Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Biển rất gần

Phan Trung Nghĩa

Những xóm nhỏ ven sông

Ngày bé tôi lớn lên trong một xóm nhỏ nằm dài theo bờ sông Bạc Liêu. Đó là một khúc sông quạnh vắng với những doi, những vịnh, bên lở bên bồi; đôi bờ sông thì bần, mắm và lá dừa nước mọc xín, xanh rì. Xóm làng thì nghèo, hiu hắt, lưa thưa những mái lá. Khi chiều xuống, hoàng hôn phủ lên mặt sông, làng xóm cái màu tím u ẩn. Nhìn lâu, cứ thấy rưng rưng một nỗi buồn xa xăm vô cớ.

Vậy đó, mà những năm lớn lên, đi xa, có những đêm nằm nơi đất khách quê người bỗng nghe gió trở mùa thì tốc mùng ngồi dậy mà thất thần nhận ra gió chướng đã về. Gió là gió của tự nhiên, của trời đất vậy mà cứ ngỡ gió của quê mình. Nghe gió chướng là nhớ mùa chất chà dưới quê. Thế là ngồi thừ ra mà thương mà nhớ cái xóm nhỏ ven sông thời bé của mình đến nức nở.

Trên cánh đồng một vụ tôm-một vụ lúa ở vùng đất nhiễm mặn Bạc Liêu.
Trên cánh đồng một vụ tôm-một vụ lúa ở vùng đất nhiễm mặn Bạc Liêu.

Thời tôi ở dưới quê là vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Đó là cái thuở chiến tranh bom pháo đầy trời. Chị Hai tôi mười bảy tuổi bị “đầm già” phóng pháo chết vào một buổi chiều của năm 1968. Những năm đó pháo binh Mỹ từ chợ Bạc Liêu bắn ra hàng đêm, lâu lâu có tiếng khóc rộ lên từ nhà ai đó trong xóm, vì có người chết, do đạn pháo. Bom, pháo không chỉ giết người mà còn cày nát ruộng vườn, làm vỡ đập vỡ đê khiến thành quả mấy đời đắp đê, đắp đập ngăn mặn từ thời khẩn hoang để trồng lúa của dân xóm tôi trở thành công cốc. Số là đầu nguồn của sông Bạc Liêu là cửa biển Mỹ Thanh, vào những con nước rong tháng Chạp, sông Bạc Liêu chở nước biển đầy ứ vào nhấn chìm cả cánh đồng vì không còn đê ngăn mặn. Tôi còn nhớ tết của những năm đó làng tôi như nổi trôi trên mặt nước, đêm trừ tịch, bầy cá đối chạy làm xẹt những đám lân tinh sáng lóe trước sân nhà. Mùng một tết đi nhà bà con thắp nhang mừng tuổi ông bà phải lội lõm bõm như đi ruộng. Cánh đồng của xóm từ đất thuộc trồng lúa chuyển sang loại đất thào lềnh. Đó là loại đất nước ròng, nước lớn mặc tình lên xuống. Đất nhiễm mặn nặng nên cỏ nước mặn mọc tới lưng quần. Ba tôi và mấy ông già trong xóm phát cỏ cấy lúa theo kiểu tranh thủ những tháng mùa mưa có nước ngọt. Thế nhưng đó là những mùa lúa “trần ai khoai củ”, có những năm mùa mưa dứt sớm hay gió bấc về sớm là lúa trổ bông nhưng không kết gạo được, cả cánh đồng lúa “háp” với những bông lúa trắng dựng đứng như cờ tang. Mấy ông lão nông dân ngồi bó gối thở dài, họ oán thán sông Bạc Liêu và dòng nước biển đã làm cho họ nghèo tả tơi manh áo.

Thế rồi dần dần người làng tôi ngộ ra một điều rằng “Long Vương Thủy Tề” coi hung hăng vậy mà ăn ở cũng rất công bằng. Nếu “Ổng” đưa nước mặn vào làng tôi để phá hoại mùa màng thì trong cái làn nước đục ngầu mặn chát ấy “Ổng” đã âm thầm ban tặng cho sông Bạc Liêu, cho cánh đồng làng tôi không biết bao nhiêu tôm cá từ biển Đông giàu có. Hồi tôi 7-8 tuổi, thỉnh thoảng, vào những con nước rong, khi mà gió chướng làm cho sông Bạc Liêu nổi trắng những ngọn sóng bạc đầu là những bầy cá nượt từ cửa biển Mỹ Thanh lặn hụp ngang qua xóm tôi vào đến tận chợ Bạc Liêu. Thế là bọn trẻ chúng tôi đẩy xuồng ra mà hò hét bơi đua với cá nượt. Cũng theo đường đi của cá nượt, vào mùa sa mưa, cá tôm con lũ lượt vào những vùng đất thào lềnh. Và chúng lớn rất nhanh trên những biền, trảng này. Hồi đó làng tôi nghèo khó lắm, nghèo đến nỗi có nếp sống không đi chợ. Nghĩa là thực phẩm của bữa cơm hàng ngày phải tự “mò cua bắt ốc” mà ăn. Tôi là người đảm trách công việc này. Gần tới giờ nấu cơm, nếu không có máy bay và pháo dập là tôi quởn đãi quảy giỏ lên đồng. Ở đó, mới mưa già một chút mà cá kèo con từ biển vào đã lớn bằng đầu ngón tay, chúng làm hang khắp đồng và chạy lào xào trên mặt nước. Có lần tôi và thằng Cảnh, em cô cậu ruột tôi thụt hang hơn một giờ là bắt cá kèo đầy cái thùng 20 lít. Vào những con nước rong tháng 10 cho đến tháng Chạp cá kèo đổ ra sông để tìm về biển nổi dày đặc ở những con kênh, mặt đập mà thời đó nông dân gọi là cá kèo nổi như mù u rụng. Có những miệng đáy sông, đổ đục trễ là cá kèo tràn vào làm sập gượng đáy. Vào những con nước rong, cá kèo bán không ai mua, chủ ruộng, chủ đáy phải đào hầm rộng cá chờ nước kém mới bán được.

Bắt tôm cá trên ao đầm nước nhiễm mặn, một cách kiếm sống cộng sinh của cư dân vùng sông nước ở Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Hội
Bắt tôm cá trên ao đầm nước nhiễm mặn, một cách kiếm sống cộng sinh của cư dân vùng sông nước ở Bạc Liêu.
Ảnh: Trọng Hội

Một hai năm sau, kể từ ngày nước mặn nhập đồng, một chuyện quan trọng xảy ra ở làng tôi, nó làm thay đổi tận gốc rễ cái phương kế sinh nhai. Nếu trước đây trồng lúa có thu nhập chính, đánh bắt tôm cá là nghề phụ thì nay nó đảo ngược hoàn toàn. Ai có trâu thì bán trâu, họ tập trung tiền bạc để chuyển nghề bằng cách mua dụng cụ xây nò, đóng đáy trên sông, rạch để bắt tôm, cá. Gia sản nhà tôi sau nhiều năm chiến tranh và nghèo đói lúc ấy chỉ còn lại chiếc xuồng tam bản nhỏ. Ba tôi bơi xuồng ra sông Bạc Liêu chở theo tấm đăng tre, tìm những con rạch ven sông mà đăng cá. Nghề của ba tôi thì cực lắm, phụ thuộc vào thủy triều, có khi nước lớn nhằm giác xuống đăng xoay đến 2 – 3 giờ sáng của những tháng cận tết gió bấc về lạnh như cắt, mà ba tôi vẫn phải xuống nước để kéo đăng và ém khóe đăng.

Hồi còn sống, ba tôi kể: “Dạo đó, khoảng một giờ khuya, ba bơi xuồng qua vàm Cả Vĩnh đăng cá. Đây là khúc sông hoang vắng, trên đầu vàm lại có một cái chòm mã chuyên chôn cất những người không danh tánh chết do chiến tranh trôi dạt về đây. Đang xuống đăng, bỗng nghe trên chòm mã có tiếng khóc (có lẽ do ông sợ quá mà tưởng tượng ra), thế là không kịp ém khóe đăng, ba tức tốc bơi xuồng ra sông cái mà về. Cứ tưởng giác đăng ấy là công cốc. Vậy mà sáng ra ba bắt đúng hai xuồng tam bản cá. Những con cá chẽm, cá lăng to cả chục ký, còn tôm càng, cá ngác, cá thác lác, cá nâu, cá đối… thì vô số”. Thế nhưng tôm cá thời đó rẻ lắm, má tôi lựa cá to bơi xuồng vào chợ Bạc Liêu bán cho vựa, còn cá nhỏ thì bà gánh qua xóm Cả Vĩnh bán chỉ để mua một giạ gạo, một ký mỡ heo, một lít nước mắm hiệu Con Sò và hai lít dầu lửa với một góc tư thuốc gò cho ba tôi là sạch túi.

Cái nghề mà cả xóm tôi gần như ai cũng làm là chất chà. Nghề chất chà bắt đầu từ khi gió chướng chớm mùa thổi, nghĩa là khi tôm cá từ trên đồng rút xuống sông cho mùa mưa vừa kết thúc. Người ta dùng những nhánh cây bần, mắm khô rồi xuống bãi sình sông Bạc Liêu mà chất thành đống chà để dụ cá. Khoảng một tháng hoặc hai mươi ngày sau, thấy cá đã vào ở nhiều thì chủ chà dùng đăng che bao ví rồi dỡ chà thảy lên bờ và rạn đăng dần vào thành một cái ô nhỏ vài mét vuông. Lúc này trong rạn cá đã đầy cứng, người ta dùng vợt bắt cá, một đống chà có khi thu vài trăm ký cá. Tôi nhớ hồi đó cá mao ếch to bằng nắm tay, dỡ một đống chà vài chục ký nhưng phải đem đổ bỏ vì chẳng ai dám ăn, thế mà ngày nay nó có giá đến ba bốn trăm ngàn đồng một ký. Nghề dỡ chà còn cực hơn nghề đăng cá, cũng phải theo con nước xoay, có khi 1-2 giờ khuya, và nó rất nặng nhọc, phải 5-7 người vần đổi công mới làm nổi.

Những đêm giáp tết, gió bấc về lạnh đến tái tê nhưng người quê tôi vẫn xuống sông dỡ chà để bán cá mà lo cái tết. Họ phải đốt một đống rơm, chọn những con tôm càng to bằng nắm tay mà nướng rồi để sẵn ở đó một chai rượu đế, hễ ai lạnh, không chịu nổi thì lên bờ hơ lửa và nhậu lai rai. Chỉ duy nhất mùa dỡ chà là khúc sông làng tôi rộn ràng, lại có cả điệu hò và mấy câu vọng cổ hòa cùng với tiếng bom rền pháo dội xa xa.

Năm tôi 17 tuổi, từ cái xóm có mùa chất chà ấy, má tôi bơi xuồng đưa tôi ra chợ Bạc Liêu cùng với hai thúng cá mà ba tôi mới bắt của giác đăng từ hồi 3 giờ khuya. Má tôi bán cá, sắm hai cái quần cụt và một chiếc khăn rằn rồi gói vào chiếc giỏ đệm cùng với một bộ đồ cũ trao vào tay tôi để tôi đi học trường công nông mà tung cánh vào đời.

Kể từ đó, tôi chấm dứt đời cư trú nơi xóm nhỏ, xa khuất vĩnh viễn cái nghề chất chà bắt cá trên sông quê. Tôi đi mải miết, tóc xanh rồi tóc bạc. Mỗi lần gió trở mùa là nhớ về quê cũ, ray rứt không nguôi cái gói hành trang vào đời quá đơn sơ nhưng chứa trong đó thật nhiều mồ hôi nước mắt của đời một bà mẹ nghèo. Giờ đây có thương có nhớ cũng không tìm được, cha mẹ thì hóa thành cánh cò, cánh vạc, anh em thì kẻ còn người mất. Thương đời họ nghèo, lặn lội trên sông quê mà tìm miếng cơm manh áo. Rồi cũng chợt thương chợt nhớ con sông quê, cánh đồng làng thật nhiều tôm cá cùng với cha mẹ tảo tần tặng cho ta một hình vóc con người.

Tôi chắc rằng sẽ không ai bàn cãi khi nói rằng lịch sử và địa lý làm nên tình yêu quê hương trong mỗi con người. Vâng! Trong cái gói hành trang bé bỏng vào đời của tôi hồi ấy, quê hương đã gửi theo cái lịch sử đầy đau thương của nó, gửi theo vào đó cái đặc điểm địa lý của một vùng đất trái tính trái nết mà cũng đầy hào phóng, cưu mang và ân nghĩa. Cái gói hành trang ấy đã gửi theo, đã hằn sâu trong tâm khảm của tôi những điều mà phàm làm người không được quên, phải nhớ để ray rứt, để đặt tình yêu đúng chỗ. Cái gói hành trang bé bỏng ấy đã lập định cho tôi một nhân cách. Tôi làm nghề viết văn, quê hương muôn thuở vẫn là cội nguồn cảm hứng của tôi bởi nó đã ban cho tôi những thứ quý giá mà không phải đời văn nào cũng có được.

Chài cá trên sông Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Hội
Chài cá trên sông Bạc Liêu.
Ảnh: Trọng Hội

Trăm sông đều đổ ra biển

Trong nghiệp văn chương của mình, tôi có một điều ân hận. Tôi đã nhiều lần trở lại quê hương để nhìn ngắm, tìm kiếm vẻ đẹp sâu thẳm của đất này rồi viết về đời cha, đời mẹ, đời đồng, đời sông với sự rung cảm của một con người từng chịu ơn. Thế nhưng có một điều tôi chưa hiểu thấu đáo, chưa một lần viết ra, đó là sự cưu mang của biển.

Cội nguồn sức sống của làng tôi thời ấy chính là biển. Dù đời nghèo nhưng biển đã đỡ đần cho dân quê tôi đi qua một khúc quanh hoạn nạn đầy bi kịch của chiến tranh. Nếu tôi đã từng nói dòng sông, cánh đồng là một người mẹ thứ hai góp phần nuôi mình lớn khôn thì có một người mẹ lớn lao hơn mà tôi chưa từng nói, chưa từng thấy hết ơn nghĩa, đó là biển. Giờ đây tôi ngồi mà ray rứt, thất thần nhận ra đời văn của mình chưa thấu đạt một chân lý, một quy luật của vũ trụ, ấy là “trăm sông đều đổ ra biển”. Trong bài ký này, tôi chỉ đặt không gian quanh quẩn ở ngôi làng ngày bé của mình, thực ra đời sống dân cư lục địa có tầm ảnh hưởng của biển là vô cùng rộng lớn.

Ở tỉnh Bạc Liêu, có một vùng đất gọi là vùng Nam quốc lộ 1A, bị ảnh hưởng nước biển chiếm đến 40% diện tích toàn tỉnh. Còn ở Cà Mau, những vùng đất ngập mặn còn rộng lớn hơn. Tại những vùng đất này, bà mẹ biển không chỉ ban tặng cho đời sống con người tôm, cá mà cả một hệ sinh thái, sinh cảnh đặc thù với vẻ đẹp rất riêng, đó là những rặng bần, những rừng lá dừa nước và cả những cánh rừng đước quý hiếm của thế giới.

Ngày nay, khi lúa gạo đã đủ ăn, nền kinh tế của ta đang vươn đến xu hướng tìm kiếm nguồn thực phẩm giá trị cao là tôm cá thì nước biển được khai thác dẫn đi sâu hơn vào đất liền. Những vùng đất ngập mặn này trở nên năng động, như vùng Nam quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu, thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều so với vùng Bắc quốc lộ 1A – nơi không có nước biển xâm nhập. Như vậy, vai trò cưu mang con người của bà mẹ biển vẫn tiếp tục và tăng dần trong tương lai. Bởi vì các nhà kinh tế thế giới đã nói rằng: “Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của đại dương, con người sẽ đi ra biển, xuống sâu vào lòng biển, rằng biển sẽ là cứu tinh của thế giới”.

Vậy đó mà đến giờ này, nói cho công bằng, trên đời không chỉ một mình tôi chưa thấu đáo vai trò của bà mẹ biển, vẫn còn rất nhiều người vô tâm với biển trong làm ăn sinh sống. Đó là những nhà quản lý, hoạch định, thiết kế nền kinh tế mà không thấu đạt một chân lý về biển; những chủ ghe đánh bắt cá tôm bằng các phương tiện hủy diệt nguồn lợi thủy sản và…

Bây giờ mỗi lần về quê, tôi đều nhận thấy tôm cá trên sông, trên đồng cạn kiệt dần, cạn kiệt đến phát sợ. Con người đã đánh bắt theo kiểu phong tỏa, vây chặn, làm cho bà mẹ biển trở nên nghèo nàn, không còn của cải đưa vào lục địa tặng cho những đứa con ở đó. Con người không chỉ hủy hoại nguồn lợi thủy sản mà chính họ đã tạo ra một hệ lụy thủ tiêu cả đời sống sôi động trên sông nước của mình vốn dĩ được sinh ra từ cội nguồn của biển mà ta gọi là văn hóa triền sông, đó là những xóm chà, xóm đáy, xóm câu…

Nghĩ đến đây, một niềm lo sợ lại đến trong tôi, sợ rằng lớp con cháu chúng ta sau này lớn lên, đi xa sẽ thiếu những gì để nhớ về quê cha đất tổ của mình. Bởi quê của họ bây giờ rất nhạt nhòa với những dòng sông quạnh vắng, không còn cái đời sống sôi động trên sông, và sông biển đã không còn cưu mang ai nữa. Thế thì lấy gì để nhớ? Đã không nhớ thì không thể yêu. Mà tình yêu quê hương luôn có trước tình yêu tổ quốc.

Từ rất xa xưa, dân tộc ta đã gọi Tổ quốc bằng hai tiếng thiết tha: Đất nước. Đó là khái niệm cụ thể và đầy đủ nhất. Nó gửi cho ta một thông điệp rằng, tình yêu tổ quốc bao gồm cả yêu lục địa và yêu biển. Cũng từ rất xa xưa, tận cái thuở hồng hoang, dân tộc ta đã có một truyền thống biển vô cùng cảm động: Mẹ Âu Cơ đã từ giã cha Lạc Long Quân mà mang 50 người con về với biển để sinh sống và giữ biển. Từ rất xa xưa, đã có sự hy sinh cho đất nước được hài hòa. Đó chính là tinh thần biển của hôm nay vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối