Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Bình Dương ghi nhận ca nhiễm cao nhất nước, TPHCM siết chặt giãn cách

(SGTT) - Bình Dương ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất nước, TPHCM quyết định tăng độ giãn cách với yêu cầu "ai ở đâu yên đó" sau 42 ngày thực hiện Chỉ thị 16.

Là vùng dịch lớn thứ hai cả nước, Bình Dương trong ngày 20-8 đã ghi nhận 4.223 ca, vượt số ca nhiễm ở TPHCM (3.375 ca) - vùng dịch lớn nhất nước. Tổng số ca nhiễm ở địa phương này trong đợt dịch thứ tư đã xấp xỉ 60.000 ca.

Tại TPHCM, ngày 20-8 đã ghi nhận 3.375, giảm 1.050 ca so với ngày 19-8. Tổng số ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư ở đô thị 10 triệu dân là 167.717, nhiều nhất nước.

Sau 82 ngày giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ 15, 16, 16 tăng cường, hôm qua Ban chỉ đạo chống Covid-19 TPHCM công bố sẽ tiếp tục nâng cao biện pháp chống dịch với yêu cầu "ai ở đâu yên đó" từ 0:00 ngày 23-8.

Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương, phối hợp 22 quận huyện triển khai xuống phường, xã để thống kê số lượng cửa hàng tiện lợi, tiện ích cũng như khảo sát nhu cầu của người dân, từ đó siết chặt hơn một bước, không để người dân tự đi chợ mà tổ chức "cung ứng" theo 2 hình thức (người dân tự trả tiền và được hỗ trợ miễn phí).

TPHCM sẽ cung ứng hàng hoá, thực phẩm đến tận nhà cho từng người dân

Theo VTC News, tại cuộc họp trực tuyến với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 20-8, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại TPHCM - cho biết, quân đội sẽ lập đội công tác đặc biệt, với sự tham gia của cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, đưa lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị đến từng nhà dân.

Các đội công tác đặc biệt cũng sẽ vận động, giám sát người dân thực hiện nghiêm cách ly xã hội. Lực lượng quân y cùng các trạm y tế lưu động, tổ y tế cộng đồng tham gia điều trị, hỗ trợ y tế người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà, cũng như trường hợp khẩn cấp khác.

Để bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 10 triệu người dân TPHCM trong 15 ngày, thượng tướng Võ Minh Lương đề nghị các bộ, ngành, trong đó có quân đội, công an, ngành công thương hợp tác giải quyết vấn đề này.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Phạm Thị Thắng cho biết, thành phố dự kiến các mặt hàng thiết yếu theo giá trị dinh dưỡng, từ đó tính cụ thể, chi tiết số lượng hàng hóa (gạo, đường, nước mắm, dầu ăn...) mỗi ngày.

Hàng trăm bác sĩ quân y vào TPHCM giúp F0 điều trị tại nhà

Theo Vietnamnet, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng vừa có công điện hỏa tốc về việc tăng cường lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam.

Cục Quân y đề nghị Học viện Quân y huy động 300 bác sỹ và học viên đại học tăng cường cho Quân khu 7 và các tỉnh phía Nam, trong đó có 120 bác sỹ là học viên đang đào tạo sau đại học thuộc các đơn vị của Học viện; 180 học viên đại học từ năm thứ hai trở lên. Số bác sỹ, học viên trên chia thành các tổ, mỗi tổ 5 người gồm 2 bác sỹ và 3 học viên, sẵn sàng lên đường ngay khi có lệnh.

Lực lượng tăng cường này sẽ có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường, quản lý, chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại gia đình, phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.

Học viện Quân y có nhiệm vụ tổ chức tập huấn, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ theo nhiệm vụ cho số bác sỹ, học viên trên.

Xuất quân cho lực lượng quân y tăng cường vào các tỉnh phía Nam ngày 18-8. Ảnh: Bộ Quốc phòng
Đề xuất công chức TPHCM mặc đồng phục khi ra đường

Theo Vnexpress, Sở Nội vụ TPHCM đề xuất cán bộ, công chức phải đeo thẻ và mặc đồng phục của thành phố khi đi trên đường để lực lượng kiểm soát ở các chốt nhận diện. Nội dung này được Sở Nội vụ TPHCM đề cập trong văn bản khẩn UBND thành phố về đề xuất các giải pháp cấp bách thực hiện công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn TPHCM ngày 20-8.

Theo đó, cơ quan này đề xuất chính quyền thành phố xem xét, chỉ đạo việc kiểm soát đi lại đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị theo phương án "3 tại chỗ".

Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc các cơ quan, đơn vị di chuyển bằng xe gắn máy phải đeo thẻ công chức, thẻ ngành, thẻ đi đường và mặc đồng phục của thành phố để lực lượng phòng, chống dịch nhận diện.

Nếu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đi ôtô, bên cạnh việc đeo thẻ và mặc đồng phục, phải có thẻ đi đường dán tại kính trước bên trái xe.

Theo đề xuất của Sở Nội vụ thành phố, đồng phục của thành phố là loại áo khoác- áo bib (dạng áo lưới mặc bên ngoài để nhận diện, thường dùng trong thể thao, thành phố dự định chọn áo màu xanh dương), có logo nhận diện theo hướng dẫn của thành phố. Căn cứ vào số lao động được bố trí làm việc trực tiếp tại trụ sở, các đơn vị đăng ký đồng phục với Sở Công thương thành phố.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách về vi phạm của cấp dưới và việc cấp thẻ công chức, thẻ đi đường không đúng. Những người ra khỏi nhà khi không cần thiết, không đeo thẻ công chức, thẻ ngành, thẻ đi đường, không mặc đồng phục sẽ bị xử phạt.

Minh Thảo tổng hợp

Chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” với chủ đề “Đồng hành chống dịch” được phát động vào ngày 2-6-2021. Với vai trò là cầu nối, Kinh tế Sài Gòn tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm để cùng chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Chương trình sẽ nhận hiện kim, vật phẩm từ các tổ chức, cá nhân đóng góp và sau đó sẽ trao tặng lại cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn trong các vùng dịch tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước. Xem chi tiết tại đây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối