Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Bình tĩnh trước “bão” khuyến mãi

Đang có nhu cầu mua một chiếc ti vi LED để trang bị cho nhà mới lại gặp lúc các siêu thị điện máy quảng cáo khuyến mãi rầm rộ, chị Hiền (quận 7, TPHCM) giục chồng đi chọn mua. Vậy nhưng, sau khi dạo một vòng qua vài trung tâm điện máy, chị Hiền và chồng đành quay về tay không vì... hoang mang.

>> Đến hẹn lại lên

>> Xả hàng như xả lũ

>> Bỏ tiền mua hàng không bán

Nâng lên rồi mới giảm giá

Theo lời kể của chị Hiền, tại trung tâm điện máy đầu tiên ở quận 4, cả hai vợ chồng ngắm nghía và thích một mẫu ti vi của hãng LG. Nhân viên bán hàng tư vấn rằng sản phẩm này đang được giảm giá 4%. Cụ thể giá gốc của máy là 6.240.000 đồng nay giảm còn 5.990.000 đồng. Chưa vội mua ngay, vợ chồng chị Hiền đến một trung tâm khác ở quận 1 thì thấy giá bán cho sản phẩm trên là 5.900.000 đồng, giảm 1.000.000 đồng từ giá cũ. “Giá bán thì chênh nhau không nhiều nhưng họ đều cho rằng hàng đã giảm so với giá gốc. Vậy nhưng giá gốc là bao nhiêu thì không thể nào biết nổi”, chị Hiền nói.

Câu chuyện của chị Hiền hiện khá phổ biến trên thị trường điện máy, nhất là trong thời buổi khuyến mãi nhiều đến mức như... trào lưu nhằm đáp ứng tâm lý thích khuyến mãi, giảm giá của người tiêu dùng. Vậy nhưng, như chị Hiền chia sẻ, điều người tiêu dùng cảm nhận là dường như các trung tâm đang cố tình nhập nhằng về mức khuyến mãi bởi ai cũng quảng cáo mình giảm giá nhưng giảm được bao nhiêu thì khách hàng không biết khi không rõ giá thực, giá gốc. Thậm chí, có không ít trường hợp, mức được thông báo là đã giảm của điểm bán này lại còn cao hơn giá chưa giảm ở siêu thị kia.

Nhiều chương trình khuyến mãi chờ người mua. Ảnh: Ngọc Linh
Nhiều chương trình khuyến mãi chờ người mua. Ảnh: Ngọc Linh

Chưa hết, rất nhiều cửa hàng, trung tâm điện máy phát tờ thông tin rằng giảm giá sốc, lên đến 50% cho hàng ngàn mặt hàng, minh chứng bằng mặt hàng ti vi này, tủ lạnh nọ nhưng khi khách đến mua thì lại được thông báo đã hết hàng và nhân viên dẫn dắt, mời chào mua sản phẩm khác. “Theo tôi thấy thì trong hàng ngàn mặt hàng giảm giá được công bố thì không ít là các đồ dùng có giá trị thấp như nồi niêu, xoong chảo... hoặc các sản phẩm điện máy mà nhãn hiệu rất lạ”, chị Hiền nói.

Ông Phạm Ngọc Phi, Trưởng phòng Marketing, bộ phận kinh doanh hàng điện tử Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam, chia sẻ, trên thị trường điện máy hiện nay, đúng là có xảy ra tình trạng nhà phân phối đẩy giá niêm yết lên cao hơn so với giá khuyến nghị đưa ra từ nhà sản xuất rồi công bố khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, những chương trình khuyến mãi quảng cáo rằng có sự hỗ trợ trực tiếp từ nhà sản xuất... phần lớn là do nhà bán lẻ tự tổ chức.

Cũng theo ông Phi, hiện có nhiều mặt hàng điện máy được bán trên mạng với giá thấp hơn khá nhiều so với giá bán tại cửa hàng. Tuy nhiên, không ít trong số này là hàng bị trầy xước, thậm chí là bị lỗi.

[box type="bio"] Luật đã có

Theo các quy định hiện hành, việc thực hiện khuyến mãi của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải được đăng ký, báo cáo với cơ quan quản lý là sở công thương tỉnh, thành phố cũng như thông báo công khai đến người tiêu dùng. Luật cũng quy định, mức giảm giá không quá 50% giá sản phẩm; không được khuyến mãi gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng...

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011) cũng quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ, hàng hóa và quyền của người tiêu dùng khi bị xâm phạm. Do vậy, khi phát hiện mua phải hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không đúng với thông tin được công bố, người tiêu dùng cần liên hệ với Hội Bảo vệ người tiêu dùng và cơ quan quản lý tại địa phương để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp.[/box]

Chọn lọc trước khi vung tiền

Sau một vài lần bị lừa và mất thời gian vì những thông tin khuyến mãi, chị Hiền rút ra kinh nghiệm cho bản thân là mua hàng có chọn lọc và mua theo tiền mình chấp nhận chi trả, áp dụng cho từng mặt hàng. Với mặt hàng điện máy, chị không còn tin là mặt hàng đó giảm giá được bao nhiêu mà lựa chọn theo nhà phân phối. Chị cho rằng, muốn các dịch vụ hậu mãi, bán hàng tốt thì chấp nhận mua giá cao, chọn ở các siêu thị, chuỗi cửa hàng đã có uy tín trên thị trường. Còn nếu muốn giá tốt thì mua ở cửa hàng nhỏ. Với các mặt hàng quần áo, giày dép, chị Hiền chỉ quan tâm giá bán cuối cùng và bản thân chị tự đánh giá sự tương đồng của mức giá đó với chất lượng.

Ở góc độ nhà kinh doanh, ông Phi chia sẻ, khi mua hàng điện máy trên mạng, người tiêu dùng nên cẩn thận. Ngoài chuyện hàng có thể bị lỗi, bị trầy xước thì cũng cần lưu ý đến thời gian bảo hành. Các sản phẩm chính hãng thường được các nhà sản xuất bảo hành ít nhất một năm, kể từ ngày mua hàng. Nếu thời gian bảo hành thấp hơn mức này thì cần lưu ý. Cũng theo ông Phi, hiện nhiều sản phẩm được trung tâm, siêu thị điện máy công bố tăng thời gian bảo hành, có thể lên đến hai năm thì phần tăng thêm do nhà bán lẻ tự chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, khi mua hàng điện máy, người tiêu dùng cũng nên lưu ý về nước sản xuất – nơi đặt nhà máy. Đây là một yếu tố quyết định đến giá bán. Trong rất nhiều trường hợp, sản phẩm tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện... của hãng là Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng hàng được sản xuất tại Thái Lan thì giá cao hơn sản xuất tại Trung Quốc. Về chuyện này, dưới góc độ là một nhà kinh doanh, ông Phi nói rằng: “Nguyên nhân không phải là chất lượng mà do thuế nhập khẩu từ các nước là khác nhau”.

[box type="download"] “Bão khuyến mãi” ở một số nước

Singapore: Từ năm 1994, lần đầu tiên Singapore tổ chức “Mùa siêu khuyến mãi Singapore” (Great Singapore Sale). Đây là sự kiện hàng năm, kéo dài trong tám tuần, ngày cuối cùng trong tháng 5 đến ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 7. Tất cả hàng hóa tham gia chương trình đều được giảm giá 30-70%.

Mỹ: Ngày thứ Sáu đen (nguyên gốc tiếng Anh là Black Friday), là ngày đánh dấu điểm khởi đầu cho mùa mua sắm nhộn nhịp nhất tại Mỹ. Trước đây, ngày mua sắm này chỉ diễn ra vào ngày thứ Sáu của tuần thứ tư trong tháng 11 (lễ Tạ ơn) nhưng sau đó đã kéo dài ra bằng việc bắt đầu từ ngày hôm trước đến hết Chủ nhật trong tuần có ngày lễ Tạ ơn. Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn từ Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF), trong dịp khuyến mãi nhân Ngày thứ Sáu đen năm 2013, tại Mỹ, có tổng cộng 141 triệu người mua sắm trong bốn ngày (từ ngày 28-11 đến 1-12), nhiều hơn 2 triệu người so với năm trước đó, đạt tổng mức chi tiêu gần 57,4 tỉ đô la Mỹ.

Úc: Mùa khuyến mãi của Úc diễn ra vào thời điểm cuối năm, từ trước Noel vài ngày cho đến Tết Dương lịch, thời điểm đa phần người lao động nghỉ phép. Trong đó, ngày khuyến mãi lớn nhất năm của Úc được gọi là “Boxing day”, 26-12 hàng năm. Theo đó, hàng hóa trên toàn nước Úc phần lớn được giảm giá đến khoảng 70% so với giá bán bình thường.

Tương tự như Úc, tại Anh và các quốc gia khác thuộc khối thịnh vượng chung, “Boxing day” cũng là ngày đại hạ giá cho rất nhiều các mặt hàng. Đây là ngày mà hàng hóa tồn kho được chào bán đủ loại, từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, nước hoa cho đến đồ điện tử... Theo tờ Daily Mail (Anh), “Boxing day 2013” có đến hàng ngàn người xếp hàng trước mỗi cửa hiệu lớn của nước này. Một phần trong số họ đến từ các quốc gia Nga, Trung Quốc, Nigeria và các nước Trung Đông chỉ vì mục đích mua sắm.

Đức Tâm[/box]

Minh Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối