Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Bí quyết phòng ngừa đột quỵ, làm ngay trước khi quá trễ

(SGTTO) - Phòng ngừa đột quỵ là một quá trình lâu dài, cần sự kiên trì để điều chỉnh, kiểm tra, kiểm soát chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện, lối sống, dùng thuốc và theo dõi sức khỏe.

Quá trình phòng ngừa đột quỵ được áp dụng cho những người đã từng bị đột quỵ, có nguy cơ sẽ bị đột quỵ và cho những người còn khỏe mạnh nhưng muốn phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Chế độ ăn phòng ngừa đột quỵ

Để phòng ngừa đột quỵ, cần thiết lập chế độ ăn để phòng ngừa hoặc ổn định bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, kiểm soát cân nặng…

Hãy tăng cường các loại ngũ cốc nguyên cám, nguyên vỏ, nguyên hạt.

Hạn chế ăn các loại bánh ngọt, bánh kem, kẹo ngọt.

Thực hiện chế độ ăn giảm chất béo no: Ăn ít thịt mỡ, dầu chiên xào, kem, bơ, phô mai, magarine… hay các loại thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ.

Tăng cường các loại chất béo không no: Các loại hạt hướng dương, hạt óc chó, hạt lanh, hạt chia, hạt điều… Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ, cá mòi… Các loại tảo biển.

Nên ăn cá nhiều hơn ăn thịt

Lưu ý rằng nên tăng cường ăn cá và các loại đậu hạt nhiều hơn ăn thịt.

Ăn đa dạng các loại rau quả nhiều màu sắc khác nhau, trên 300g mỗi ngày.

Quan trọng nhất là hạn chế thực phẩm muối (dưa muối, cà muối…), thực phẩm khô (cá khô, thịt khô…), thực phẩm đóng hộp (cá hộp, thịt hộp…). Hạn chế nêm muối vào thực phẩm, hay chấm thực phẩm với muối và hạn chế ăn vặt.

Chế độ ăn giảm muối

Uống nhiều nước

Tối thiểu hai lít nước mỗi ngày, đặc biệt uống nhiều hơn khi trời nóng và khi vận động toát mồ hôi nhiều. Chỉ hạn chế nước khi bị suy thận và có tình trạng ứ nước cơ thể theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Hạn chế uống các loại nước ngọt, thức uống chứa cồn.

Chú ý nghỉ ngơi nhiều

Cần nghỉ ngơi ít nhất 15 phút cho mỗi hai tiếng làm việc. Thời gian ngủ trưa ít nhất 30 phút và ngủ tối ít nhất 6 tiếng mỗi ngày. Đi ngủ sớm trước 24 giờ và dậy sớm từ 5 giờ. Những con số thời gian này chỉ là tương đối và khác nhau tùy mỗi người, miễn sao cho cơ thể cảm thấy ngủ đủ giấc và khỏe mạnh là được.

Những người hay thức khuya làm việc, không nghỉ ngơi, thiếu ngủ rất dễ bị đột quỵ. Do đó hãy lưu ý vấn đề nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc

Cần kết hợp với tập luyện

Nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, tương đương với 3,5 tiếng/tuần.
Tập cường độ từ nhẹ đến nặng, động tác từ chậm đến nhanh, thời gian tập từ ít đến nhiều.
Cần có sự theo dõi các chỉ số cơ thể để thấy sự tiến bộ cũng như sai lầm trong tập luyện, ăn uống để có kế hoạch tập luyện phù hợp hơn.
Nên có sự hướng dẫn tập luyện bởi huấn luyện viên để việc tập luyện có hiệu quả.

Đừng xem nhẹ lối sống

Ít ai để ý đến lối sống của mình như thế nào và thường xem nhẹ vấn đề này. Hãy xây dựng một lối sống lành mạnh, năng động thay vì ù lì, lề mề, thụ động. Có thể luyện bằng cách tăng cường vận động thể lực như đi bộ, lên cầu thang, chạy bộ...
Với người có sức khỏe không tốt, có bệnh lý hay đã từng bị đột quỵ, hạn chế sử dụng phương tiện di chuyển như thang máy, xe gắn máy, xe hơi.
Không nên đứng lâu, ngồi lâu. Đây là thói quen phổ biến của dân văn phòng. Nên có các bài tập vận động nhẹ giữa giờ trong thời gian làm việc.

Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Tuyệt đối không bỏ cữ, không uống dồn thuốc khi quên uống, không tự ý mua thuốc uống hoặc mua theo toa cũ.

Những bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, thiếu máu cơ tim, gút cần được uống thuốc đều đặn để kiểm soát bệnh lý tốt, tránh các nguy cơ biến chứng cũng như bệnh đột quỵ xảy ra.

Theo dõi và kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ

Việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ rất quan trọng, giúp phát hiện sớm những bất thường và bệnh lý ở giai đoạn sớm, nhờ vậy mà việc điều trị sẽ dễ dàng hơn, ít tốn chi phí, và hiệu quả hơn.
Việc phát hiện sớm và điều trị tích cực các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ sẽ góp phần hạn chế và phòng ngừa đột quỵ xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Văn Anh

Cố vấn chuyên môn của Dịch vụ bác sĩ gia đình HomeDoctors

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối