Liên quan đến việc một số trường đại học đưa môn văn vào tổ hợp để xét tuyển ngành y, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) cho biết, sắp tới sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, cần thiết sẽ yêu cầu các trường giải trình những vấn đề xã hội quan tâm. Còn Bộ Y tế cho rằng, cơ sở đào tạo cần có phân tích, giải trình rõ ràng, thuyết phục về căn cứ khoa học, thực tiễn về sự cần thiết, lý do phải đưa môn văn vào xét tuyển.
- Điểm mới trong tuyển sinh đại học 2023: Đăng ký xét tuyển theo ngành
- Những trường trung học tư thục có học phí cao nhất TPHCM
TTXVN thông tin, liên quan đến việc một số trường đại học sử dụng môn văn trong tổ hợp môn xét tuyển vào ngành y, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thông tư số 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định là chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, nhóm ngành ở từng lĩnh vực (như lĩnh vực/ khối ngành sức khỏe do Bộ Y tế chủ trì xây dựng) phải bao gồm cả quy định về chuẩn đầu vào và các yêu cầu khác về điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra.
Chẳng hạn như khi quy định về chuẩn đầu vào, cơ sở đào tạo cần có quy định rõ các yêu cầu về kiến thức, năng lực… của người học, trong đó, có thể có yêu cầu về kiến thức các môn trong tổ hợp xét tuyển hay bài thi đánh giá năng lực đầu vào.
Cũng theo bản tin trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xem xét, xử lý khi có những dấu hiệu, hành vi vi phạm chính sách, quy chế của Nhà nước trong phạm vi quản lý. Do đó, thời gian tới, bộ sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, nếu cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm.
Bộ cho biết thêm, quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có quy định là mỗi phương thức tuyển sinh (mà cơ sở đào tạo quyết định sử dụng) cần nêu rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Bộ Y tế cũng có vai trò quan trọng vì theo Quyết định 436/2020 của Thủ tướng, Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành sức khỏe.
Theo TTXVN, đại diện Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, các cơ sở đào tạo đưa môn văn vào xét tuyển khối ngành y là quyền của một số trường. Tuy nhiên, Bộ Y tế lý giải, việc đưa môn văn vào xét tuyển đại học lĩnh vực sức khỏe đồng nghĩa với việc sẽ bỏ bớt môn khác như toán, lý, hoá, sinh.
Bộ Y tế góp ý, các cơ sở đào tạo cần có phân tích, giải trình rõ ràng, thuyết phục về căn cứ khoa học, thực tiễn về sự cần thiết, lý do phải đưa môn văn vào xét tuyển đào tạo đại học lĩnh vực sức khỏe, trong đó, có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm theo đúng yêu cầu của Thông tư 08/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc xem xét cơ sở khoa học và thực tiễn của việc đưa môn văn vào xét tuyển phải được phân tích cho từng mã ngành cụ thể của lĩnh vực sức khỏe. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần cân nhắc đến quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với một số chức danh, đặc biệt là về nội dung và hình thức kiểm tra (trắc nghiệm) để xem xét việc đưa môn văn vào tổ hợp xét tuyển.
Những trường đại học có đào tạo ngành sức khỏe sử dụng tổ hợp để xét tuyển vào ngành y khoa có môn văn là Trường Đại học Văn Lang (TPHCM) với tổ hợp học bạ D12 (văn, hóa, anh); Trường Đại học Duy Tân có tổ hợp A16 (toán, khoa học tự nhiên, văn) khi xét kết quả thi tốt nghiệp; Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường Đại học Tân Tạo (Long An) cũng thêm tổ hợp khối B03 (toán, văn, sinh) khi xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
T.Đào
Theo Kinh tế Sài Gòn Online