Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Biết rõ nguồn gốc nông sản nhờ blockchain

Tại các cuộc hội thảo về công nghệ blockchain trong thời gian gần đây, các chuyên gia cùng chia sẻ ý kiến rằng ứng dụng công nghệ blockchain vào ngành nông nghiệp sẽ giúp tăng niềm tin của người tiêu dùng vào nông sản bởi vì họ biết rõ xuất xứ sản phẩm. Điều này cũng hỗ trợ nhà nông bán được nhiều hàng hơn.

Công nghệ blockchain giúp minh bạch thông tin về quá trình sản xuất nông sản. Ảnh: Thanh Tuyền

Chạm ngõ ngành nông nghiệp

Ông Vương Quang Long, Giám đốc TomoChain – một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực blockchain, cho biết để người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng các loại hàng nông sản cần giải quyết vấn đề minh bạch thông tin và blockchain làm được điều này. Blockchain cho phép sử dụng các thuật toán đồng thuận, qua đó đem lại sự minh bạch, tăng khả năng truy xuất nguồn gốc. Với công nghệ này, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm một cách dễ dàng.

Ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lina Network (một đơn vị cung cấp giải pháp blockchain), nói khi áp dụng công nghệ này vào khâu quản trị chuỗi cung ứng thì mọi thông tin của sản phẩm đó được ghi nhận rõ ràng, từ khâu trồng trọt cho đến các khâu thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, phân phối và tiêu dùng.

Tại cuộc hội thảo “Blockchain - từ chính sách đến thực tiễn” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thuộc Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử tổ chức vào tháng 6 vừa qua, đã có một câu chuyện thực tế về việc ứng dụng blockchain của hợp tác xã Mỹ Xương, ở tỉnh Đồng Tháp vào sản phẩm xoài Cát Chu có gắn QR code (mã vạch ma trận). Người mua có thể mở ứng dụng Zalo hoặc các ứng dụng khác (trên điện thoại di động có kết nối Internet) quét mã QR qua tem gắn trên quả xoài để biết xoài họ mua có đúng là xoài Cát Chu hay không thông qua các thông tin về nguồn gốc sản phẩm, tiêu chuẩn sản xuất, ngày sản xuất, số ngày xuất xưởng…

Ông Bùi Minh Cần, Phó giám đốc hợp tác xã Mỹ Xương, cho biết hợp tác xã hiện có khoảng gần 100 héc ta trồng xoài. Sau khi ứng dụng công nghệ blockchain thì nếu ai đó định làm giả tem sẽ không thể. Việc ứng dụng công nghệ blockchain do IBL cung cấp cho sản phẩm xoài này mới chỉ được cung cấp cho giai đoạn thử nghiệm, nhưng IBL muốn giới thiệu công nghệ này để mọi người dễ hình dung việc ứng dụng công nghệ này trong nông nghiệp sẽ ra sao.

TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản và đây là một trong những tiền đề để có thể triển khai ứng dụng công nghệ blockchain trong thời gian tới.

Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc nông sản đang được triển khai tại nhiều điểm bán hàng tại TPHCM (gồm chợ, siêu thị, cửa hàng…). Người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh có cài phần mềm TE-FOOD quét vào mã QR được dán trên vỉ trứng, thịt gà và thịt heo đóng gói, rau, củ, quả… để biết được thông tin đơn vị sản xuất, qui trình sản xuất, đóng gói. Sở dĩ người dùng có thể truy xuất nguồn gốc nông sản là do Sở Công Thương TPHCM đã triển khai đề án truy xuất nguồn gốc nông sản. Nhiều trang trại nuôi trồng nông sản tại thành phố và các tỉnh lân cận cũng như gần hai nghìn điểm bán hàng khắp thành phố đã tham gia vào chương trình này.

Theo bà Điền Thị Minh Hằng, Giám đốc Sagofoods, mỗi ngày công ty này cung cấp hàng ngàn con gà thịt cho chương trình truy xuất này của TPHCM. Đây là quy trình sản xuất theo chuỗi từ sự hợp tác giữa người nuôi, trại giết mổ đến đóng gói và phân phối ra thị trường. Bà Hằng cho biết khi tham gia chương trình quản lý truy xuất việc kiểm tra lò giết mổ được thực hiện định kỳ, phải có giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra nước tại trại nuôi và mổ, thậm chí nước máy cũng phải đi kiểm tra.

Ông Đào Hà Trung, Giám đốc điều hành Công ty TE-FOOD International, đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ trong truy xuất nguồn gốc nông sản tại TPHCM, cho biết thời gian tới rất có thể công nghệ blockchain sẽ được áp dụng cho hệ thống truy xuất này. Nếu ứng dụng blockchain, mỗi con heo từ lúc nuôi, giết mổ đến bàn ăn chỉ mất có 50 cent Mỹ cho công nghệ này. Đây là mức đầu tư hợp lý nếu so sánh với sự hiệu quả của blockchain.

Đáp ứng nhu cầu thực

Ông Trung cho rằng, khi người tiêu dùng có yêu cầu cao hơn về sản phẩm nông sản (nguồn gốc, chất lượng) thì việc ứng dụng blockchain trong nông nghiệp là điều tất yếu. Theo ông, việc ứng dụng blockchain cho quá trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông sản sẽ là điều bắt buộc trong 1-2 năm tới là do các chuỗi cung ứng và chuỗi bán lẻ lớn trên thế giới, như Wallmart, Auchan… đều sẽ yêu cầu thực phẩm phải được truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain thì mới nhập hàng để bán. Như thế, yêu cầu của thị trường cùng với đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt sẽ buộc cả chuỗi cung ứng phải áp dụng công nghệ blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông sản. Việc này sẽ phải thực hiện từ trang trại (với vật nuôi thì cho ăn, tiêm thuốc gì, dùng kháng sinh ra sao; với cây trồng thì bón phân, dùng thuốc bảo vệ thực vật như thế nào…), cho đến khâu vận chuyển, giết mổ, chế biến, bán lẻ bởi những đơn vị nào...

Có cùng quan điểm của ông Trung, ông Ca từ Lina Network cho rằng việc sử dụng blockchain phổ biến là điều tất yếu sẽ xảy ra mà đi đầu là việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm bằng chính điện thoại thông minh của người dân đang sử dụng hàng ngày.

Ông Trung nói những công ty xuất khẩu thực phẩm phải có kế hoạch tích cực từ bây giờ để hiểu biết và chuẩn bị áp dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc do sự đòi hỏi của các chuỗi siêu thị lớn trên thế giới sắp tới.

Cùng với việc phát triển của công nghệ blockchain, hiện đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu công nghệ này, như IBM, TE-FOOD, IBL, Lina Network...

Ông Ca cho rằng, nhiều nông dân ở tỉnh Lâm Đồng đã nhanh nhạy, bắt nhịp được với xu thế ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp như trang bị các bộ cảm biến, tự động điều chỉnh xử lý nhiệt độ nên việc ứng dụng blockchain vào chuỗi cung ứng tới tay người nông dân trong tương lai hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, việc áp dụng blockchain đối với người nông dân, ngành nông nghiệp Việt Nam không thể thực hiện một sớm một chiều.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Từ Minh Thiện, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, nêu ra các lợi ích khi sử dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, blockchain hỗ trợ quản lý điều hành, tăng cường hiệu quả truyền thông và bán hàng, có cơ hội xuất khẩu hàng hóa tới thị trường khó tính. Đối với người tiêu dùng, blockchain giúp tiếp cận thông tin minh bạch, tránh mua hàng gian, hàng nhái, bảo vệ lợi ích cộng đồng. Còn đối với nhà quản lý, sử dụng blockchain giúp kiểm tra, giám sát và quản lý nguồn gốc sản phẩm, dễ dàng phát hiện xử lý hàng giả, hàng nhái, quản lý tốt thị trường.

Các công ty cung cấp giải pháp blockchain tính toán chi phí đầu tư cho blockchain là từ 2.500 đô la Mỹ/tháng cho một điểm nhập dữ liệu. Ví dụ, một công ty ứng dụng công nghệ này cho ba điểm nhập dữ liệu là nhà máy, nhà kho và điểm bán hàng thì tổng chi phí sẽ là 7.500 đô la Mỹ/tháng. Các doanh nghiệp có thể đầu tư cho ứng dụng blockchain tại một hay nhiều điểm nhập dữ liệu tùy theo nhu cầu của họ.

Vân Ly

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối