Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Biết hàng giả, vẫn thích mua

Không quá khó để mua một món hàng giả, hàng nhái các thương hiệu có tiếng, bởi chúng được rao bán không chỉ ở các cửa hàng, trung tâm thương mại mà cả trên các trang web và mạng xã hội. Người mua kẻ bán thản nhiên trao đổi, xem hàng nhái là món hàng bình thường.

Cung gặp cầu

Ngọc Linh, một sinh viên nhà ở quận Thủ Đức, TPHCM, có sở thích sưu tập những chiếc túi thời trang. Không có nhiều tiền để mua hàng hiệu, Linh tìm đến những trang web và nhóm bạn trên Facebook chuyên bán túi xách nhái các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Hermes, hoặc chạy ra những điểm bán hàng thời trang gần công viên Lê Thị Riêng trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận Tân Bình), hay đường Nguyễn Trãi (quận 5), hoặc chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp)... để mua. Chỉ cần bỏ ra từ 300.000 đồng, Linh đã có thể mua được một chiếc túi nhái thương hiệu nổi tiếng.

Là một người đã từng mở một gian hàng trong trung tâm mua sắm ở đường Trường Chinh, chị Minh Trang tìm đến khu thương mại An Đông Plaza tại quận 5, TPHCM để tìm nguồn hàng. Dạo một vòng các cửa hàng bán đồ trang sức tại đây, chị Trang được nhiều người mời mua những mẫu dây chuyền, bông tai mới nhất. Sau khi tham khảo giá cả, chị chọn mua được một số mẫu bông tai hiệu Chanel với giá 40.000-50.000 đồng/cặp, đồng hồ LV, Casio, Rolex với giá từ 190.000 đồng/chiếc.

Trên mạng, hàng hóa thật vẫn có, nhưng hàng giả, hàng nhái cũng đầy.
Trên mạng, hàng hóa thật vẫn có, nhưng hàng giả, hàng nhái cũng đầy.

Những món hàng đó mang về cửa hàng, chị bán ra với giá gấp 2-3 lần so với giá gốc. Lý giải về việc kinh doanh hàng nhái của mình, chị nói có cầu ắt có cung, nhiều người có nhu cầu sử dụng hàng rẻ nên những người như chị bán được hàng. “Ai cũng biết đó là hàng nhái, nhưng vì lý do kinh tế, thời trang nên họ vẫn mua”, chị Trang nói.

Ông D., nhà ở quận Tân Phú, TPHCM, là một người chuyên gia công dép da cho các cửa hàng thời trang, cho biết ông mua simili, da giả trên đường Hòa Hảo (quận 10), sau đó về may thành đôi dép và “đặt tên” cho nó. Với mẫu khuôn thương hiệu “Clark” mua ở cửa hàng phụ liệu giày dép, ông D. phết một lớp sơn màu vàng lên đôi dép, và chỉ 10 phút sau, đôi dép hiệu Clark đã sẵn sàng lên kệ.

Ông D. tiết lộ giá một đôi dép gia công là 35.000 đồng và được bán ở cửa hàng với mức giá từ 150.000 đồng trở lên. Ông cho biết các shop thời trang yêu cầu ông phải in tên thương hiệu nổi tiếng lên trên dép, như vậy khách hàng mới chịu mua vì tin tưởng là dép xuất khẩu giá rẻ.

Bày bán công khai

Việc mua bán trên mạng hiện nay rất đơn giản, bởi cá nhân nào cũng dễ dàng tạo một trang bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội, trên các diễn đàn... Trên mạng, hàng hóa thật vẫn có, nhưng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng đầy.

Chỉ cần vào Google, gõ từ khóa “túi xách hiệu fake” thì ngay lập tức có hơn 474.000 kết quả liên quan. Một số trang web công khai mua bán hàng giả, hàng nhái. Không thiếu những túi xách, sợi dây nịt được quảng cáo là “kiểu dáng Chanel”, “khóa chữ H” (khóa chữ H là một biểu tượng của hãng Hermes) hoặc cố tình tạo sự nhầm lẫn như túi Louiis Vuittion (nhái nhãn hàng Louis Vuitton) hay Vesace (nhái nhãn hàng Versace) cũng được bán công khai trên trang web bán hàng theo nhóm. Thậm chí, trên một số diễn đàn còn có những chủ đề như mua túi xách nhái ở đâu thì tốt, tìm nguồn hàng fake Gucci... Một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh bóp, đồng hồ trên mạng xã hội Facebook cho biết, việc bán hàng giả, hàng nhái đơn thuần là đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Cũng là người buôn bán hàng xách tay trên mạng, Thiên Như nhà ở quận Bình Thạnh, TPHCM, cho biết chị cũng đau đầu về sự cạnh tranh của hàng giả, hàng nhái. Có người quen ở Nhật và Anh, chị Như thường đặt mua hàng mỹ phẩm rồi chuyển về Việt Nam bán lại. Chị cho biết giá mua thỏi son Shu ở Nhật khoảng 600.000 đồng, chưa tính phí vận chuyển về. Thế nhưng, trong nước có nơi bán chỉ 500.000 đồng. Giá chị bán đắt hơn nên nhiều người chọn mua hàng rẻ hơn.

Mua hàng nhái: tiếp tay cho vi phạm

nhai louiis vulton

Bà Hoàng Tố Như, Phó phòng Sở hữu trí tuệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, cho rằng việc bán hàng trên Internet không đăng ký là kinh doanh bất hợp pháp.

Còn luật sư Phan Vũ Tuấn, Chánh văn phòng Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM, Trưởng văn phòng luật sư Phan Law, cũng cho rằng với việc dùng Internet để quảng bá sản phẩm, bán hàng giả, hàng nhái tùy theo mức độ vi phạm đều có hình thức xử lý hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Với hành vi vi phạm các quyền về sở hữu trí tuệ, có thể bị quản lý thị trường, thanh tra khoa học công nghệ, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát kinh tế xử phạt hành chính. Tuy nhiên, dù luật pháp có quy định rất cụ thể, nhưng việc xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái không đơn giản.

Trong trường hợp người mua biết món hàng đó là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn đồng ý mua là đang tiếp tay cho việc tiêu thụ hàng nhái. Như vậy, luật sư Tuấn cho rằng, cả người mua và người bán đều vi phạm luật pháp về nhãn hiệu hàng hóa.

Trường hợp người bán rao trên mạng hàng thật, nhưng khi giao hàng lại là hàng giả, thì để có đủ chứng cứ có thể khiếu nại, hoặc khởi kiện được, người mua cần có biên nhận, hóa đơn giao hàng, số lô hàng... và chứng minh mua hàng qua trang web nào. Trên thực tế có những sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng chỉ có nhà sản xuất hàng thật mới phân biệt được. Cơ quan chức năng, người tiêu dùng quan sát bằng mắt thường cũng khó lòng nhận biết. Theo bà Như, nếu chọn mua hàng trên mạng, người tiêu dùng nên chọn những trang web uy tín, những nơi mà chủ sở hữu thực sự của loại hàng hóa trực tiếp bán, hoặc đại lý, nơi bán hàng có liên kết, ủy quyền. Cũng theo bà Như, để tránh bị lừa khi mua hàng qua Internet, người tiêu dùng cần tỉnh táo, đừng quá tin vào những lời lẽ quảng cáo bay bổng, cũng như đừng bị hoa mắt với những hình ảnh được trình bày ấn tượng, đẹp mắt.

Bà Như cho rằng, nếu giá trị hàng hóa quá thấp rất khó để xử lý, nhưng nhiều người cùng khiếu kiện, giá trị hàng hóa cao hơn thì sẽ dễ được quan tâm xử lý hơn. Còn theo luật sư Tuấn, có đủ chứng cứ là có thể kiện đòi bồi thường được. Người mua phải hàng giả có thể kiện trực tiếp, hoặc thông qua Hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Về việc xử lý những trang kinh doanh bán hàng trực tuyến, nếu đuôi trang web “.vn” thì khả năng xử lý, ngăn chặn khi phát hiện kinh doanh không hợp pháp dễ hơn, nhưng với đuôi “.com” thì việc xử lý lại gặp khó khăn. Thực tế hiện nay, khi cơ quan chức năng cấm, phong tỏa ở trang web này, hoặc khi “đánh hơi”biết mình sẽ bị kiện cáo, những người bán lánh mặt im tiếng một thời gian, sau đó lập trang web mới để tiếp tục kinh doanh. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng và người chủ thực sự của thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đó.

Thái Ngọc Vân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối