Trương Huỳnh Như Trân -
Những ngày Chủ nhật miên man, một bình hoa ở góc phòng có thể khiến lòng người đang đi mải miết dừng lại đôi chút. Ừ, chỉ cần thế thì hoa cũng bớt tủi.
Hoa diễm phúc hơn khi ngày Chủ nhật được chọn từ một góc chợ, mang hoa về phòng. Người cắm hoa dù rất vụng thì hoa cũng có được một chỗ đứng trong bình, tự cho mình cái tự hào đã làm dịu lại được vài dây thần kinh nào đó cho ai đó lướt ngang qua. Những bông hoa dù là hoa gì thì vẫn luôn luôn đẹp, nếu không đã chẳng gọi là hoa.
Trong những ngày tháng dài dặc, người luôn nhớ những bình hoa Chủ nhật, như những đốm màu rực lên trên nền u xám của bức tranh toàn cảnh.
Người nhớ những bình cẩm chướng đủ màu mà khi cắm người bâng khuâng với cái ý nghĩa hoa cẩm chướng đọc được ở đâu đó: Tôi xin là nô lệ của tình yêu. Có không cái sự nô lệ đầy lãng mạn ấy giữa thời đại này?
Người nhớ bình loa kèn nhắc những tháng 4. Loa kèn tháng 4 ở Sài Gòn thơm bất thường, như dậy lên hương sắc trong cái nắng nao nức của phương Nam.
Và nhớ những bình salem vàng, nhớ về cô bạn gái nhỏ. Ngày sinh nhật mỗi năm nhỏ chỉ yêu cầu duy nhất một bình salem. Bạn giờ ở phương xa, trong lời thư gửi về, giọng bạn phân vân: Ở đây có nhiều loại salem lắm, vàng, đỏ, hồng, tím… Salem ở đây tươi rất lâu nên ta cũng không thấy ai làm khô… Rồi một khoảng lặng… Ừ, người biết bạn đang nhớ salem vàng của ngày xưa.
Những “ngày xưa” như một thứ mồi gây ghiện, một thứ quà ăn hoài không hết, càng ăn càng nhớ.
Màu hoa tươi rực trong bình gợi nhớ về những ngày tháng thơ dại đầy mộng mơ, rực rỡ màu cúc quỳ dọc con đường đất đỏ của vùng bình nguyên. Người con gái đạp xe chở về đầy một giỏ xe hoa cúc quỳ, như chở cả nắng trưa về nhà. Ngày đó cắm hoa trong cái… xô, những bông quỳ héo rũ trong nắng, cắm trong xô nước một lát thì bừng tỉnh vươn lên, tươi rực một góc nhà. Cô gái nhỏ nhìn bình hoa dã chiến của mình, lòng cũng được một chút xông xênh.
Những bông hoa lớn lên từ mọi góc vườn, đồng ruộng, khi ra chợ rồi về nhà ai đó, thì không còn cái tự do ngát hương nữa. Hương hoa và sắc hoa lúc này quẩn quanh trong một vị trí nhất định, và lụi tàn đi trong lãng quên. Vì lẽ đó mà tôi không khi nào nỡ cắt những cành hồng phơi phới trong chậu để đem vào bình cả. Như là cắt lìa đời sống, như là đứt đoạn thanh xuân. Tôi cũng bỏ luôn thói quen của thời thơ dại: hái những bông hoa dại đem về nhà. Hoa đẹp và an yên nhất khi ở trên cành.
Mà biết đâu tôi lại nhầm. Biết đâu hoa muốn được cắt lìa và được nâng niu thưởng ngoạn trong bình gốm, được loài người chú ý trầm trồ xoa xuýt, hơn là đời sống bình thường – tầm thường ở đâu đó không ai biết tới. Thà được lên ngôi quyền lực trong thoáng chốc rồi tan biến như bọt bể. Suy cho cùng ở đời này, có thứ gì không phù du bọt bể, nhất là một đời nhan sắc tỏa hương?
Mà có lẽ chỉ có con người mới lắm chuyện thị phi để mà suy đoán, nghĩ thay cho hoa. Còn hoa thì cứ điềm nhiên bung nở và tàn rữa, dù đang ở trên đồng, trong chậu kiểng hay một góc bàn nhà người.
Và những bình hoa Chủ nhật hay những bó hoa, lẵng hoa, vòng hoa… vẫn luôn tồn tại, tận tụy với nhiệm vụ của mình trong đời sống, làm dịu đi những nỗi buồn, nguôi ngoai cơn đau, thăng hoa niềm vui… Những nhiệm vụ cao cả do con người đặt ra và sử dụng, còn những ý nghĩ của hoa dường như phong kín, làm sao con người thấy được.
Có khi trong đêm nơi góc cầu thang, tôi bắt gặp một bình hoa khô lặng lẽ soi bóng dưới ánh đèn vàng. Bóng hoa mảnh mai và trầm mặc. Hoa lúc này không hương, không sắc, chỉ có vẻ chiêm nghiệm im lìm trong đêm sâu hút làm lòng người xốn xang. Dù không một ngọn gió, dù bình hoa im phắc, tôi vẫn cảm tưởng bóng hoa có chút rung rinh dịu nhẹ, xôn xao những tâm tình mà người đời không hiểu thấu.