Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Bỏ phố về rừng: Có đam mê sẽ thấy tình yêu!

(SGTT) - Có rất nhiều những nhọc nhằn, gian nan, có hàng chục lần muốn bỏ cuộc, hàng trăm việc phải tự tay mò mẫm, dò dẫm làm từng bước, trải nghiệm từng bước để có thể ổn định cuộc sống nơi núi rừng… những bạn trẻ rời bỏ phố thị để về sống nơi núi rừng còn có chung một đam mê bất tận: thiên nhiên.

Tình yêu “sét đánh”

Đang có cuộc sống ổn định, yên bình với một cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), bỗng một ngày đầu năm 2019, anh Trần Chấn Hưng gác lại tất cả, thu dọn hành lý về vùng rừng núi xa xôi ở xã Măng Cành (huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) bắt đầu lại từ đầu.

Con đường từ thị trấn vào chỗ anh Hưng ở những ngày mùa đông, sương mờ giăng kín lối. Ảnh: NVCC.

Nơi anh Hưng đến cách xa đường lộ khoảng 7km, nằm biệt lập giữa rừng, không điện, không nước. Trước đó, nơi đây chỉ có “một người đồng bào” trồng mì mà cũng không chăm sóc gì, mặc cho cây sinh tồn theo cách tự nhiên của nó.

Trong câu chuyện với Sài Gòn Tiếp thị, anh Hưng  không ngừng nhắc về địa danh này với một tình yêu say đắm. Anh bảo mình như bị “tình yêu sét đánh” với khung cảnh núi rừng, những làn sương sớm và khí hậu ôn hòa nơi đây. Đã đi nhiều, xem nhiều, cọ xát nhiều với cuộc sống, bỗng dưng anh muốn gác lại tất cả, vào rừng sâu nơi này để sống một cuộc đời mới.

“Từ chỗ mình ra thị trấn hơn 7km, trang trại của mình nằm biệt lập trong rừng. Trong vòng bán kính 3km chỉ có mỗi farm mình nằm trơ trọi. Ai cũng bảo mình “khùng” vì đang yên đang lành lại vào rừng sống. Nhưng mình biết điều mình đang làm. Sau nhiều năm lăn lội giữa phố thị đông đúc, mình muốn được sống chậm lại, được trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn”, anh Hưng giải thích, giọng tràn đầy nhiệt huyết dù đang phải một mình “bơi” giữa núi công việc dang dở.

Lúc chuyển về đây, nơi này chỉ có một căn nhà chòi nhỏ giữa thung lũng. Anh Hưng tự tay cải tạo lại mọi thứ để trở nên gọn gàng, đẹp đẽ hơn, tiện nghi hơn. Ảnh: NVCC.

Hiện tại, ngoài việc “quy hoạch” lại không gian sống ở trang trại Family Farm của anh Hưng còn trồng thêm hồng đẳng sâm, cây ăn trái, rau hoa ôn đới… và dựng thêm một số phòng lưu trú để có dịp mời bạn bè, khách ngang đường ghé thăm theo dạng farmstay.

Dùng tất cả những đồng tiền tích cóp được trong suốt thời gian làm kinh tế ở thành phố, anh Hưng đặt mục tiêu gầy dựng nơi này thành nơi đáng sống trong cuộc đời mình và sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ đối với khách ghé thăm.

Thế nhưng, anh không đưa ra một mức giá nào cụ thể, kể cả cho những người lưu trú lại đây. Anh bảo mình tin vào sự tử tế của con người. Khi đã sống gần thiên nhiên, những lo toan bộn bề, những cạnh tranh, đấu đá thường nhật rồi cũng sẽ qua. Con người sẽ hiền hòa hơn, yêu thương và trân trọng những giá trị cuộc sống một cách đúng nghĩa hơn.

Sẻ chia đam mê

Sau gần 2 năm chuyển về sống tại đây, anh Hưng bảo anh vẫn còn yêu tha thiết vùng đất này. Khi được hỏi có bao giờ cảm thấy hối tiếc vì đã một mình lên nơi rừng sâu này lập nghiệp, anh Hưng trả lời rằng anh chỉ tiếc mình đã không làm điều mình muốn từ lâu này sớm hơn.

Để kết nối những người cùng đam mê bỏ phố về sinh sống ở Măng Đen (Kon Tum), anh Hưng lập trang facebook Khởi nghiệp Măng Đen. Trong ảnh: Anh Hưng giữa trang trại vừa mới trồng cây của mình ở xã Măng Cành Ảnh: NVCC.

Anh Hưng chia sẻ nếu như Bảo Lộc, Đà Lạt, Sapa… là những nơi có khí hậu tương tự nơi anh đang ở nhưng giá cả đất đai đã rất đắt đỏ thì ngược lại, giá đất ở Kon Tum còn "mềm hơn", phù hợp cho những người muốn quay trở về nhưng không có nhiều điều kiện.

Ở Đà Lạt, muốn mua đất để làm trang trại phải từ 10 tỉ đồng/ha, khu Bảo Lộc cũng có giá 4 – 5 tỉ đồng/ha hay như ngay tại miền Đông Nam bộ, ở Đồng Nai, Bình Phước…, đất nông nghiệp cũng phải có giá 3 tỉ đồng/ha. Trong khi giá đất ở thị trấn Măng Đen (thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) ở khoảng 2 tỉ đồng/ha đối với những nơi có đầy đủ các tiện ích như điện, đường. Còn vào sâu hơn trong vùng rừng núi, giá chỉ còn vài trăm triệu/ha, phù hợp với khả năng của nhiều bạn trẻ có cùng mong muốn bỏ phố về rừng, thiết lập một cuộc sống mới.

Lao động hằng ngày dưới lớp sương mù, giá lạnh là điều không phải ai cũng chịu được. Ảnh: NVCC.

Giữa năm ngoái, thị trấn Măng Đen, thuộc huyện Kon Plong được thành lập, giúp nơi này được biết đến nhiều hơn. Cũng giống anh Hưng, đã có một số người bắt đầu đổ về đây xây dựng nhà vườn, farmstay, xây dựng các mô hình vườn sinh thái… Dẫu vậy, mật độ rừng ở Kon Plong còn nhiều, điều kiện khí hậu phù hợp với nhiều loại hoa đẹp, trái cây miền ôn đới như dâu tây…

Do đó, thay vì sống biệt lập, anh muốn kết nối nhiều anh em đến đây để cùng trao đổi, chia sẻ về cách họ xây dựng cuộc sống ở vùng đất mới. Vì với anh Hưng, xê dịch không phải là chuyện đơn giản. Không phải ai cũng sẵn sàng từ bỏ cuộc sống phố thị để về một nơi xa xôi, phải gầy dựng lại từ đầu, nhiều khi còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro.

Trang trại của anh Hưng ở xã Măng Cành trong giai đoạn gầy dựng ban đầu. Ảnh: NVCC.

Trang trại của anh hiện có 3 người, trong đó có 1 bạn là tình nguyện viên, anh Hưng và một người đồng hành. Bạn tình nguyện viên sau khi đến đây chơi, trải nghiệm thì cảm thấy cuộc sống ở đây nên đã xin ở lại cùng hỗ trợ.

“Măng Đen hôm nay ít mưa rồi, sáng nay mình bắt gặp một vệt nắng thoáng qua, chỉ như thế thôi là đã ngập tràn cảm xúc. Sau những ngày mưa là những ngày nắng, phải như thế, có bao giờ khác được!”, một dòng status (trạng thái) anh Hưng đăng trên Facebook cá nhân như diễn tả nỗi lòng của người đã trải qua những tháng ngày đi tìm bình yên cuộc sống bên cỏ cây, bên núi đồi.

Nam Bình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối