Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Biến động nhân sự bảo hiểm vẫn chưa dừng

Cả nước hiện có 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động, với hơn 241.000 nhân viên tư vấn tài chính bảo hiểm (đại lý). Chưa đầy 6% dân số tham gia bảo hiểm, Việt Nam được đánh giá thị trường nhiều tiềm năng với bảo hiểm nhân thọ.

Tuy nhiên, đây là công việc có sự biến động về nhân sự rất lớn, tỷ lệ người nghỉ việc chỉ sau một năm hành nghề lên đến trên 60%. Đa số người lao động Việt Nam chỉ xem tư vấn bảo hiểm như một nghề tay trái, tạm thời nên thiếu nhiệt huyết và sẵn sàng nghỉ việc khi có được công việc khác.

Điều này gây ra sự thiếu hụt nhân sự thường xuyên ở các công ty bảo hiểm. Chính vì vậy, tuyển dụng người mới được coi là công việc sống còn của các công ty bảo hiểm. Bên cạnh đó, các đại lý tích cực tuyển người vào nhóm của mình để hưởng phần trăm trên hợp đồng của người mình đưa vào. Do đó, không chỉ công ty thông báo tuyển dụng, mà các đại lý, tổng đại lý cũng thường xuyên tìm nhân sự mới bằng nhiều cách.

Tốc độ tăng trưởng ở lĩnh vực bảo hiểm là trên 10%/năm. Chính vì vậy, ngành bảo hiểm đang khát nhân sự giỏi và cần những người có kinh nghiệm, gắn bó lâu dài. (Ảnh chụp tại Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA).
Tốc độ tăng trưởng ở lĩnh vực bảo hiểm là trên 10%/năm. Chính vì vậy, ngành bảo hiểm đang khát nhân sự giỏi và cần những người có kinh nghiệm, gắn bó lâu dài. (Ảnh chụp tại Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA).

Thưởng lớn, thăng chức nhanh

Chị Nguyễn Thị Thu Hiếu, một đại lý của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Hanwha Life, cho biết Hanwha Life mới có mặt tại Việt Nam nên chưa được nhiều người biết đến như Bảo Việt, Prudential, AIA, Dai-ichi Life… nhưng có nhiều sản phẩm tốt, vốn lớn nên mức hoa hồng, mức thưởng rất cao.

Mức hoa hồng được chị Hiếu cho biết lên tới gần 40%. Ngoài ra, nếu mỗi tháng mang về hai hợp đồng, mỗi hợp đồng 5 triệu đồng và liên tục trong sáu tháng sẽ được thưởng nóng 6 triệu đồng. Bên cạnh đó còn có thưởng tuần, thưởng tháng, cộng hết các khoản mức thưởng sẽ tương đương với 50% số phí mang về cho công ty.

Cùng với đó là cơ hội thăng tiến. Nếu trong ba tháng mang về cho công ty được 30 triệu đồng tiền phí, sẽ lên chức trưởng nhóm tuyển dụng. Ở vị trí này, ngoài hoa hồng còn hưởng thêm 15% doanh thu của các thành viên trong nhóm. Trong ba tháng làm trưởng nhóm tuyển dụng nếu mang về cho công ty 60 triệu đồng tiền phí sẽ lên cấp trưởng nhóm kinh doanh. Ở chức vụ này ngoài hoa hồng, còn được lương “cứng” 8 triệu đồng/tháng.

Nhân sự thiếu gắn bó

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết có khoảng 60% nhân viên tư vấn bảo hiểm sẽ tự động nghỉ việc sau một năm do không tìm được hợp đồng mới.

Theo báo cáo của hiệp hội này đến tháng 6-2014, cả nước có khoảng 241.000 đại lý. Trong năm 2013 các công ty tuyển thêm được 133.000 đại lý và trong sáu tháng đầu năm nay tuyển hơn 68.000 đại lý.

Anh Quang Vũ, một tổng đại lý của bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life, cho biết trung bình ít nhất một tháng mỗi chi nhánh sẽ mở một khóa tư vấn bảo hiểm. Học xong chỉ hơn 50% đại lý thực sự đi làm, nhưng chỉ khoảng một năm sau có khi không còn ai gắn bó.

Theo quy định của các công ty bảo hiểm, một đại lý sau khóa học nghiệp vụ về tư vấn ba tháng mà không ký được hợp đồng nào sẽ bị công ty cảnh báo. Nếu sau sáu tháng vẫn chưa có được hợp đồng sẽ bị xóa mã số. Nhưng gần như không có đại lý nào phản đối việc mình bị cho thôi việc kiểu này. Vì bản thân họ cũng không còn thấy mình thích hợp, hứng thú với công việc tư vấn.

Các đại lý bảo hiểm cũng không có hợp đồng lao động ràng buộc với công ty, cũng không hưởng lương, thu nhập chỉ dựa vào hoa hồng. Do đặc thù này nhiều đại lý sẵn sàng chuyển qua công ty khác khi nhận thấy có sự thuận lợi hơn về thu nhập, sản phẩm dễ bán… và họ chỉ cần “ăn” hoa hồng năm đầu. Với những nhân sự nhảy việc, anh Quang Vũ nhận xét chỉ suốt đời làm đại lý chứ không thể lên chức cao hơn.

Tranh nhau người giỏi

Chị An, một người làm công tác nhân sự lâu năm của một công ty bảo hiểm lớn, khẳng định không chỉ các đại lý mà nhân sự quản lý, nhân sự cấp cao ở lĩnh vực bảo hiểm sự “đổi ghế” cũng diễn ra khá thường xuyên. Trong vài ba năm trở lại đây nhiều công ty bảo hiểm mới được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Để cạnh tranh với các công ty đến trước, hoặc chạy theo doanh thu, mở rộng thị phần, họ đã nới lỏng chế độ và quyền lợi được nâng cao để thu hút nhân sự. Nhiều nhất là tăng tỷ lệ thưởng kinh doanh cho đại lý từ công ty bảo hiểm khác sang.

“Tôi về làm ở bảo hiểm Phú Hưng vì thu nhập hấp dẫn hơn, chế độ đãi ngộ cũng tốt hơn khi còn đang ở vị trí quản lý của một công ty bảo hiểm lớn”, anh Bắc cho biết. Rõ ràng nếu không vì mức lương hấp dẫn rất khó để từ một công ty có bề dày kinh nghiệm, chuyển sang làm việc cho một công ty chưa có kinh nghiệm ở lĩnh vực bảo hiểm.

Về việc này, ông Phùng Đắc Lộc nhận định: “Với những người sẵn sàng thay đổi công việc, công ty mới sẽ khai thác năng lực, chất xám của họ trong một thời gian, sau đó tìm cách đẩy những nhân sự này ra ngoài, hoặc cô lập để họ tự động xin nghỉ việc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nhiều nhân sự trung, cao cấp đã nhận ra điều này”.

Theo chị An, vì không có sự ràng buộc giữa người lao động và công ty nên khi một cán bộ quản lý, tổng đại lý bảo hiểm thay đổi công ty sẽ kéo hơn phân nửa số đại lý cấp dưới đi theo. Điều này gây không ít khó khăn cho các công ty cũ và là sự cạnh tranh thiếu công bằng.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tốc độ tăng trưởng ở lĩnh vực bảo hiểm là trên 10%/năm. Ông Jonah Levey, nhà sáng lập và là Chủ tịch HĐQT của Navigos Group và VietnamWorks, nhận định: “Ngành bảo hiểm đang khát nhân sự giỏi và các công ty bảo hiểm tại Việt Nam đang cần những người có kinh nghiệm, gắn bó lâu dài”.

Thái Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối