Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Bí quyết bán hàng vào thị trường Nhật Bản

Thị trường Nhật Bản luôn mở rộng cửa với các mặt hàng nhập khẩu Việt Nam nếu đáp ứng các tiêu chuẩn được xem là khó tính nhất nhì thế giới. Đây là trọng tâm của buổi tọa đàm "Bán hàng vào thị trường Nhật Bản" do Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Câu lạc bộ Hỗ trợ Khởi nghiệp Saigon Times, Câu lạc bộ Thị trường phối hợp cùng Công ty ChatWork tổ chức tại TPHCM vào tuần rồi.

Ông Yuichiro Shiotani (đứng), Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam, đề xuất các doanh nghiệp có thể hợp tác với Tập đoàn AEON Việt Nam để làm quen với các tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản. Ảnh: Thành Hoa.

Thị trường khó tính

Bà Trần Thị Phương Dung, Giám đốc bán hàng của công ty TNHH Herbal Nutrition Care ATD, cho hay dù biết người Nhật chuộng sản phẩm đông trùng hạ thảo để bồi bổ sức khỏe và dùng như một sản phẩm bổ sung để chống ung thư nhưng công ty còn mù mờ tìm kiếm đối tác. Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ ý kiến tương tự như bà Dung tại buổi tọa đàm.

Các diễn giả cho biết thị trường Nhật Bản đang cần rất nhiều sản phẩm nhập khẩu như bao bì thủ công, hàng nông thủy sản chất lượng cao cho đến linh kiện máy móc nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa xâm nhập được thị trường Nhật. Theo ông Dương Hoàng Anh Nguyên, Phó chủ tịch Phát triển thị trường, Khối tiếp thị của ChatWork, nguyên nhân là vì doanh nghiệp muốn đưa hàng vào Nhật phải hiểu được văn hóa, ngôn ngữ và các tiêu chuẩn của họ.

Theo ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam, thị trường Nhật Bản không đòi hỏi các tiêu chuẩn quốc tế cho các mặt hàng mình nhập về nhưng tiêu chuẩn riêng của thị trường này được xem là còn khó hơn. Tuy nhiên, có một số tiêu chuẩn thường thấy là chất lượng hàng đồng đều và giá cả hợp lý. Và nếu doanh nghiệp sản xuất không bảo đảm được an toàn cho sức khỏe người dùng và môi trường hoặc sử dụng lao động chưa đủ tuổi hoặc nợ lương nhân công sẽ bị gạt ra ngoài ngay.

Ông Shiotani cho hay nếu các doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa hàng vào Nhật Bản mà vẫn chưa thông thuộc về các quy trình tuân thủ tiêu chuẩn thì có thể hợp tác với Tập đoàn AEON Việt Nam vì hiện tại hàng mua vào tập đoàn này trên toàn cầu đều dựa vào tiêu chuẩn của thị trường Nhật. Hiện nay, tổng số lượng khách hàng trên 21.113 cửa hàng của tập đoàn trên toàn cầu là 1,2 tỉ và doanh thu của tập đoàn là 72,66 tỉ Mỹ đô la. AEON hiện tập trung vào ba nhóm sản phẩm chính là may mặc, thực phẩm, gia dụng để tham gia vào việc đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Nhật đạt 500 triệu đô la đến năm 2020 và 1 tỉ đô la đến năm 2025 như biên bản ký kết giữa giữa hai nước vào tháng 10 vừa rồi.

Tuân thủ tiêu chuẩn

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) và Chủ tịch danh dự Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận định nông sản Việt chứa rất nhiều dư lượng thuốc trừ sâu và hóa chất làm cho thị trường Nhật Bản e ngại.

Ví dụ, doanh nghiệp nông sản đã có giấy chứng nhận VietGap nhưng lại không tuân thủ theo quy trình nuôi trồng tiêu chuẩn, giấy chứng nhận chỉ để ký hợp đồng đối với đối tác Nhật. Trong khi đó, đối tác Nhật có thể kiểm tra toàn bộ lô hàng nhập khẩu nếu nghi ngờ về chất lượng lô hàng chứ không chỉ kiểm tra ngẫu nhiên. Họ sẽ từ chối ngay nếu chất lượng hàng trong hợp đồng và thực tế có sự khác biệt dù chỉ là chút ít. Bà Minh cũng cho biết trước đây đã có hợp tác xã lỗ 5-6 tỉ đồng vì bị doanh nghiệp Nhật trả lại hàng.

Theo ông Shiotani, doanh nghiệp Việt Nam nên xây dựng lộ trình đưa hàng vào Nhật thông qua bước thử đầu tiên là AEON, tiếp sau đó là vươn tới khu vực Đông Nam Á rồi vào thị trường Nhật Bản. Ông Shiotani cho rằng nếu sản phẩm của họ không thể thu hút được thị trường Nhật Bản bằng chất lượng thì nên cạnh tranh bằng giá. Các doanh nghiệp trong nước có thể liên kết vận chuyển hàng sang Nhật để giảm chi phí.

Chất lượng và chữ tín

Ông Nguyễn Mạnh Việt, Giám đốc điều hành Công ty Fosllea, cho rằng nếu các doanh nghiệp Việt Nam chưa tự tin sản phẩm của mình có phù hợp với thị trường Nhật Bản không hoặc chưa tìm được đối tác phân phối thì có thể tìm đến các công ty môi giới để được tư vấn. Điều này giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian chuẩn bị cho việc đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường Nhật và đưa ra các phương án tiếp cận thị trường khả thi hơn. Hoặc họ có thể tham gia vào cộng đồng ChatWork để kết nối với các doanh nghiệp Nhật cũng như với các doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công sang Nhật để trao đổi thông tin.

Theo bà Minh, thị trường Nhật Bản là một thị trường tiềm năng, các tiêu chuẩn của họ tưởng như khó khăn nhưng khi doanh nghiệp đáp ứng được thì có thể xuất hàng của mình đi khắp thế giới. Các đối tác Nhật rất khó tính nhưng họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ nếu doanh nghiệp Việt Nam có thiện chí trong việc cải tiến chất lượng. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt nên chú trọng việc xây dựng niềm tin từ đối tác thông qua việc bảo đảm chất lượng sản phẩm của mình cũng như làm ăn minh bạch.

Ông Nguyễn Mạnh Việt, Giám đốc điều hành Công ty Fosllea, chia sẻ câu chuyện về một doanh nghiệp làm bao bì thủ công muốn xuất hàng sang Nhật Bản. Đối tác Nhật không đòi hỏi giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm nhưng từ chối hợp tác ngay khi chứng kiến phân xưởng sản xuất của doanh nghiệp Việt này kém vệ sinh, công nhân lao động không có đồng phục và phân xưởng nhiều côn trùng. Theo ông Việt, chỉ cần doanh nghiệp này chịu đầu tư số tiền nhỏ là có thể đảm bảo điều kiện về vệ sinh như trang bị găng tay và nón cho công nhân, các sản phẩm không nên chế biến dưới nền đất, đồng thời có biện pháp diệt ruồi muỗi.

Mỹ Huyền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối