(SGTT) - Do tác động kéo dài của Covid-19, tổng quan về xu hướng du lịch Việt Nam năm nay sẽ có nhiều thay đổi. Đặc biệt, biển đảo và các thành phố du lịch nổi tiếng vẫn tiếp tục là các điểm đến hàng đầu được khách Việt lựa chọn trong năm nay, theo báo cáo "Xu hướng du lịch Việt Nam 2021" được thực hiện bởi Công ty tư vấn du lịch Outbox Consulting.
- Xây đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ rộng 2.870 ha nhưng không làm ảnh hưởng hệ sinh thái
- Đi lại toàn cầu vẫn bế tắc, du lịch quốc tế ngắc ngoải
Du lịch năm 2020 với những phản ứng ngắn hạn
Trong năm 2019, du lịch Việt Nam đạt được những kỳ tích “vàng” trong tăng trưởng khi thu hút được 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), doanh thu du lịch đạt khoảng 720 ngàn tỉ đồng. Với kết quả này, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, theo Tổng cục Thống kê.
Năm ngoái, Việt Nam chỉ đón 56 triệu lượt khách nội địa và 3,8 triệu lượt khách quốc tế khiến cho Tổng thu Du lịch ước tính giảm 530 ngàn tỉ đồng. Xét về ngành lưu trú, gần 1/5 tổng số cơ sở lưu trú phải đóng cửa, mức công suất phòng trung bình cả nước thấp kỷ lục khi chỉ đạt 20 - 25%. Riêng đối với ngành dịch vụ lữ hành, theo Tổng cục Du lịch, đã có gần 340 doanh nghiệp lữ hành phải xin thu hồi giấy phép kinh doanh trong năm 2020.
Ngành du lịch trong năm ngoái bị ảnh hưởng bởi bốn tác động chính về vắc-xin, chính sách du lịch của các nước, kinh tế và môi trường. Năm ngoái không chỉ đánh dấu sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 mà còn là sự xuất hiện của những thảm họa về môi trường gây ra từ biến đổi khí hậu trên khắp thế giới khiến hàng ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người khác phải di dời.
Chính những sự kiện này kết hợp với một năm đối mặt với đại dịch đã làm thế giới nâng cao hơn nhận thức và có trách nhiệm hơn với vấn đề môi trường.
Như một cách phản ứng lại với khủng hoảng, ngành du lịch năm ngoái đã xuất hiện rất nhiều những từ khoá và “biệt ngữ” mới, phản ánh đúng thực trạng của các xu hướng trong ngành du lịch như lockdown (tạm dịch là đóng cửa), new normal (bình thường mới), travel bubble (bong bóng du lịch), workation (làm việc kết hợp với kỳ nghỉ), contactless (không tiếp xúc).
Xu hướng du lịch Việt năm nay với bốn nhóm chính
Đối với Việt Nam, Covid-19 đã làm kéo dài ảnh hưởng của những tác động này lên ngành du lịch Việt Nam góp phần quan trọng vào việc tạo nên xu hướng du lịch Việt trong năm 2021.
Dựa trên dự báo của Mobility Market Outlook (MMO), Công ty tư vấn du lịch Outbox Consulting cho biết du lịch năm nay được tóm tắt thành bốn nhóm gồm về xu hướng du lịch, xu hướng lập kế hoạch và đặt dịch vụ, xu hướng công nghệ và xu hướng điểm đến.
Nhóm về xu hướng du lịch gồm du lịch theo hướng giãn cách xã hội (socially distant travel), du lịch theo nhóm nhỏ (small group travel), sự xuất hiện của phân khúc khách có trách nhiệm hơn (the conscious traveler), du lịch hướng tới chăm sóc sức khỏe (wellness travel).
Nhóm xu hướng lập kế hoạch và đặt dịch vụ sẽ có thời gian đặt dịch vụ được rút ngắn (shorter timeframes), những lựa chọn có trách nhiệm hơn, cố vấn du lịch là thành phần không thể thiếu và chuyển đổi số.
Công nghệ không chạm truyền cảm hứng cho khách du lịch sẽ là xu hướng công nghệ trong du lịch năm nay.
Nhóm xu hướng điểm đến với sự xuất hiện của những điểm đến mới, ít phổ biến. Theo khảo sát của Công ty tư vấn du lịch Outbox Consulting năm 2020, biển đảo và các thành phố du lịch nổi tiếng vẫn tiếp tục là các điểm đến hàng đầu và dự đoán đây cũng sẽ là những điểm đến được khách Việt ưa chuộng trong năm nay.
Theo MMO bất chấp cuộc khủng hoảng năm 2020 lượng khách toàn cầu giảm và kinh doanh thua lỗ, thị trường du lịch và lữ hành toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn sau đại dịch vào năm 2023 và đạt được những con số doanh thu kỷ lục.Cũng theo MMO, doanh thu du lịch và lữ hành toàn cầu cho năm nay được dự báo sẽ tăng hơn 50% so với năm 2020. Các kỷ lục doanh thu mới có thể được mong đợi từ năm 2023 trở đi; vào năm 2025, các chuyên gia MMO thậm chí còn dự đoán mức tăng trưởng doanh thu sẽ đạt gần 23% so với thành công của năm 2019.
Dung Trần