Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Bìa sách ngày càng lấn hồn sách

CHÍNH PHONG -

Đừng bao giờ phán xét cuốn sách qua cái bìa, các nhà văn hóa hay nói câu này. Nhưng người mua sách thì luôn làm như vậy. Sách cũng như bao món hàng khác, bao bì bắt mắt dễ thao túng quyết định mua hàng hơn.

Công ty Jellybooks ở Mỹ chuyên phân tích thói quen của độc giả từng làm nhiều cuộc thực nghiệm về bìa sách đã chứng minh rằng những bìa sách đẹp tự nhiên thu hút được sự quan tâm của độc giả hơn. Với cùng một cuốn sách, họ cho in hai bìa sách, trộn lẫn với các cuốn sách khác trong hai gian phòng khác nhau, đưa độc giả vào xem và ghi hình lại. Kết quả là bìa sách được họ đầu tư công phu hơn, kỳ vọng thành công hơn được nhiều độc giả nhặt lên xem hơn.

Sach-1 Các học sinh được các nhà xuất bản khuyến khích đọc sách đã xuất bản và tự vẽ bìa sách tại một hội sách ở quận 1, TPHCM. Ảnh: Hồng Văn

Bìa sách chiếm bao nhiêu phần trăm tỷ lệ thành công của một cuốn sách? “Cả nước ngoài và Việt Nam chưa ai trả lời được câu hỏi này, nhưng có thể thấy rõ khoảng 4-5 năm trở lại đây, các nhà xuất bản, nhà sách đều rất chú trọng đến bìa sách để nâng cao tính cạnh tranh”, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ nhận xét.

Bà Hà Thảo, công tác tại phòng thiết kế chế bản Phương Nam Book cho rằng, dòng sách ngôn tình tràn vào Việt Nam với những bìa sách bắt mắt tạo ra cơn sốt trong độc giả trẻ đã kích thích các nhà sách đầu tư hơn vào bìa sách. Nguyên nhân khác là trước đây, độc giả có xu hướng lựa chọn sách theo danh tiếng của tác giả thì nay, quá nhiều tác giả mới xuất hiện, quá nhiều đầu sách ra thị trường, độc giả trẻ ngả dần sang xu hướng thị giác khi chọn sách. Kể cả các tiểu thuyết kinh điển khi cho ra tái bản cũng được “khoác áo mới” để phù hợp với thời thế.

Từ năm 1990 trở về trước, bìa sách chủ yếu do các họa sĩ chuyên nghiệp vẽ với đường nét không cầu kỳ. Sau đó, trào lưu dùng ảnh chụp làm bìa sách lên ngôi với các tên tuổi ảnh lịch như Lý Hùng, Diễm Hương và các cuốn sách của các tiểu thuyết gia Mỹ ăn khách như Sydney Sheldon, Danielle Steel. Gần đây, trào lưu chủ đạo là vẽ bìa tay kết hợp với thiết kế đồ họa. “Nếu bìa cần tranh hay hình ảnh thì họa sĩ vẽ thành tranh bằng tay hoặc bằng bút trên máy vi tính, sau đó chuyển cho người thiết kế đồ họa làm hoàn chỉnh bìa. Đó là dạng bìa cần tranh vẽ. Nếu bìa không cần tranh của họa sĩ thì người thiết kế đồ họa thực hiện từ A tới Z”, bà Hà Thảo cho biết.

[box] Bìa sách giá 50.000 đồng

Trên sàn giao dịch việc làm đồng giá 50.000 đồng tại trang web toise.net, có những người chuyên thiết kế đồ họa có thể thiết kế bìa sách cho bạn với giá chỉ 50.000 đồng. Một quảng cáo trên trang này ghi: “Mình là H., thành thạo Photoshop, Illustrator, nghiện đọc sách và thích làm bìa sách, có khả năng vẽ Photoshop và thiết kế Typography, lương theo sản phẩm là 50.000 đồng cho một thiết kế đạt chuẩn theo yêu cầu bạn đưa ra, có khả năng giao thiết kế trong vòng 24 giờ và chỉnh sửa theo ý muốn của khách, tư vấn nếu khách hàng cần lời khuyên”.[/box]

Bìa sách được coi trọng tạo ra một lớp họa sĩ trẻ chuyên vẽ bìa sách. Một số người như Khánh Trần hay Thái Mỹ Phương bỏ nghề được đào tạo của họ là thiết kế nội thất để theo đuổi nghiệp này. Họa sĩ Kim Duẩn có thể coi là người hoạt động khá năng suất, mỗi tháng cho ra chừng hơn 10 bìa cho các nhà sách, đủ mọi thể loại, từ truyện thiếu nhi đến văn chương. Công việc chính của Kim Duẩn là phụ trách mỹ thuật báo Hoa Học Trò, anh cho biết anh không dám nhận nhiều đơn đặt vẽ vì làm quá nhiều sẽ cạn kiệt ý tưởng và chai lỳ cảm xúc, anh cũng không lập nhóm hay xưởng vẽ để nhận đơn hàng vì anh cho rằng mỗi bìa sách ký tên anh phải là tác phẩm mỹ thuật mang phong cách của mình.

Khung giá vẽ bìa hiện dao động từ thấp nhất 500.000 đồng đến cao nhất 5 triệu đồng. Các nhà xuất bản quốc doanh trả thù lao thấp, và họ cũng không có nhiều nhu cầu về phong cách vẽ bìa nhưng với uy tín lâu năm, họ vẫn mời được các họa sĩ gạo cội. Các nhà sách tư nhân trau chuốt hơn trong việc chọn họa sĩ thực hiện, sách thể loại nào thì phải có họa sĩ thể lọai ấy mới hay. Bà Hà Thảo cho biết, mức thù lao trung bình cho một tranh vẽ bìa là khoảng 1,5 triệu đồng. Phương Nam Book mỗi năm cho ra 300-400 đầu sách, phòng thiết kế chế bản của họ có 5 người làm thiết kế đồ họa và hơn 20 họa sĩ cộng tác viên.

[box type="download"] Vắng các cuộc thi thiết kế bìa sách

Hàng năm, Giải thưởng sách Việt Nam do Hội xuất bản Việt Nam tổ chức vẫn có những giải thưởng dành cho bìa sách. Nhưng những cuộc thi thiết kế bìa sách đang vắng bóng. Trước đây Câu lạc bộ Những người nghiện sách (Bookaholic Club) vẫn tổ chức cuộc thi thiết kế bìa sách dành cho giới trẻ hàng năm Beyond The Cover với sự tham gia dự thi của hàng trăm bạn trên cả nước. Nhưng sau lần thứ 5 vào năm 2014, cuộc thi này chưa được tổ chức trở lại.[/box]

Giữa họa sĩ vẽ bìa và tác giả cuốn sách có nhiều xung đột về bìa sách? Theo họa sĩ Kim Duẩn thì anh chưa gặp xung đột nào lớn về quan điểm với tác giả, một số tác giả muốn họa sĩ vẽ bìa theo ý tưởng của họ nhưng số này rất ít. Kim Duẩn cũng tiết lộ rằng anh là người cũng thích đọc sách nhưng không có thời gian để đọc hết các cuốn sách được đặt vẽ bìa. Nhiều năm vẽ bìa đã đúc kết cho anh những mẹo đọc nhanh để thực hiện công việc, như đọc kỹ lời giới thiệu, các nhận xét, đọc đoạn đầu, đoạn cuối.

Theo bà Hà Thảo, xung đột hiếm khi xảy ra vì mọi thứ đã được ghi rõ trên hợp đồng xuất bản, thường nhà đầu tư tức là các nhà xuất bản, nhà sách được quyền quyết định hình thức, khổ in, bìa sách vì họ hiểu thị hiếu độc giả, hiểu thị trường cần gì hơn. Còn về chuyện kiểm duyệt bìa vẽ, theo ông Nguyễn Minh Nhựt, không có nhiều khó khăn lắm vì luật đã có các quy định rõ ràng nên hiếm khi xảy ra tình trạng “vượt rào” trong bìa sách, thường các nhà xuất bản nộp bản thảo xin giấy phép xuất bản trước rồi mới nộp bìa vẽ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối