Thứ năm, Tháng Một 9, 2025

Bò nhập khẩu tăng mạnh

NGỌC HÙNG - 

Mặc dù có thời điểm bị chậm lại do ảnh hưởng giá cả, nhưng lượng bò Úc nhập khẩu về Việt Nam trong ba quí đầu năm nay đã tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng đàn bò nuôi trong nước cũng đang tăng dần.

Bò ngoại tăng

thitboThịt bò nhập khẩu bán tại một cửa hàng ở TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

Theo tờ abc.net.au, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai về nhập khẩu bò của Úc. Tờ báo này dẫn lời ông Stuart Kemp từ Hiệp hội Xuất khẩu gia súc khu vực phía Bắc của Úc, cho biết ước tính lượng bò xuất khẩu sang Việt Nam vào khoảng 300.000 con trong năm 2015.

Trong một báo cáo mới nhất của trang web Thịt và gia súc Úc (Meat & Livestock Australia) cho thấy, trong chín tháng đầu năm 2015, lượng bò Úc nhập về Việt Nam qua các cảng Darwin, Townsville, Broome và một số cảng khác là 280.000 con, tăng mạnh so với con số 130.000 con ghi nhận trong năm 2014. Trang này dự báo trong năm tài chính 2014-2015, lượng bò Úc nhập về Việt Nam vào khoảng 400.000 con, tăng 136% so với năm tài chính trước đó.

Thực tế cho thấy, trong hai năm trở lại đây, Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu bò Úc lớn thứ hai, chỉ xếp sau Indonesia. Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng sở dĩ Việt Nam nhập bò Úc nhiều một phần là do yếu tố giá cả. Giá bò Úc khi về Việt Nam dao động quanh mức 3 đô la Mỹ/kg thịt hơi. Mức giá này giúp doanh nghiệp có lãi sau khi giết mổ bán ra thị trường. Hơn nữa, giá dầu trên thị trường thế giới giảm, kéo giá cước vận tải giảm theo, cộng với nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng cũng là một nguyên nhân làm cho lượng bò Úc nhập về tăng mạnh trong năm nay.

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, thời gian vừa qua không chỉ có Úc mà các quốc gia có thế mạnh về thịt bò như Canada, Mỹ và một số quốc gia thuộc EU cũng đến Việt Nam chào bán thịt bò đông lạnh. Quốc gia nào muốn bán được thịt bò cho Việt Nam sẽ phải có sự cạnh tranh về giá. Ngoài yếu tố cước vận tải, bò Úc xuất sang Việt Nam đều nuôi ở chế độ chăn thả tự do nên chi phí không cao.

Hội này cũng cho rằng, lượng bò Úc nhập về Việt Nam nhiều là do nguồn cung trong nước giảm mạnh. Cụ thể, trong giai đoạn 2007-2012, tổng đàn bò của cả nước giảm khoảng 1 triệu con, chỉ còn khoảng 5,2 triệu con. Trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt tăng nên doanh nghiệp phải nhập để bù đắp sự thiếu hụt.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho rằng lượng thịt nhập khẩu của Việt Nam tăng là do nhu cầu tăng. Trong bối cảnh hội nhập, thuế nhập khẩu giảm dần về 0%, người tiêu dùng trong nước có thêm những lựa chọn đối với sản phẩm nhập khẩu. Song, điều đó đang là thách thức của ngành chăn nuôi trong nước, lĩnh vực mà Việt Nam không có thế mạnh khi tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bò nội cũng tăng

Khác với những năm trước, đàn trâu bò thường giảm dần thì năm nay tổng đàn bò đang tăng lên. Bộ NN&PTNT dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến tháng 10-2015, đàn bò cả nước đạt mức 5,38 triệu con, tăng 2%, đàn trâu là 2,56 triệu con, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được giải thích là đàn bò sữa phát triển mạnh khi những công ty lớn lẫn người dân đã nhập bò sữa từ các nước như Mỹ, Úc, New Zealand về nuôi.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết nhu cầu tiêu thụ thịt bò trên thị trường vẫn còn lớn và tiếp tục tăng lên. Ngoài việc bán thịt nhập khẩu, công ty cũng tập trung mua nguồn bò trong nước. Gần đây, Vissan đã ký biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp ở tỉnh An Giang để có nguồn cung ổn định.

Ông Huỳnh Văn Quang, một nông dân nuôi 20 con bò thịt ở huyện Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết người dân ở huyện này không có đất để chăn thả nên nuôi theo kiểu nhốt. Có người nuôi bò từ nhỏ đến lớn, có người mua bò từ Campuchia về nuôi thêm độ mươi tháng nữa rồi bán cho các doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Quang, hiện chăn nuôi bò của gia đình ông và những người trong huyện có xu hướng tăng. Song, không phải ai cũng mạnh dạn đầu tư mở rộng mà chỉ đầu tư vừa phải theo kiểu tăng thêm vài con sau mỗi lần nuôi. “Chúng tôi không thể mở rộng nhanh quy mô đàn bò nuôi nhốt do thiếu vốn và cũng không dám mạo hiểm vay tiền ngân hàng vì sợ nếu có dịch bệnh xảy ra sẽ không còn vốn để tiếp tục chăn nuôi”, ông Quang nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối