Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Bí quyết du lịch an toàn mùa dịch từ chàng trai mê dịch chuyển

(SGTTO) - Thời gian gần đây, anh Phan Tuấn ở Bình Dương - một người đam mê xê dịch và khởi xướng một số chuyến đi nhặt rác ở điểm đến - vẫn giữ thói quen mỗi tuần đều đi du lịch. Tuy dịch bệnh Covid-19 hiện đã được kiểm soát nhưng không vì thế mà anh lơ là, không chú ý các biện pháp phòng ngừa.

Là người trekking và đi cắm trại chuyên nghiệp, anh Phan Tuấn có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn địa điểm cắm trại hay trekking an toàn cũng như cách tự bảo vệ mình. Sài Gòn Tiếp Thị đã có dịp trao đổi với anh về giải pháp du lịch tốt nhất trong thời điểm dịch bệnh chỉ vừa mới được kiểm soát.

Sài Gòn Tiếp Thị: Dạo gần đây, anh có còn giữ thói quen đi du lịch không?

- Anh Phan Tuấn: Hai tháng nay, tôi đi khá nhiều nơi như Hồ Cốc (Vũng Tàu), hồ Trị An (Đồng Nai), hồ Dầu Tiếng (Bình Dương), biển Tân Thành (Tiền Giang) và trekking núi Bà Đen, núi Chứa Chan. Mới đây nhất là chuyến đi du lịch ở Đà Lạt trong vòng một ngày. Thông thường, các chuyến đi của tôi là vào ngày cuối tuần.

Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng anh có lo lắng cho sức khỏe của bản thân khi đi du lịch không?

- Nói về dịch bệnh thì ai cũng lo sợ không chỉ riêng tôi. Mặc dù đi nhiều trong thời gian này nhưng tôi vẫn theo dõi tình hình dịch bệnh và không hề lơ là các vấn đề liên quan đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu cẩn thận và tuân thủ đúng các biện pháp phòng chống dịch bệnh như Bộ Y tế đã khuyến cáo thì mọi người có thể yên tâm.

Theo kinh nghiệm của anh, làm thế nào để có chuyến du lịch như ý mà vẫn an toàn?

- Đầu tiên là chọn điểm đến an toàn. Thông thường, những nơi tôi chọn để đi cắm trại hay đi trekking có rất ít khách du lịch. Nếu có thì chủ yếu là những người đam mê xê dịch như tôi thôi. Điều quan trọng là tôi có thói quen kiểm tra trước nhưng nơi tôi sắp đến. Tìm thông tin xem nơi đó có an toàn không, có đông người lui tới không rồi tôi mới quyết định đi.

Loại hình cắm trại khác với đi du lịch thông thường. Người đi du lịch thường chọn nơi náo nhiệt, vui vẻ, ồn ào. Còn đi cắm trại là để trải nghiệm với thiên nhiên, thư giãn sau một tuần làm việc mệt nhọc. Do đó, một nơi ít người sẽ là lựa chọn đầu tiên của tôi, vừa thích hợp cho việc cắm trại vừa hạn chế tiếp xúc với nhiều người lạ.

Điều thứ hai cần lưu ý là nên giữ khoảng cách an toàn. Tôi hay đi du lịch theo kiểu độc hành nên cũng không lo. Cũng có lúc đi chung với 1-2 người bạn để đến những điểm trekking khó đi, hiểm trở. Họ là những người ở gần nơi tôi sinh sống và làm việc nên cũng hiểu rõ về tình hình sức khỏe của nhau.

Khi tôi và các bạn cùng nhau đi cắm trại hay trekking, mỗi người đi một xe và mỗi người ở một lều. Hơn nữa, mỗi người có một sở thích trải nghiệm khác nhau. Dù đi chung nhưng mỗi lều cách nhau khá xa nên nguy cơ lây nhiễm bệnh cũng rất thấp.

Chuyến đi gần đây nhất là đi Đà Lạt trong ngày. Tại đây, tôi di chuyển cũng khá nhiều nơi. Mọi người ở Đà Lạt đều đeo khẩu trang kín. Khi bắt xe khách, trên xe mỗi người một giường, có miếng vải ngăn cách từng ghế. Tôi thuê xe máy di chuyển ở Đà Lạt nên cũng yên tâm. Vì đi trong ngày nên mọi thứ đều đơn giản.

Các chuyến đi trekking của anh luôn gắn với một hoạt động cộng đồng có ý nghĩa. Dịch bệnh có ảnh hưởng gì đến hoạt động của anh không?

- Gần đây tôi hay tổ chức hoặc cùng tham gia các chuyến đi vừa trekking vừa nhặt rác bảo vệ môi trường.

Do dịch bệnh chuyển biến phức tạp và thời tiết xấu, mưa nhiều nên vừa rồi mọi người phải tạm ngưng tất cả các hoạt động vì môi trường. Nhưng sắp tới đây, vào ngày 10-10, tôi và nhóm bạn sẽ có một buổi họp mặt tại núi Chứa Chan, Đồng Nai dành cho các bạn yêu loại hình cắm trại - trekking, mê du lịch, đặt biệt là yêu môi trường. Tôi rất vui vì có rất nhiều người quan tâm đến môi trường đã hưởng ứng tham gia nhiệt tình.

Hiện tại, Việt Nam đã có thể kiểm soát được dịch bệnh nhưng không vì thế mà mọi người lơ là, không cảnh giác. Hoạt động lần này diễn ra trên núi nên mức độ phát sinh dịch bệnh cũng rất thấp. Đặc biệt, mọi người luôn có ý thức về phòng chống dịch bệnh. Những anh chị ở xa không đi được cũng gửi dụng cụ bảo hộ như bao tay, khẩu trang để cho chúng tôi thực hiện kế hoạch. Dù nguy cơ nhiễm bệnh không cao nhưng chúng tôi vẫn phát cho mọi người tham gia khẩu trang đầy đủ để giảm tối thiểu nguy cơ lây lan.

Anh Phan Tuấn sinh năm 1994, quê ở Kiên Giang, lập nghiệp ở Bình Dương được 12 năm. Đến tháng 3-2020, anh bắt đầu đam mê lĩnh vực du lịch cắm trại và trekking. Anh là thành viên tích cực của nhiều hội nhóm du lịch. Cộng đồng mê xê dịch biết đến anh không chỉ vì các bài viết về du lịch hữu ích mà còn thích thú với bộ đồ nghề cắm trại chuyên nghiệp của anh. Anh còn được tín nhiệm do thường xuyên vận động mọi người tham gia trekking nhặt rác cùng mình. Các chuyến đi của anh thường xuyên bị hoãn do dịch bệnh, nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát anh lại tiếp tục niềm đam mê. Hành trang mà anh luôn mang theo bên mình có khẩu trang, nước rửa tay và luôn uống nước cam để tăng cường sức khỏe. Đó là lý do mọi người luôn nhìn thấy hình ảnh ly nước cam trong những bức ảnh du lịch của anh.

Quỳnh Châu ghi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối