Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Biến lễ hội trở thành sản phẩm đặc trưng thu hút khách du lịch

(SGTT) - Mỗi năm, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức rất nhiều lễ hội, nhưng phục vụ cho cư dân địa phương là chủ yếu, chứ chưa thể “khai thác” được khách du lịch. Vậy, câu hỏi được đặt ra, đó là làm sao để lễ hội ở khu vực này thật sự trở thành sản phẩm thu hút khách du lịch.
Lễ hội đua ghe ngo của đồng bào Khmer được tổ chức ở tỉnh Sóc Trăng mới đây. Ảnh: Trung Chánh

Xung quanh vấn đề nêu trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Đình Huê, một chuyên gia du lịch ở ĐBSCL.

Đa dạng lễ hội, nhưng chưa “hút” được du khách

Ở ĐBSCL, hàng năm có rất nhiều lễ hội được các địa phương tổ chức. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng các lễ hội trong thu hút khách du lịch?

Ông Phan Đình Huê: Có thể nói các lễ hội của ĐBSCL nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình và được tổ chức ở hầu hết các địa phương trong vùng với thời gian trải đều mọi tháng trong năm.

Xét ở góc độ lễ hội của các dân tộc, ĐBSCL có lễ hội của người Kinh, người Hoa và Khmer. Trong khi đó, ở khía cạnh địa hình, có lễ hội trên bờ, lễ hội ở dưới sông, biển, thậm chí cả ở trên đảo.

Rõ ràng, nhìn một cách tổng thể, lễ hội của ĐBSCL là tài nguyên du lịch rất lớn và nếu có định hướng khai sẽ là một trong những sản phẩm có thể tạo được sức hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước về với ĐBSCL.

Nhưng thực tế, các lễ hội ở ĐBSCL vẫn chưa phát huy được vai trò thu hút khách du lịch, thưa ông?

– Lễ hội của ĐBSCL là nhiều, nhưng đứng về mặt tổ chức, thì diễn ra rải rác, không có sự phối hợp trong tổng thể chung của cả ĐBSCL. Chẳng hạn, lễ hội này tổ chức xong, 2 tuần sau mới có một hoạt động khác cũng “na ná” hoặc khác với sự kiện trước đó, thì không thể kết nối với nhau, do đó, rất khó để các công ty du lịch tổ chức tour.

Bán tour du lịch lễ hội Tết, thì phải tạo thành tuyến có nhiều lễ hội mới hấp dẫn được du khách. Ví dụ, đến thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) xem hoa, thì qua An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng…, cũng phải có sự kiện để khách du lịch trải nghiệm, tức phải có sự liên kết về mặt tuyến, sản phẩm.

Mỗi lễ hội đều có phần “lễ” và phần “hội”, thì phần “lễ” sẽ diễn ra vào một ngày cố định, nhưng phần “hội” là những hoạt động xung quanh, có thể điều chỉnh để làm sao “hôm nay du khách coi ở tỉnh này, mai coi ở tỉnh kia” nó gần nhau, tức vấn đề ở đây là phải có sự liên kết.

Tôi lấy ví dụ, lễ hội mang tầm vóc quốc gia là Oóc Om Bóc, thì ở các địa phương có đồng bào Khmer đều tổ và làm rất lớn. Thế nhưng, vì thiếu sự phối hợp, cho nên, hầu như chỉ dành cho bà con Khmer, tức cư dân người địa phương, chứ khách du lịch không có đến nhiều.

Còn ở khía cạnh kịch bản tổ chức, phần nhiều cũng không hướng đến sự trải nghiệm cho khách du lịch, mà chỉ nghĩ làm cho người địa phương thôi. Trong khi đó, hậu cần cho du khách, dịch vụ đi lại, ăn, ở và tham quan các giá trị cộng thêm trong tour lễ hội hiện cũng chưa làm được.

Nhìn một cách tổng thể, rõ ràng lễ hội nhiều, nhưng để lễ hội trở thành sản phẩm du lịch, thì các địa phương làm chưa tốt và chưa có sự phối hợp để tạo thành các tuyến du lịch lễ hội.

Ông Phan Đình Huê, Chuyên gia du lịch vùng ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Làm gì để “kéo chân” du khách đến với lễ hội?

Như vậy, giữa các địa phương có lễ hội cũng như các bên liên quan cần phải làm gì để khai thác được khách du lịch, thưa ông?

– Tôi nghĩ rằng, hiện nay chúng ta cần phải có sự phối hợp ở cấp vùng, trong đó, thứ nhất, cần thống kê 13 địa phương ĐBSCL có những lễ hội nào trong năm; thứ hai, về mặt thời gian tháng nào có lễ hội nào; thứ ba, về mặt chủ đề mỗi địa phương có những loại lễ hội gì.

Trên cơ sở đó, chúng ta khuyến nghị các địa phương tổ chức một chùm lễ hội chẳng hạn đón năm mới của người Việt và người Hoa. Khi đó, phải điều phối tổ chức như thế nào để 3-4 địa phương lân cận tạo thành tour du lịch 2-3 ngày cho du khách trải nghiệm. Ví dụ, coi hoa ở Đồng Tháp, Bến Tre, tiếp theo đến Cần Thơ, Sóc Trăng…, cũng phải có sản phẩm khác để trải nghiệm.

Khi tạo thành chuỗi như vậy, các công ty du lịch mới có thể lên kế hoạch quảng bá, tức du khách cũng sẽ đến tìm hiểu văn hoá, lễ hội. Ví dụ, họ muốn coi lễ hội của cư dân người Việt, thì chọn tour đó hoặc xem lễ hội của người Khmer, thì chọn hoặc của người Chăm. Khi đó, các lễ hội của ĐBSCL sẽ trở thành sản phẩm du lịch.

Mặt khác, khi có được các chuỗi liên kết như vậy, thì chuyện hậu cần, dịch vụ của ngành du lịch cũng sẽ được tính đến, bao gồm dịch vụ vận chuyển, tham quan, lưu trú, ăn uống, thậm chí bán hàng OCOP (sản phẩm của chương trình mỗi xã một sản phẩm- PV), các loại hàng lưu niệm theo lễ hội…

Thậm chí, cần hướng đến việc liên kết với các cơ sở đào tạo, bởi một lượng lớn sinh viên của Đồng bằng cần được huấn luyện để trở thành người phục vụ trong các lễ hội, vừa giúp đem lại bộ mặt tươi mới cho ĐBSCL, vừa tạo việc làm cũng như có chỗ cho các em thực tập.

Nếu chúng ta đi theo hướng như vậy, thì sẽ có rất nhiều thứ để làm và nó sẽ biến ĐBSCL trở thành một vùng du lịch lễ hội hấp dẫn, chứ không phải như lâu nay.

Nhìn cụ thể hơn, ở ĐBSCL có lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer, ông có gợi ý gì?

-Oóc Om Bóc là lễ hội lớn, hấp dẫn bậc nhất của Việt Nam. Ở góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng đó là sự kiện thu hút đông đảo bà con Khmer đến vui hội một cách chân chất và hồn nhiên, và đây là yếu tố rất độc đáo của lễ hội.

Thế nhưng, ban tổ chức không đưa ra được một lịch trình hoạt động sớm, ngay từ đầu năm rằng trong lễ hội sẽ có những hoạt động gì, thời gian nào để du khách biết… Mặt khác, dịch vụ ăn ở, đi lại, khách sẽ đặt hàng thế nào, nguời nào chịu trách nhiệm xử lý ở địa phương cũng không rõ, thậm chí, cả công tác làm truyền thông cũng vậy.

Do đó, đối với lễ hội này, phải làm sao có sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương để việc tổ chức bài bản, tức du khách có khả năng tiếp cận được, tức đi xe gì đến, ai là ngươi hướng dẫn…

Chúng ta phải nghĩ đến chuyện đó và nếu Oóc Om Bóc được tổ chức chuyên nghiệp, thì nó không chỉ là sản phẩm du lịch, mà nó còn là kênh tiếp thị rất lớn cho điểm đến ĐBSCL.

Ông có gợi ý thêm gì để các lễ hội ở ĐBSCL thật sự hấp dẫn trong thu hút du khách?

-Như tôi đã nói, ĐBSCL cần phải có một tổ chức, có thể nó là một Trung tâm hoặc một dự án có sự tài trợ của nước ngoài hay ít nhất cũng nằm trong Hiệp hội du lịch ĐBSCL để xây dựng một lịch lễ hội chung cho vùng. Trong đó, có xây dựng, gợi ý kịch bản tổ chức cho từng địa phương và cung cấp thông tin cập nhật truyền thông để các hãng lữ hành biết ngày nào, tháng nào có lễ hội gì…

Đồng thời, cần hỗ trợ chuyên gia có chuyên môn trong tổ chức lễ hội, sự kiện đến huấn luyện các địa phương biết cách biến một sản phẩm chỉ dành cho “người địa phương hoặc cho công tác chính trị” trở thành một sự kiện “vừa đáp ứng được nhu cầu của địa phương, nhưng vẫn có thể thu hút được khách du lịch”, nhất là với du khách quốc tế.

Khách quốc tế, họ cần dịch vụ tốt, có người giao tiếp bằng ngoại ngữ để hướng dẫn, giảng giải về văn hoá để thu hút họ. Đặc biệt, với các nước tiên tiến, du khách thường lên kế hoạch đi du lịch trước từ 6 tháng đến 1 năm, cho nên, muốn đưa lễ hội vào chương trình tour của các hãng lữ hành, thì phải ổn định trong cách tổ chức ít nhất vài năm và phải có thông báo từ đầu năm nhằm giới thiệu đến các hãng lữ hành nước ngoài.

Để bền vững, có thể tổ chức các đoàn khảo sát dành cho các hãng lữ hành nước ngoài. Ví dụ, bây giờ đến ĐBSCL không chỉ coi ruộng lúa hay các tour trên sông, mà còn thêm sản phẩm văn hoá rất hấp dẫn. Mời họ đến khảo sát, trao đổi họ cần gì để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp yêu cầu thị trường khách du lịch, với điều kiện của họ.

Khi đó, lễ hội không chỉ dành cho người dân địa phương, mà có thể biến nó thành sản phẩm dành cho cả du khách nước ngoài…

Trung Chánh thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối