Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Bỏ Hiệp ước Schengen có giúp EU an toàn hơn?

HỒNG QUÂN -

Dẹp bỏ Hiệp ước Schengen, đóng cửa khu vực du lịch tự do của châu Âu có thể không giảm được mầm mống khủng bố, đồng thời càng khiến người tị nạn lâm vào cảnh khốn khó hơn.

Schengen là ngôi làng tĩnh mịch thuộc nước Luxembourg, được Liên minh châu Âu (EU) lấy tên này để đặt cho khu vực không biên giới hồi năm 1985. Từ giữa làng, chỉ mất 1 km băng qua cây cầu sông Mosel để đi đến Đức, và mất 2 km đi dọc theo dòng sông này để đến Pháp. Ngôi làng này cũng có một dòng rượu vang nổi tiếng (Coteaux de Schengen) được làm từ nho thu hoạch từ cả ba quốc gia giáp biên giới quanh làng.

22Mỗi ngày, có khoảng 150.000 người dân Luxembourg qua lại vùng biên giới để làm việc.

Có đến 44% lực lượng lao động của Luxembourg (khoảng 150.000 người) di chuyển qua lại giữa Bỉ, Pháp và Đức hàng ngày. Còn nếu tính trên toàn khối EU, tổng số người qua lại biên giới đạt khoảng 778.000 người/ngày trong lần thống kê năm 2006-2007, tăng 490.000 so với thời điểm năm 1999-2000. Còn số lượng chuyến bay nội vùng EU (460 triệu chuyến) nhiều gấp bốn lần so với các chuyến bay đến từ ngoài EU (125 triệu chuyến) tại các sân bay lớn ở EU vào năm 2012. Đơn giản vì nhờ có Hiệp ước Schengen, những chuyến đi của người dân châu Âu qua lại biên giới để làm việc, học tập hoặc du lịch, vui chơi trở nên dễ dàng hơn.

Nhưng số phận của Schengen giờ đây lại đang đứng trước hai thách thức: khủng hoảng người tị nạn và vụ đánh bom Paris. Kẻ khủng bố Ahmad Almohammad dường như đã lọt vào lãnh thổ EU từ Leros, Hy Lạp, đã khiến hai thách thức trên càng trở nên nặng nề.

Schengen và hai hệ thống tương tự trước đó nữa (Liên minh hộ chiếu Bắc Âu có từ năm 1954 và việc hủy bỏ kiểm soát hộ chiếu giữa các nước thuộc khu vực Benelux năm 1970) hình thành dựa trên ý tưởng rằng nếu vùng biên giới bên ngoài được bảo đảm an ninh đầy đủ thì vùng biên giới bên trong có thể được gỡ bỏ. Cơ sở thứ hai là bởi vì tội ác có thể xảy ra qua biên giới nên cần nâng tầm phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát để chống lại mối đe dọa này. Ngoài ra, Hiệp định Dublin quy định rằng quốc gia, nơi một người tị nạn lần đầu tiên đi vào EU, cũng phải là nơi mà người này xin tị nạn.

Sự tin tưởng lẫn nhau là yếu tố nội tại của các hệ thống này. Thụy Điển muốn yên tâm tin rằng người Hy Lạp kiểm soát được người di dân đi vào lãnh thổ của họ; Pháp cần phải biết rằng Bỉ đang điều tra các nghi phạm khủng bố và chuyển các thông tin liên quan cho họ biết; còn Ba Lan muốn biết rằng người tị nạn trên những con tàu vượt Địa Trung Hải đang nộp đơn xin tị nạn ở Ý.

Vấn đề là không thành phần nào trong ba nhóm trên dường như làm việc đủ trách nhiệm và niềm tin luôn bị đem ra kiểm chứng gắt gao. Phản ứng của nhiều quốc gia EU đơn giản chỉ là nhờ đến giải pháp cũ: xây dựng hàng rào biên giới, thiết lập lại các cột mốc biên giới và tạm thời đình chỉ các hoạt động tại Schengen cũng như chưa đưa ra quyết định cho tương lai của khu vực này. Nhưng những hành động này không giải quyết được những thách thức mà châu Âu đang đối mặt.

Trước tiên, việc tái lập kiểm soát làm xáo trộn hoạt động của những người cần qua lại biên giới hàng ngày, gây ra nhiều hệ lụy kéo dài. Hơn 700.000 người sẽ gặp khó khăn hàng ngày, con số này còn lớn hơn nếu tính theo hàng tuần hoặc hàng tháng. Thứ hai, bỏ mặc các quốc gia Nam Âu tự đối phó với những dòng người tị nạn không phải là giải pháp. Lượng hồ sơ xin tị nạn đã đạt mức kỷ lục trong năm 2015. Thứ ba, các mối đe dọa khủng bố đã tiềm tàng sẵn trong EU. Đa số kẻ tấn công Paris cho đến nay đã được xác định là người sinh ra ở châu Âu. Tương tự như vậy, những kẻ đánh bom London năm 2005 đều là người tại địa phương.

Sau vụ đánh bom Paris, Hà Lan đề xuất một “hiệp ước Schengen mini” nhưng đó chưa phải là giải pháp triệt để.

Tờ The Guardian cho rằng không nên xóa bỏ Schengen, mà ngược lại phải tăng cường sức mạnh cho hệ thống này. Một lực lượng biên giới EU, một cơ quan điều tra giỏi của EU và một hệ thống phân bổ hạn ngạch dài hạn để thay thế Hiệp định Dublin là ba điều tối thiểu mà EU cần có lúc này. Nếu không, EU có thể sẽ phải đối diện với những xung đột trong các vùng biên giới và mầm mống khủng bố từ người địa phương trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối