Thứ tư, Tháng tư 2, 2025

Bình Dương số ca F0 giảm 24,1% trong ngày 1-9

 (SGTT) - Theo thông tin từ Sở Y tế Bình Dương, vào ngày 1-9, tỉnh này đã ghi nhận 3.440 ca mắc Covid-19. Cộng dồn từ đợt dịch thứ 4 đến nay, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 118.228 ca mắc Covid-19.

Trong ngày 1-9, số ca mắc toàn tỉnh đã giảm xuống 1.090 ca (chiếm tỷ lệ 24,1%) so với ngày 31-8 là 4.530 ca. Cụ thể, địa phương có số ca mắc giảm là Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng. Số ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa chiếm 66% và sàng lọc cộng đồng là 21,8%.

Tỷ lệ ca mắc được ghi nhận tại cơ sở y tế là 7,5%. Các trường hợp còn lại có kết quả khẳng định RT-PCR tại khu cách ly tạm thời cho người test nhanh dương tính (4,7%).

Huyện Tân Uyên là địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất trong ngày 1-9 với 1.254 ca, tăng 135,3% so với ngày 31-8. Hầu hết ca mắc được phát hiện tại khu phong tỏa (1.203 ca).

Ngoài ra, huyện Bến Cát cũng là địa phương có số ca mắc trong ngày cao thứ hai tại Bình Dương với 880 ca. Số lượng ca mắc mới tại địa phương này tăng 16,6% so với ngày 31-8.

Trong khi đó, các khu vực còn lại như Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Bàu Bàng... đều ghi nhận số ca mắc mới giảm so với một ngày trước đó. Ngày 1-9, 2.703 bệnh nhân Covid-19 tại Bình Dương đã được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 xuất viện của tỉnh lên 64.199 người.

Bộ Y tế cảnh báo "thuốc trị Covid-19 giả"

Thông tin trên Vnexpress, ngày 1-9, Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế đưa ra cảnh báo trên thị trường xuất hiện thuốc phòng, chống Covid-19 giả, quảng cáo sai sự thật.

Theo đó, một số tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc phòng chống Covid-19 không rõ nguồn gốc, thuốc giả. Thuốc được quảng cáo không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng. Một số đơn vị lợi dụng tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.

Cục An toàn Thực phẩm đã nhiều lần cảnh báo tình trạng sản phẩm lợi dụng chiêu bài điều trị Covid-19. Cục khẳng định "không có loại thực phẩm chức năng nào (gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng y học) có tác dụng chữa bệnh, điều trị bệnh, đặc biệt là điều trị Covid-19".

Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ sản xuất kinh doanh, thuốc giả điều trị Covid-19. Ngày 31-8, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội và Cục Cuản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc. Chủ cơ sở khai "không biết gì về y dược", mua các hộp thuốc "trôi nổi" với giá 100.000 đến hai triệu đồng, về rao bán giá gấp đôi để kiếm lời.

Trước tình trạng này, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý. Các cơ quan giám sát chất lượng thuốc lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19.

Cảnh sát kiểm tra số thuốc không rõ nguồn gốc. Ảnh: CACC
Bình Dương bắt đầu triển khai tiêm 1 triệu liều vắc-xin Sinopharm vào ngày 2-9

Với quan điểm “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”, Bình Dương đẩy nhanh tiêm khi nhận được vắc-xin với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19.

Theo Tuổi trẻ Online, ngày 1-9, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết đã nhận được những lô vắc-xin Sinopharm đầu tiên trong tổng số 1 triệu liều từ TPHCM và sẽ bắt đầu tiêm từ ngày 2-9. Trong đó, hai thành phố sẽ triển khai tiêm đầu tiên là Thủ Dầu Một và Dĩ An.

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, cho biết trước khi nhận 1 triệu liều Sinopharm từ TPHCM thì thời gian trước tỉnh đã tiêm loại vắc-xin này cho công dân Trung Quốc và người chuẩn bị đi du học Trung Quốc trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo kết quả 16.000 người đã tiêm Sinopharm tại Bình Dương đều có sức khỏe ổn định, chỉ có 1 người có phản ứng nhẹ sau tiêm.

TPHCM có thêm hơn một triệu liều vắc-xin

Theo Vnexpress, Bộ Y tế vừa có quyết định cấp thêm cho TPHCM hơn một triệu liều vắc-xinchủ yếu là AstraZeneca và một số ít Pfizer. Thông tin được ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM nói tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn vào chiều 1-9.

Theo ông Nam, hai loại vắc-xin này sẽ tập trung cho người đã tiêm mũi 1 vào ngày 20-6 là thời điểm triển khai đợt tiêm thứ 4. Đến nay, nhóm này đã tiêm được 11-12 tuần. "Ngoài ra, theo kế hoạch từ nay đến 15-9, TPHCM sẽ tiêm cho người đã thực hiện mũi 1 ở đợt thứ 5, với các vắc-xin thời hạn tiêm mũi 2 ngắn hơn, khoảng 3-4 tuần", ông Nam nói.

Minh Thảo tổng hợp

Chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” với chủ đề “Đồng hành chống dịch” được phát động vào ngày 2-6-2021. Với vai trò là cầu nối, Kinh tế Sài Gòn tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm để cùng chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Chương trình sẽ nhận hiện kim, vật phẩm từ các tổ chức, cá nhân đóng góp và sau đó sẽ trao tặng lại cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn trong các vùng dịch tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước. Xem chi tiết tại đây.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối