Công Danh

Ăn tối vừa xong thì trời mưa tiếp, tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái lều rất dễ chịu, khiến cả ba dễ ngủ hơn.

Sáng hôm sau định là dậy sớm chụp bình minh, tuy vậy mây kéo đến đen kín cả một góc trời. Tranh thủ lúc trời mát anh chèo SUP một vòng quanh hồ khám phá các chỗ câu cá, các resort xung quanh hồ.

"Hồ Suối Rao không quá rộng nhưng có nhiều cá, rất thích hợp cho việc chèo SUP và câu cá, đậm chất giải trí cuối tuần", anh Danh nói.

Như mọi hồ khác, đến 8:00 sáng khu vực hồ nóng bức nếu không có tăng che. Anh dọn dẹp lều trại và tìm chỗ giăng võng trong vườn cây gần đó để có thể ngắm mặt hồ phẳng lặng, trên đầu có cây che không cần phải mắc tăng bạt. Khách có thể nghe nhạc xong và ngủ một giấc đến chiều hoặc đi câu cá và dạo quanh hồ.

Với kinh nghiệm cắm trại mùa mưa của mình, anh chia sẻ, hiện nay các loại lều trên thị trường đều có tính năng chống nước rất tốt, trừ những loại lều giá siêu rẻ thì không có tính năng này. Chỉ số chống nước của lều là PU, với tầm giá trên 1 triệu đồng thì vải lều thường có chỉ số là PU2000, có thể chịu được mưa lớn.

Nếu các du khách muốn lều chống nước tốt hãy chọn loại lều có lớp vải bên ngoài có chỉ số PU từ 2000 trở lên, lớp vải đáy có PU trên 4000 (vì đây là nơi mình cọ sát nhiều, sẽ cần chỉ số chống thấm cao hơn). Những loại lều chống nước bên trong mỗi đường may đều có ép keo chống nước, nếu lều không có đường keo này thì khi trời mưa nước sẽ thấm ngược vào lều qua các đường chỉ may.

Khi dựng lều trong thời tiết mưa gió, người cắm trại chú ý là không được dựng lều dưới gốc cây đơn độc (dạng như cây cô đơn) hoặc những cây to để đề phòng sét đánh và gió giật cành cây ngã xuống lều. Tuy nhiên cũng không nên dựng lều giữa nơi quá trống trải, tùy theo địa hình nơi cắm trại mà du khách chọn chỗ khuất gió, nơi có bụi cây nhỏ che chắn là tối ưu nhất.

"Những loại lều tự dựng sẽ có khung và kết cấu chống gió tốt hơn các loại lều tự bung, các loại lều tự bung giá rẻ dễ dàng bị gió mạnh thổi bay hoặc bẻ gãy khung. Hiện nay các loại lều tự bung cao cấp đã hoàn thiện phần khung cứng cáp hơn, tuy nhiên mình vẫn khuyên du khách nên dùng lều tự dựng khi đi cắm trại trong những tháng mùa mưa", anh Danh nói.

Dù là lều tự bung hay lều tự dựng thì việc ghim cọc chống gió đều rất cần thiết, cho dù lúc đó không phải là khi trời mưa gió. Mỗi loại lều sẽ có số lượng neo chống gió khác nhau, điểm chung là dùng ghim chặt phần thân lều xuống đất để chống gió giật thổi bay lều.

Sau một ngày thư giãn thoải mái tại đây, hai vợ chồng anh về lại Sài Gòn với thành quả là hơn 2kg cá trôi, cá chốt.

"Khác hẳn với cắm trại theo tour có trang bị đầy đủ, du khách sẽ vất vả hơn nhưng bù lại sẽ có những trải nghiệm rất đáng nhớ", anh Danh bộc bạch.

Thanh Thu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối