Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Bỏ ngỏ thị trường muối biển thô

DƯƠNG QUYÊN VY - 

Thời gian gần đây, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến muối biển thô, muối chưa qua tinh chế, vì cho rằng đây là sản phẩm tự nhiên, có hàm lượng khoáng chất cao. Chỉ có điều, trong lúc muối do “diêm dân” làm ra đang thừa mứa thì nhiều bà nội trợ vẫn phải mỏi mắt tìm mua loại muối biển nguyên chất này.

Vắng bóng trên kệ hàng

muoiNgười dân ở Sa Huỳnh, Quảng Ngãi đang thu hoạch muối.  Ảnh: Bảo Uyên

Nhu cầu muối biển thô của người tiêu dùng ở TPHCM xuất phát từ xu hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ (organic) thuần tự nhiên, không chất bảo quản hay có sự tác động nào của chất hóa học. Khác với rau củ, thịt, cá hiện đang được nhiều cửa hàng chuyên bán thực phẩm sạch bày bán, muối biển thô sản xuất tại các vùng muối trong nước gần như vắng bóng trên các kệ hàng.

Một nhân viên bán hàng tên Nguyệt Minh (quận 1, TPHCM) cho biết, chị đang trong quá trình giảm cân nên được bác sĩ khuyên dùng muối biển để nấu ăn hàng ngày. Muối biển giúp tiêu hóa thức ăn dễ dàng, không gây sự tích tụ trong đường tiêu hóa dẫn đến chứng táo bón và béo phì. Thế nhưng khi vào siêu thị và chợ truyền thống, chị Minh gần như tìm không ra bịch muối thô nào. “Tìm mãi mới ra một vài cửa hàng thực phẩm online bán muối hầm ở quê gửi vào, còn muối tươi thì phải đặt riêng với người bán”, chị Minh cho hay. Giá muối hầm khoảng 35.000-40.000 đồng/kg, muối tươi khoảng 20.000 đồng/kg.

Thế nhưng, theo chị Minh, tìm được nơi bán muối tinh khiết tự nhiên ở TPHCM đã khó, nhưng khó hơn vẫn là chuyện xác minh chất lượng muối. “Đôi khi muối có lẫn cát hay vỏ ốc, nhưng dù sao mắt thường vẫn thấy được nên dễ lọc bỏ, chứ chất hóa học trong muối công nghiệp thì mình đâu kiểm soát được”, chị Minh nói.

Một số cửa hàng thực phẩm sạch cho biết, hầu hết muối biển thô hay muối hầm có mặt trên thị trường TPHCM hiện nay được nhập về từ các tỉnh ở vùng duyên hải miền Trung. Là sản phẩm thủ công, sản xuất trên nền đất nên sản phẩm khó tách bỏ hết được cặn. Vì vậy, dù đánh giá là có vị đậm đà, ngon hơn muối công nghiệp nhưng một số người vẫn e ngại.

Chị Phương Thảo (quận Bình Thạnh) cho biết gần hai năm nay chị dùng muối hồng Hymalaya nhập khẩu từ nước ngoài để nấu các bữa ăn cho con nhỏ. Giá loại muối này lên đến 300.000 đồng/kg, nhưng theo chị Thảo nó vẫn đáng “đồng tiền bát gạo”.

“Không phải sính ngoại, nhưng tôi đã mua thử muối tự nhiên sản xuất trong nước ở vài cửa hàng về hòa vào nước ấm kiểm tra độ cặn trước khi dùng thì thấy cát còn nhiều. Biết là sản phẩm thủ công không thể hoàn hảo nhưng quả thật là cũng sợ con bị sỏi nên chỉ dám dùng để rửa rau”, chị Thảo giải thích.

Cung chưa đáp ứng

Trong khi người tiêu dùng khó khăn tìm muối biển sạch thì ở các vựa muối miền Trung, muối tồn kho lên đến cả ngàn tấn/năm. Hiện nay, giá muối bán tại ruộng chỉ 200-300 đồng/kg.

Theo chị Hồng Thắm (chủ thương hiệu muối Sahu), không phải loại muối nào cũng đạt chất lượng và độ sạch đáp ứng yêu cầu của phân khúc khách hàng cao cấp, chuộng sản phẩm thuần thiên nhiên này. Hạt muối tích được nhiều khoáng chất phải được phơi qua 3-4 nắng (một nắng tương đương một ngày), nhưng do giá muối những năm gần đây xuống quá thấp nên người làm muối rút ngắn chỉ còn một đến một nắng rưỡi. Muốn có muối tốt và sạch, người bán phải đặt hàng riêng với diêm dân và phải có quy trình giám sát sản xuất, chọn lọc thu mua.

Còn theo chị Phạm Huyền (cửa hàng bán thực phẩm online wiki), một khó khăn khác nằm ở kênh phân phối. Nhiều cơ sở kinh doanh vẫn giữ lối tư duy truyền thống khi đã quen xem muối là mặt hàng phổ thông nên không đầu tư xây dựng thương hiệu, nhãn mác.

“Phân khúc khách hàng chính của muối biển lúc này là người thu nhập khá và có quan tâm đến thực phẩm sạch. Những đối tượng khách hàng này đòi hỏi cao về sự minh bạch thông tin sản phẩm nhưng các cơ sở sản xuất hiện chỉ dừng lại sản xuất theo kiểu “nhà làm” nên rất khó đáp ứng được thị trường tiềm năng này”, chị Huyền lý giải.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối